- Ông Lương Vĩnh Trịnh, phó đồn trưởng đồn biên phòng Hoằng Trường cho biết, hiện nay con tàu Hải Đông 27 vẫn chưa thể xử lý theo đúng pháp lý. Đồn biên phòng vẫn đang phối hợp với công ty để trông coi chiếc tàu này.

Như VietNamNet đã đưa tin, vào ngày 27/1, hàng chục tàu đánh cá của ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá đã đưa được con tàu vận tải hàng nghìn tấn vào bờ.

Trước đó, vào đêm 20/1, tàu Hải Đông 27, thuộc Công ty TNHH Hải Đông (Hải Phòng), quốc tịch Việt Nam trên đường chở hơn 3 nghìn tấn hàng từ Cù Lao Chàm về Hải Phòng đến vùng biển Quảng Bình (cách bờ khoảng 73 hải lý về phía Đông Bắc) thì bị thủng buồng máy, khiến nước tràn vào tàu.


Con tàu Hai Dong 27

Sau khi gặp nạn, toàn bộ 13 thuyền viên trên tàu này đã may mắn được tàu Phú Sơn 26 đi ngang qua khu vực trên cứu sống.

Anh Lê Văn Trình, lái tàu trưởng của con tàu mang biển hiệu TH 90245 cho biết, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 24/1, tàu của anh đang đánh cá trên biển thì phát hiện một con tàu vận tải đang trôi dạt trên biển.

Lúc này, do tàu cá của anh đang thả lưới nên không cho tàu cá tiếp cận gần con tàu. Đến khoảng 17 giờ 30 phút thì anh cho lái tàu chạy lại gần con tàu Hải Đông 27 và cho thuyền viên sang kiểm tra thì thấy trên tàu không có người nào.




Sau đó anh cho anh em cột dây vào thân tàu Hải Đông 27 rồi dùng bộ đàm gọi cho anh em tàu cá của địa phương đang đánh cá ở gần khu vực đến ứng cứu.

Quãng đường biển từ chỗ phát hiện con tàu bị nạn cho đến gần Hòn Sụn (Hoằng Trường) có chiều dài hơn 130 hải lý. Thời gian lai dắt mất hơn 36 giờ đồng hồ. Từ chiều tối ngày 25/1 đến sáng ngày 27/1 mới tới bờ.

Anh Trình cho biết, để kéo được một con tàu này vào bờ. Mỗi tàu cá của ngư dân phải chi phí cả trăm triệu.

Cụ thể, như tàu của anh với công suất 450CV, nếu chạy bình thường thì hết 20 lít dầu/tiếng. Nhưng khi phải tải thì phải hết 60 lít dầu/ tiếng.






Tàu đã bị hư hỏng nặng

Nhân với giá hiện nay 22 nghìn đồng thì mỗi tàu cũng phải hết vài chục triệu. Tổng cộng 15 tàu của ngư dân chỉ tính riêng tiền dầu máy đã ngót nghét gần 1 tỷ đồng.

Theo anh Trình, đó là chưa kể đến công xá của các thuyền viên, thời gian đánh bắt cá theo dự tính đi trong vòng 10 ngày. Nhưng chỉ mới được 5 ngày các tàu đã phải về với lượng cá rất ít.

Ông Phạm Việt Thuận, Phó giám đốc Công ty Hải Đông cho biết, từ ngày 27/12/2012 tàu Hải Đông 27 chở thức ăn gia súc từ Indonesia về đến Việt Nam, trên đường đi tàu bị hỏng máy nên phải vào Vũng Tàu sửa chữa.

Đến ngày 15/1, tàu rời Vũng Tàu đi Hải Phòng. Tuy nhiên, đến ngày 21/1, tàu Hải Đông 27 tiếp tục bị hỏng, nước tràn vào khoang máy, không hoạt động được.

Ông Lương Vĩnh Trịnh, phó đồn trưởng đồn biên phòng Hoằng Trường cho biết, hiện nay con tàu Hải Đông 27 vẫn chưa thể xử lý theo đúng pháp lý.

Đồn biên phòng vẫn đang phối hợp với công ty để trông coi chiếc tàu này.

Theo ông Trịnh, sở dĩ chưa thể xử lý con tàu vì tàu Hải Đông 27 thuộc Công ty Hải Đông (TP Hải Phòng) đã cho Công ty Phancon Chim ưng, địa chỉ tại quận 4 TP.HCM thuê để chở hàng. Khi xảy ra sự việc, phía Công ty Phancon Chim ưng vẫn chưa cử người đại diện đến đồn biên phòng làm thủ tục pháp lý.

“Còn việc 15 tàu cá lai dắt tàu Hải Đông 27 vào bờ, mọi chi phí hao tổn cũng lên đến tiền tỷ đồng. Vì vậy rất cần phía công ty Hải Đông giải quyết nhanh để có chính sách hỗ trợ cho các tàu cá của thuyền viên”, ông Trịnh nói.

Lê Anh – Duy Quang