Là phụ nữ đầu tiên gánh trọng trách quản lý trại rắn lớn nhất nước, gánh cả tên tuổi của những vị tiền nhiệm đã ít nhiều nhuốm màu huyền thoại, quả là một thách thức đáng sợ với người nổi tiếng sợ... rắn. Thế nhưng, chỉ sau 3 năm điều hành, người phụ nữ ấy đã đưa trại rắn vươn ra biển lớn.
Trại rắn độc cũng phải... đẹp
Là người vốn sợ rắn, nhưng cuối năm, về Tiền Giang, tôi lại được đồng nghiệp mời tham quan trại rắn Đồng Tâm... Trái với những hình ảnh ghê sợ và nhất là mùi hôi nồng nặc mà tôi từng có dịp "nghía" qua ở các trại nuôi rắn trước đây, cảm nhận đầu tiên khi bước vào trại rắn Đồng Tâm là khung cảnh thoáng đãng, gần gũi và thân thiện như một công viên đẹp.
Đặc biệt, chuồng trại ở đây được "thiên nhiên hóa" tối đa với lối thiết kế "cách điệu" dưới các gốc cây cổ thụ ven lối đi hay lẫn dưới tán cây xanh, hòn non bộ...
Nhờ vậy, lần đầu tiên trong đời tôi dám nhìn cận cảnh, chi tiết về thế giới rắn đủ màu sắc từ xanh của rắn lục, màu vàng lục, màu đen khoang vàng của rắn hổ chúa, rắn hổ đất...
Đại tá, dược sĩ Trần Thị Hà, Giám đốc trại rắn Đồng Tâm (Ảnh: Quân đội nhân dân) |
Vừa nghe tôi "thắc mắc" về quang cảnh sao quá đẹp, Trung tá - bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc trại rắn nói ngay: "Không chỉ bạn mà nhiều du khách cũng có cảm giác an toàn khi đến đây. Người tạo ra thành quả đó là giám đốc - Đại tá - dược sĩ Trần Thị Hà".
Có lẽ, điều khiến cả 4 ông phó tướng của chị "tâm phục khẩu phục" nhất là việc đánh thức vẻ đẹp bên trong đơn vị.
"Kiện toàn bộ máy theo hướng phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất là một trong những dấu ấn của chị", Trung tá Lương khẳng định:"Nhờ vậy mà đơn vị đã làm nên những điều tưởng chừng như không thể".
Nổi bật là chuyện cứu sống 100% bệnh nhân bị rắn cắn trong tình trạng "thầy chạy, bác sĩ chê".
Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Hữu Tài (SN 1954, Tân Phú, Bến Tre) bị rắn hổ đất cắn trong lúc đi chăn bò vào ngày 4/8/2009.
Do địa hình phức tạp nên mất gần 2 giờ sau ông Tài mới được đưa đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre. Do bệnh quá nặng, nơi đây "bó tay". Gia đình chuyển sang trại rắn cầu may nhưng đi đến giữa cầu Rạch Miễu thì xe chết máy, lại mất nửa giờ sửa chữa... "Lúc đó đã hơn 18h", Trung tá Lương nhớ lại.
"Nạn nhân nhập viện trong tình trạng cực kỳ nguy kịch: Toàn thân tím tái, mạch tim gần như ngưng hẳn, chỉ còn mạch vẹm nhưng rất thoi thóp".
Sau một giờ hồi sức tổng hợp cộng với bí quyết chuyên trị rắn của đơn vị, kíp trực đã giành lại được sự sống cho ông Tài.
Sau 2 tháng điều trị với 2 lần vá da phức tạp, ngày 19/10/2009, ông Tài xuất viện.
Tay không bắt giặc
"Chấp hành tổ chức nên mình về đây nhận nhiệm vụ, chứ "vốn liếng" về rắn của mình còn dưới cả con số 0", chị Hà tâm sự chân tình.
Đó là năm 2009, khi đang làm Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 120 (Quân khu 9) thì chị được điều động và trở thành nữ giám đốc của trại rắn Đồng Tâm.
Có nhiều lý do để chị phải "sợ" công việc này. Đồng Tâm là trại rắn có quy mô lớn nhất nước, có tên tuổi của 3 vị tiền nhiệm đã nhuốm màu huyền thoại, như Đại tá - dược sĩ Trần Văn Dược (1929-1989); mình kế nhiệm thế nào đây?
Chị lại là người cực kỳ sợ rắn. "Hồi nhỏ đi bộ đội ở rừng, mình nổi tiếng sợ rắn. Thấy rắn đàng xa là vác cây xua, chúng không chạy thì mình... chạy trước".
"Vạn sự khởi đầu nan". Ngay việc làm đầu tiên rất đơn giản là thay những mái lá lụp xụp đã xuống cấp tại các nhà nghỉ dành cho du khách, chị đã vấp... phải trở lực.
Không chỉ lời ra tiếng vào, mà có người còn "lớn tiếng" phê bình ngay trước mặt chị, nào là không hiểu du lịch sinh thái, rồi thế này thế khác... khiến chị không ít lần mủi lòng.
Khó khăn càng chồng chất khi lúc này chị phải gánh thêm vai trò trụ cột gia đình vì chồng đi làm xa, cuối tuần mới về nhà.
Bản lĩnh người lính đã giúp chị vượt qua. Chị chia sẻ: "Cái gì chưa biết thì học", chính suy nghĩ tích cực đó đã đưa chị vượt lên con số âm để đi đến thành công.
Không chỉ tận dụng thời gian sau những giờ giải quyết công việc đơn vị, chị còn tranh thủ cả thời gian rỗi ở nhà để khai thác tài liệu. Hết sách, báo, chị lại vào mạng. Chị còn tranh thủ học ngay từ thuộc cấp của mình.
Thoạt đầu là những bài học vỡ lòng như xác định tên rắn... dần dần nâng cao như nhìn màu da xác định được rắn xuất thân từ vùng núi Tây Ninh hay vùng trũng Đồng Tháp Mười...
Không chỉ vậy, chị còn thiết kế cho mình "kênh" học tập rất độc đáo. Chị nhớ lại: "Sau nhiều lần suy tính và tranh thủ được sự ủng hộ của lãnh đạo Quân khu 9, ngay trong năm 2009, mình tổ chức hội thảo khoa học quy tụ được nhiều chuyên gia giỏi, nhà khoa học tâm huyết".
Kết quả, chị đã bổ sung được rất nhiều kiến thức chuyên môn và qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu, chị còn vạch được cho đơn vị lộ trình và định hướng cải tiến nâng tầm hoạt động một cách có cơ sở.
Bà chúa... không ngai
Sau hội thảo, chị lao vào phát triển đơn vị. Với phương châm "có thực mới vực được đạo", chị chọn việc nâng cao đời sống đơn vị làm khâu đột phá.
Đầu tiên là cải tạo môi trường, cảnh quan để phát triển dịch vụ du lịch. Khung cảnh thâm u với cây tạp, già cỗi được thay thế bởi không gian thoáng đãng và rực màu sắc của cây xanh, hoa kiểng.
Điểm nuôi rắn được thiết kế lộ thiên tại trại rắn đã mang lại cho khách tham quan cảm giác gần gũi, nhưng cũng rất an toàn do được ngăn bằng bờ tường cao (Ảnh: Internet) |
Chuồng trại được sắp xếp lại một cách khoa học, mỹ quan và thích hợp với quy trình tham quan... Nhờ vậy, lượng khách đến tham quan đã vượt lên con số 100.000 lượt người/năm, gấp 3 lần so với trước.
Đời sống cán bộ, chiến sĩ của đơn vị theo đó đã được cải thiện. Trung tá Lương tự hào: "Tăng được nguồn thu dịch vụ, cộng với kinh phí có thêm từ việc đẩy mạnh tiêu thụ chế phẩm dược liệu, đơn vị đã chủ động được việc chăn nuôi, nghiên cứu... Với cách làm này, trại rắn Đồng Tâm được xem như điển hình của cả nước về mô hình bảo tồn động vật hoang dã bền vững".
Lúc mới "xốc" lại đơn vị, chị Hà phát hiện lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng dược liệu của đơn vị đang trong tình trạng 3 không: Không đăng ký dược phẩm, không mẫu mã hấp dẫn và không tiện lợi trong sử dụng.
Vì thế, dù chất lượng nhưng các sản phẩm chỉ quẩn quanh trong chiếc "ao làng". Vậy là vừa tiến hành các thủ tục "pháp lý hóa" toàn bộ các mặt hàng, chị vừa chỉ đạo bộ phận chuyên môn tăng cường công tác quảng bá: Mở đại lý tại nhiều địa phương trọng điểm, mở dịch vụ bán hàng qua mạng, bưu điện... để tăng tốc tiêu thụ nội địa, "quốc tế hóa" tên và "tiện dụng hóa" sản phẩm để đưa ra "biển lớn".
Trực tiếp tạo ra nhiều thành quả thiết thực cho đơn vị, trong con mắt cán bộ chiến sĩ trại rắn, chị Hà được xem như "bà chúa rắn"...
Ở Đồng Tâm có một câu rất ngộ: "Bốn vị đàn ông không bằng cái hông người đàn bà". Nguyên do, chỉ cần chị nói một tiếng: Hông (không - theo cách phát âm của Nam Bộ), là cả 4 ông phó giám đốc răm rắp chấp hành.
Nhưng, đó chỉ là trong công việc. Trong đời thường, chị là "bà chúa"... không ngai". Không chỉ ăn suất cơm như bao nhân viên tại đơn vị, chị còn sẵn sàng "đứng dưới", thậm chí nhiều lần nhường cả "tiền" và "tiếng" cho thuộc cấp.
Điển hình là việc chị mạnh dạn rút tên khỏi danh sách thực hiện đề tài cấp nhà nước: Phát triển và khai thác nguồn gen rắn hổ mang chúa và hổ mang đất làm nguyên liệu sản xuất thuốc.
Đề tài này thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2012, nghĩa là chị có đủ cơ sở pháp lý và khoa học để có tên trong danh sách thực hiện, nhưng chị đã từ chối với lý do rất... "tự trọng": "Mình mới học việc và cơ quan còn nhiều việc cần mình nên nhường chỗ cho anh em hiểu sâu hơn tham gia".
Trung tá Lương nhận định: "Đó là quyết định rất thật lòng của giám đốc, bởi sau đó, chị không chỉ quan tâm, tạo điều kiện, ủng hộ... mà còn có nhiều tác động tích cực giúp chúng tôi hoàn thành đề tài đúng thời gian".
Có lẽ giờ đây chị đã tự tin hơn trước cái bóng quá lớn của những người tiền nhiềm...
Trại rắn Đồng Tâm là tên thông dụng của Trung tâm nuôi trồng - nghiên cứu - chế biến dược liệu Quân khu 9, tọa lạc tại Châu Thành (Tiền Giang), được hình thành vào tháng 10/1979 với tên gọi Xí nghiệp dược 408 (Quân khu 9). Năm 1988, Bộ Quốc phòng quyết định nâng cấp thành trung tâm, có nhiệm vụ bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu điều trị cho quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị rắn độc cắn. Đây là trại rắn có quy mô lớn nhất nước, trong đó có trên 10 loài rắn độc được bảo tồn để khai thác du lịch và điều chế thuốc trị rắn cắn cho thị trường nội địa và xuất khẩu. |
Theo Tùng Hương (Phụ nữ TP.HCM số Tết)