- Những người nông dân này đa phần ở các tỉnh miền trung Việt Nam, cũng vì nghèo khổ nên đành từ giã quê hương, “xuất ngoại” sang Lào tìm kế sinh nhai bằng rất nhiều nghề. Đa số được hưởng thụ thành quả lao động nhưng cũng có rất nhiều người vĩnh viễn phải nằm lại đất bạn.

 
Tiếng trọ trẹ trên đất bạn

Một buổi sáng đầu năm 2013, đang ngồi uống nước tại quán cafe Việt ở Mê Kông Hotel (thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn) tôi chợt nghe tiếng rao của một người phụ nữ miền Trung VN “ai cắt móng tay móng chân không”. Thấy chúng tôi nhìn lại chị liền nói: Các anh ơi, “mề xưa” cho em với (tiếng địa phương tại Quảng Bình là “mở hàng”).

Mọi người nhìn chị rồi lắc đầu. Đại đa số khách là đàn ông, chẳng ai có nhu cầu. Chị đành quay chiếc xe đạp cà tàng cùng chậu, ghế con và dụng cụ hành nghề, buồn rầu quay đi.

Chị Kiều bên đồ nghề và chiếc xe đạp cà tàng đang cật lực mưu sinh bằng nghề cắt móng tay dạo ở Thà Khẹt.

Bất đắc dĩ, anh bạn tôi đành phải “mề xưa” cho chị để tôi có thể hỏi thăm. Người phụ nữ nhỏ thó, gầy gò này là Lê Thị Kiều, 32 tuổi, quê ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Chị và người chồng vừa đến Thà Khẹt được 4 tháng và mưu sinh bằng nghề cắt móng tay dạo, còn chồng thì đi bán kem ngoài đường.
Nhóm thợ móng tay đường phố đang làm cho khách.

Chị nói rằng, năm trước 2 vợ chồng đi lao động ở Mã Lai nhưng do không ăn thua nên khi về nước đã quyết định tiếp tục gửi con cho ông bà để sang Lào, theo chân các đồng hương đi trước kiếm sống.

‘‘Làm nghề này được cái đầu tư ít, chỉ cần cái xe đạp và vài triệu đồng mua dụng cụ. Chỉ có điều suốt ngày phải lang thang ngoài đường kiếm khách. Chẳng may bị công an sở tại bắt được thì xem như mất trắng. Ở bên này người ta bắt buộc mình làm ăn thì phải mở tiệm để còn thu thuế’’, chị Kiều tâm sự.

Câu chuyện ngắn ngủi với chị Kiều khiến chúng tôi hình dung được phần nào bức tranh lao động tự do tại Thà Khẹt. Đa phần họ đều là người nghèo khổ ở Việt Nam, theo chân nhau sang Lào với mục đích kiếm tiền gửi về quê.

‘‘Chẳng ăn thua anh ạ. Do không biết làm gì nên phải làm nghề ni thôi. Ngày nào hên thì kiếm được 80-100.000 kíp (khoảng hơn 200.000 VNĐ), nhưng cũng có nhiều ngày về không vì giờ người Việt làm nghề này nhiều quá. Trừ chi phí ăn ở, mỗi tháng vợ chồng em tích cóp được khoảng 3-4 triệu đồng’’, chị Kiều bộc bạch.

 
Chị Hoa đang kể cho phóng viên VietNamNet nghe về công việc cực nhọc của mình tại Lào trong nhiều năm qua.

Còn chị Hà, một người đồng hương khác của chị Kiều, đã có thâm niên 4 năm làm nghề này tại đây chia sẻ: Nhớ nhà, nhớ quê lắm nhưng giờ về biết làm gì sinh sống nên đành phải bám trụ ở đây.

Mong mỏi của những phụ nữ Việt làm nghề này là đến một ngày nào đó có đủ tiền mua chiếc xe máy chạy đi làm cho đỡ khổ. Xa hơn nữa là kiếm được khoảng 40 triệu đồng, thuê địa điểm mở cái quán rồi tập hợp chị em về làm cùng. Đỡ phải mệt mỏi mưu sinh trong trốn tránh.

‘‘Cực lắm, nhưng phải làm thôi’’

Trên những trục đường chính của thị xã Thà Khẹt, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh của những người phụ nữ tầm trung tuổi đang lúi cúi bới từng đống rác, hoặc là đang nhặt nhạnh những chai, lọ trên đường. Anh bạn tôi sinh sống ở đây lâu bảo rằng, họ đều là người Việt cả.

Chiều muộn, khi thị xã bé nhỏ đã dần lên đèn, bất chợt hình ảnh một người phụ nữ đội nón lá, tầm trung tuổi đang oằn lưng cõng một bao tải lớn, lê từng bước chân nặng trĩu đập vào mắt chúng tôi.

Đoán được chị là người Việt Nam nên nhóm phóng viên tìm cách bắt chuyện. Thuyết phục mãi chị mới chịu chia sẻ. Gạt đi những giọt mồ hôi trên trán, chị kể: Chị tên Hồ Thị Hoa, năm nay cũng xấp xỉ tuổi 50, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa.

Chị Hoa sang Lào làm nghề nhặt ve chai cũng đã được 6-7 năm gì đấy, chị chẳng thể nhớ chính xác được. ‘‘Lúc đó cũng vì kiếm đồng tiền khó quá nên tôi đành từ giã chồng và 3 con để theo một số chị em qua đây kiếm tiền. Cực lắm nhưng được cái ngày nào cũng tích cóp được vài chục nghìn kíp’’, chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa cũng cho biết thêm, hầu hết những người đi nhặt ve chai ngoài đường phố đều là người Việt cả. Như chị, mỗi ngày đi vài ba chuyến. Do không có phương tiện nên chị phải đi bộ dọc khắp các tuyến đường ở Thà Khẹt. Chị nhặt các loại ve chai bằng nhựa và kim loại, về bán cho các địa điểm thu mua của người Việt.

Không được nhiều nhưng mỗi chuyến đi khoảng 3-4 tiếng cũng kiếm được khoảng 10-20 nghìn kíp (khoảng 25-50.000 VNĐ). Nói rồi chị Hoa khoe chúng tôi thành quả sau nhiều giờ lao động, một bao tải đầy chai nhựa và lon bia. Bán đi cũng được khoảng 20 nghìn kíp.

Anh Thành với cơ ngơi tạm gọi là yên ấm

‘‘6 năm ở Lào không biết tôi đã đi bộ bao nhiêu nghìn km. Thu nhập mỗi tháng trừ tiền ăn uống, thuê trọ ra tích cóp được vài ba triệu tiền Việt, và hàng tháng đều phải gửi tiền về nuôi con’’, chị Hoa tâm sự.

Chị kể tiếp, có nhiều lúc trời mưa liên tục chẳng thể đi được, ngồi trong nhà nóng ruột quá nên liều mình mặc áo mưa ra đường. Nhiều lúc về bị ốm, thế là mất không cả tuần lao động vào thuốc men chữa trị.

May mắn hơn chị Hoa, vợ chồng anh Trần Văn Thành, quê xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa đã có được một ‘‘cơ ngơi’’ nho nhỏ sau 6 năm đi rông ngoài đường thu mua đồng nát.

Anh bảo, thấy mọi người đi Lào đều làm được ăn nên năm 2006 hai vợ chồng anh đã quyết định gửi lại 4 đứa con đã lớn cho ông bà.

Lúc đầu 2 vợ chồng sang đây làm nghề bán bánh rán rong trên những chiếc xe đạp. Nhưng rồi chẳng ăn thua nên quyết định chuyển qua nghề thu mua đồng nát.

"Mỗi ngày chúng tôi phải đạp xe hàng chục km, vào tận các bản để thu mua. Bữa trưa thì thường được bà con người Lào cho xôi ăn, buổi tối về nhà trọ nấu ăn nên cũng đỡ" - anh Thành kể.

Sau 6 năm lang thang ngoài đường, anh Thành quyết định thuê một mảnh đất ở thị xã Thà Khẹt, mở tiệm thu mua, vừa là chỗ ở cho gia đình anh và một số đồng hương cùng cảnh.

"Ngồi một chỗ thu mua có khá hơn và đỡ phải giãi nắng dầm sương mà có tiền gửi về quê đều đặn" - anh Thành bộc bạch.

Theo anh Thành, người Việt ở Thà Khẹt rất đông, chỉ có số ít là làm chủ kinh doanh, còn lại là lao động tự do. Họ kiếm sống bằng nhiều nghề, từ nhặt ve chai, thu mua đồng nát, xây dựng cho đến bán rau ở chợ. Tất cả họ sang đây đều để kiếm tiền gửi về quê. Mặc dù nghèo khổ nhưng được cái đoàn kết.

Duy Tuấn

(còn nữa)