- Trục giao thông phía tây Phú Yên đi qua 15 xã thuộc 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, khánh thành cách đây 4 tháng. Tết Quý Tỵ đi qua những vùng hẻo lánh trên trục đường này, chúng tôi chứng kiến người dân đón…tết lạ.
Thong dong ngày đầu năm Quý Tỵ, chúng tôi đến xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), tại đây có khu du lịch khá nổi tiếng suối nước nóng Triêm Đức.
Cảnh sắc mùa xuân trên tuyến đường tây Phú Yên |
Bên bãi cát trắng của dòng sông Kỳ Lộ, có một khối đá to, từ trong khe đá, một dòng nước nóng khoảng 70oC phun lên theo một rãnh nhỏ chảy ra sông. Nơi nước nóng hòa vào dòng sông là Vực Lò, một trong những vực sâu nhất của sông Kỳ Lộ.
Xóm “tròng trành” đi chơi tết, trên vai là chiếc sõng bơi qua sông |
Phía bên kia Vực Lò là xóm Gò Ổi (thôn Triêm Đức) có tên gọi là xóm “tròng trành”.
Sở dĩ gọi như vậy vì mọi sinh hoạt ở đây đều gắn với con sông này; ngày
thường cũng như ngày Tết, muốn sang được bên kia sông, người dân phải bơi sõng
(xuồng nhỏ) để tới bờ…
Dịp tết này, nhiều gia đình muốn đi thăm bà con bên kia sông, họ đều phải vác
trên vai một…chiếc sõng đi chúc Tết. Qua tới bờ bên kia, chiếc sõng lại được
“cõng” đến nhà bà con, đi hết một lượt, họ lại dùng chiếc sõng đấy để về nhà.
Một cảnh tượng rất lạ ở vùng quê nghèo này…
Tiếp tục trên tuyến đường Tây Phú Yên, vượt qua dốc Vườn Táo, dốc Đất Đỏ chinh
phục độ cao gần 700m đến xã Sơn Định, một trong 3 xã thuộc cao nguyên Vân Hòa
(huyện Sơn Hòa), khí hậu mát mẻ, trong lành.
Ở đây có phong tục người dân “ăn” Tết… ngoài trời, nét văn hóa có từ hàng trăm
năm nay.
Ăn tết ngoài trời |
Họ dắt díu nhau, ghé từng nhà thăm bà con, uống ly rượu xuân. Còn “ăn” tết đúng nghĩa thì phải ra…ngoài trời. Khoảng 5-7 người ra sông, suối gần nhà thả lưới bắt cá, mang xoong nồi, bia rượu đến nấu ăn uống tại chỗ.
“Phong tục ở đây kiêng cữ, Tết không được to tiếng để không gian trong nhà ấm cúng. Nếu ngồi tại nhà lỡ quá chén, nói lớn làm kinh động nhà cửa, tổ tiên…Có kiêng có lành, ba ngày tết êm ấm là cả năm sung túc”- ông Nguyễn Văn Tràn, ở xã Sơn Định giải thích tục ăn Tết …ngoài trời như vậy.
Phong tục “bắt” uống rượu Tết của người Ê đê |
Vượt qua đỉnh dốc, đến thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh). Vùng đất nhỏ, nhiều gò đồi, nơi hội tụ 20 dân tộc anh em sinh sống. Nắng xuân rực rỡ. Tết đến, xuân về, dòng người nô nức chơi xuân. Đi vào xã Ea Bia, thăm chúc tết một gia đình đồng bào thiểu số, người dân ở đây có phong tục “bắt” uống rượu tết.
Khách đến nhà thế nào cũng phải uống 1 chén rượu cần. Ông Ma Yên, người dân tộc Ê Đê cho hay: “Nói “bắt” chứ thật ra là mời “buộc” phải uống.
Rượu cần ủ từ
sắn và bắp ở đây thơm ngon, nồng ấm tinh khiết…Uống để thưởng thức cái hương vị
quê hương. Nếu không uống chủ nhà trách móc, cả chủ và khách đều không vui !”.
Thực tế cái “lệ” này đều răm rắp thực hiện, nhất là ngày Tết, ít nhất khách của
uống được 1 chén, thậm chí 1 ngụm rượu để gia chủ vui. Tiếp đó mới là câu chuyện
về một năm làm ăn khởi sắc…
Mạnh Hoài Nam