“Nhà báo cứ lên đi, ngày mô mà miềng (mình) không vô rừng đặt bẫy chuột, đó là cuộc sống của người Rục mà” – giọng của Cao Xuân Chuyên cứ oang oang trong máy điện thoại khi tôi đặt vấn đề được đi săn chuột đá cùng anh.
"Luân hồi sinh học?"
Đầu tháng 9/2011, các nhà khoa học Việt Nam thuộc tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) công bố thông tin tìm thấy loài chuột đá, tên khoa học Laonastes aenigmamus, đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm nhưng lại xuất hiện ở vùng rừng núi Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).
Chuột đá được bày bán ở chợ (Ảnh: Bưu điện VN) |
Thông tin trên gây chấn động giới khoa học nghiên cứu về động thực vật, nhưng với người Rục bản địa thì chẳng có gì ghê gớm, loài chuột này họ vẫn hàng ngày bẫy về làm thức ăn.
Năm 2005, mẫu hóa thạch của loài chuột đá, tên khoa học Laonastes aenigmamus được phát hiện ở một vùng núi của Lào. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định, loài chuột này đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Đến đầu tháng 9/2011, loài chuột này lại được các nhà khoa học phát hiện ở rừng Phong Nha và đang vô tư săn bắt. |
Gặp chúng tôi đang cuốc bộ trên đường, ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón hồ hởi, chào hỏi. Khi biết lí do chúng tôi có mặt ở bản Ón, ông cười khà: “Con chuột đó có chi ghê gớm mà hết đoàn ni, đến đoàn khác về rứa hè. Hắn có hai tên: kà – nệ - khụng hoặc ninh – cùng, sống đầy trong các hốc đá, lâu nay người Rục bọn miềng vẫn bẫy về ăn thịt mà.
Rứa mà có đoàn cán bộ nói hắn chết mô lâu lắm rồi, luân hiếc chi đó. Thấy bọn mình bắt được làm thịt, họ hoảng hốt như cháy nhà đến nơi, nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy ai cấm đoán chi cả, chỉ thấy người dưới xuôi lên tìm mua ngày càng nhiều thôi”.
Ông Tư cho biết thêm, ở vùng rừng này không chỉ có chuột đá mà nhiều loại chuột khác nữa. Do dễ bắt hơn các loài thú khác nên từ hồi người Rục còn ở trong hang đá, họ nhà chuột vẫn là loại thực phẩm hàng ngày, trong đó có chuột đá.
“Loài ni (chuột đá) không nhanh nhẹn như những giống chuột khác nên chỉ sống và tìm thức ăn quanh hang trú ngụ. Chúng hoạt động nhiều nhất vào mùa hè và chỉ xuất hiện vào ban đêm. Con nào cũng đen, bóng mượt như than, đuôi dài như sóc, móng nhọn như mèo” – ông Tư miêu tả.
Viagra của người Rục
Thấy chúng tôi xuất hiện đầu ngõ, anh Chuyên í ới gọi hai thằng cháu ôm đống bẫy ở góc nhà hối hả nói, đi luôn cho kịp.
Chúng tôi thực sự ái ngại khi nhìn hai thằng cháu chừng trên dưới 10 tuổi, còn anh thì tập tễnh một chân bước ra. Hiểu ý, anh cười xòa: “Yên tâm đi, chỉ sợ nhà báo theo không kịp thôi, đi rừng là nghề của người Rục miềng mà!”.
Bẫy chuột đá được người Rục làm từ cây rừng |
Ở vùng núi, màn đêm buông xuống thật nhanh, vừa đến cửa rừng trời đã tối om. Cả đoàn chỉ có hai chiếc đèn pin, anh Chuyên giao hết cho chúng tôi, anh thoăn thoắt bước trên những vách đá đi trước dẫn đường. Anh nói, đi rừng chủ yếu là kinh nghiệm, ở vùng rừng này anh thuộc từng lùm cây bụi cỏ.
Cách đây hơn 10 năm, cũng trong một lần đi săn chuột, bất ngờ một tảng đá từ trên cao trượt xuống đè dập nát bàn chân phải của anh, nên giờ anh chỉ quanh quẩn vùng rừng quanh bản, chứ ngày xưa anh sang tận rừng Lào để săn bắt. Mặc dù thương tật là vậy nhưng cái tục danh “vua chuột” của anh trong cộng đồng người Rục đến nay vẫn chưa ai có thể soán ngôi.
Chúng tôi quen nhau cũng là vì thế. Cứ có dịp lên cứu trợ đồng bào Rục, thấy anh thương tật, tôi thường ưu ái anh hơn, lâu ngày thành thân thiết. Năm nay mới 40 tuổi, nhưng cậu con trai đầu của anh đã chuẩn bị đi bộ đội, cô con gái sau đang học cấp II ở trường dân tộc nội trú trên huyện. Nhà có hai vợ chồng nên anh nuôi thêm hai thằng cháu họ để vui cửa, vui nhà nhưng cốt yếu là nhằm truyền nghề săn chuột cho nó.
Vừa đi anh vừa kể: Hồi còn sống hoang dại trong hang đá, mới biết đi là đã phải theo cha săn chuột hằng ngày nên anh đã đúc rút được nhiều bí quyết bắt chuột. Mặc dù hiện nay người ta dùng nhiều loại vật liệu hiện đại để làm bẫy, riêng anh vẫn “chung thủy” với cách làm bẫy truyền thống của người Rục, từ đòn bẩy cho đến dây thắt đều lấy từ cây rừng, nhưng hiệu quả thì không hề thua kém.
Theo anh Chuyên, để đạt hiệu quả trong bắt chuột, người đi săn không chỉ phải hiểu tập quán sinh sống của chúng, mà còn có cách quan sát, tìm dấu vết, thậm chí là biết ngửi mùi. “Chỉ cần hít hà mấy cái, bác Chuyên có thể phân biệt từng loại chuột, chuột đực, chuột cái, hắn đang mang thai hay nuôi con nữa đó” – thằng cháu nói nhỏ vào tai tôi, khoe bí quyết của bác mình.
Anh Chuyên thống kê, ở vùng rừng này có 4 loài chuột sinh sống: Con ly, con công, kà – nệ - nhẹc, kà – nệ - kụng. Riêng loài kà – nệ - kụng (chuột đá) có bản tính rất hiền, sống sạch sẽ ở những nơi cao ráo. Tuy có phần hơi chậm nhưng chúng lại khôn hơn các loại chuột khác, hễ đánh hơi thấy mùi con người là không bao giờ nó đến nữa, thậm chí bỏ tổ đi nới khác làm tổ mới.
“Bắt loại ni (chuột đá) khó lắm, đặt bẫy phải thiệt kín đáo, đặc biệt là phải làm thật nhanh để tránh để lại hơi người” – anh Chuyên nói.
Sau chừng 3 giờ đồng hồ, ba bác cháu anh Chuyên đặt xong hơn 20 chục cái bẫy. Những cái bẫy đều được làm từ loại cây rừng rất dẻo, dài hơn 1m, to bằng ngón chân cái uốn cong như cây cung, đặt ở các hốc đá nơi có dấu vết của chuột sinh sống hoặc qua lại. Để chuột đi đúng vào vòng bẫy, anh Chuyên dùng cành cây và lá vây hai bên. Chỉ cần động nhẹ, ngay lập tức cần bẫy bật lên, vòng bẫy thắt ngay vào cổ hoặc thân của con chuột.
Chúng tôi ngồi chờ trên một tảng đá rộng, ở giữa là một bếp lửa cháy rần rật từ những cành củi khô. Lôi từ gùi ra một bịch rượu, anh Chuyên giới thiệu đây là đặc sản của người Rục, gọi là rượu đoác.
Ở vùng rừng này có rất nhiều cây đoác, thân như cây cọ. Người Rục trèo lên chặt ngọn, bỏ vào đó một loại men tự chế, nước từ cây đoác rỉ ra, chỉ cần hứng lấy, vậy là đã có rượu để uống.
Làm một ngụm rượu đoác có vị nồng nồng, ngọt ngọt dạng như nước của mẻ rượu lúc chưa nấu, anh Chuyên ngửa mặt lên trời: “Cầu trời hôm ni được vài con kà – kệ - kụng”.
Đoạn anh ghé tai tôi thì thầm như sợ ai đó nghe thấy: “Loại ni (chuột đá) nấu kiểu giả cầy, uống với rượu đoác thì không chi bằng. Đảm bảo với nhà báo, sáng ra vợ không vui thì phạt chi miềng cũng chịu”.
Năm 1959, bộ đội biên phòng phát hiện tộc người Rục sinh sống hoang dại
giữa đại ngàn miền Tây Quảng Bình. Họ lấy hang đá làm nhà, bột nhúc, bột
đoác thay cơm, thú rứng, cá khe làm thực pẩm, vỏ cây rừng làm quần áo. |
Theo Hoàng Nam (Tiền phong số Tết)