Nhận thấy “cá” đã cắn câu, Hải nhiều lần chủ động hẹn gặp chị T. để tâm sự. Từ chỗ quan hệ xã giao ban đầu, chị T càng lúc càng cảm mến Hải, do đó đã trao “cái ngàn vàng” cho đối tượng này không chút nghi ngờ.
Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) mới bắt giữ đối tượng Đàm Mạnh Truyền (SN 1986, ngụ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để điều tra về hành vi giả danh công an để lừa tình rồi đánh thuốc ngủ để lừa đảo, cướp tài sản của những cô gái nhẹ dạ cả tin.
Trước đó, chị Phạm Thị T.T (SN 1988, quê Nghệ An; hiện ngụ phố Lê Trọng Tấn, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến cơ quan công an trình báo về việc bị bạn trai mới quen cho uống thuốc ngủ để lợi dụng cướp tài sản.
Tang vật được cơ quan công an thu giữ. |
Theo lời tường trình của chị T., cuối tháng 12/2012, qua Internet, chị quen biết một nam thanh niên tự xưng là Tạ Đình Hải, cán bộ một tổng cục thuộc Bộ Công an. Qua nhiều lần chat bằng webcam với Hải, chị T. thấy người này mặc sắc phục, đang ngồi tại bàn làm việc rất giống với một cơ quan công an, phía sau có khẩu hiệu của ngành..., nên hoàn toàn tin tưởng anh ta là công an “xịn”.
Những lần tâm sự qua Internet với chị T, Hải thường chia sẻ về nỗi buồn có bạn gái cũ là nữ trinh sát phòng, chống ma túy hy sinh 1 năm trước trong khi làm nhiệm vụ. Và vì nặng lòng đau buồn nhớ nhung, muốn "để tang" người yêu nên trước khi gặp chị T., Hải chưa thể có quan hệ tình cảm với người phụ nữ nào khác.
Với chiêu lừa này, Hải nhận được sự đồng cảm sâu sắc và ngưỡng mộ của chị T. về "độ chung tình" của hắn. Theo thời gian và qua những buổi trò chuyện trên thế giới ảo, chị T. dần dần tin tưởng Hải là người đàn ông chân thành nên đem lòng yêu thương.
Nhận thấy “cá” đã cắn câu, Hải nhiều lần chủ động hẹn gặp chị T. để tâm sự. Từ chỗ quan hệ xã giao ban đầu, chị T càng lúc càng cảm mến Hải, do đó đã trao “cái ngàn vàng” cho đối tượng này không chút nghi ngờ.
Ngày 19/1/2013, như thường lệ, chị T. và Hải đi chơi rồi cùng nhau vào nhà nghỉ. Sau đó, lợi dụng lòng tin của người tình, Hải đã pha thuốc ngủ vào bia để cho chị T uống rồi cướp tài sản của chị này gồm một xe máy, 2 điện thoại di động, một máy tính xách tay và 1 triệu đồng tiền mặt rồi bỏ trốn.
Để che giấu hành vi của mình, Hải xuống gặp nhân viên nhà nghỉ hỏi mua một loại nước giải khát mà nơi này không có. Hải vờ gọi điện cho người tình ở trên phòng: “Em ơi, không có rồi! Anh ra ngoài mua nhé”. Sau đó, hắn biến mất cùng toàn bộ tài sản của nạn nhân.
Đối tượng Truyền |
Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, không thấy Hải quay trở lại, nhận thấy có dấu hiệu bất thường nên nhân viên nhà nghỉ đã lên gõ cửa phòng hắn thuê. Không thấy có người trả lời, nhân viên nhà nghỉ dùng chìa khóa phụ mở cửa thì phát hiện chị T nằm mê mệt bất động, xung quanh còn vương lại vỏ lon bia với mấy viên thuốc ngủ.
Chị T được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau 2 ngày, nạn nhân mới tỉnh lại và trình báo với cơ quan công an toàn bộ sự việc như trên.
Sau khi tiếp nhận trình báo của chị T, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã bố trí nhiều tổ công tác để rà soát các đối tượng nổi cộm trên địa bàn và vùng lân cận để tìm manh mối liên quan.
Ngày 20/1/2013, lực lượng công an phát hiện ra đối tượng nghi vấn. Theo đó, tên này là Đàm Mạnh Truyền (SN 1986, quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; đang thuê trọ ở thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Bị triệu tập lên cơ quan điều tra, trước những bằng chứng không thể chối cãi, tên Truyền đã phải khai ra hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, trước kia Truyền từng học Trường Cao đẳng Mỏ - Địa chất ở Quảng Ninh nhưng do ham chơi, sa đọa nên “đứt gánh giữa đường”. Từ ngày bỏ học, Truyền thành kẻ lang thang cơ nhỡ, thích chơi bời sành điệu nhưng lại lười lao động nên luôn trong tình trạng “tiền khô cháy túi”. Đã vậy, hắn còn nghiện Internet, đặc biệt nghiện game online.
Truyền không có tài sản nào "đáng giá" ngoài bề ngoài khá bảnh trai và tài ăn nói ngọt đến nỗi “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra”. Hắn luôn mong muốn có ngày "đổi đời", giã từ khốn khó.
Trong một lần "cắm mặt" cày" game, Truyền đột nhiên nảy ra “sáng kiến”: làm quen, kết bạn với thiếu nữ trẻ đẹp, ngây thơ, nhẹ dạ hoặc có tài sản qua Internet, sau đó lừa tình, lừa tiền.
Để các con mồi “sập bẫy”, Truyền bố trí phòng trọ của mình như một phòng làm việc của cơ quan công an, bố trí webcam để truyền tải hình ảnh của mình cho các nạn nhân được “mắt thấy, tai nghe” về “hiện thực công an” của hắn.
Có phương tiện kỹ thuật rồi thì còn cần trang bị “đạo cụ”, thế là Truyền ra phố Lê Duẩn (Hà Nội) mua quần áo công an, cầu vai, còng số 8 và cả dùi cui điện... Hắn còn cất công lùng mua cả khẩu hiệu của ngành công an dán lên tường, bố trí căn phòng giống hệt phòng làm việc của cơ quan công an.
Lấy "cứ địa" tại nơi thuê trọ, nhưng hễ nhận thấy “con mồi” dù ở tỉnh, thành phố nào cắn câu, Truyền cũng đến tận nơi để đưa đón, tán tỉnh nạn nhân, nhằm chứng mình lòng nhiệt thành của mình.
Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2011 tới nay, Truyền liên tiếp gây ra 17 vụ lừa đảo, cướp tài sản ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh... Nạn nhân của hắn hầu hết là các cô gái trẻ, nhẹ dạ cả tin và có điều kiện kinh tế. Sau nhiều lần tin tưởng rồi “tình cho không biếu không” “anh cảnh sát” đẹp trai "dẻo mỏ", đến khi bị hắn đánh thuốc mê thì những “người đẹp” này mới bừng tỉnh.
Nhân thân của Truyền khá éo le. Mẹ mất từ sớm, cha mang bạo bệnh nên nằm liệt giường đã lâu, chị gái Truyền cũng đã không còn. Những em trai Truyền biết vượt lên số phận, nỗ lực học tập nên đã nhận được học bổng toàn phần du học ở Nhật Bản. Truyền cũng "sáng dạ" và từng trúng tuyển vào trường cao đẳng mỏ như nêu trên. Tiếc rằng, thay vì tu dưỡng rèn luyện để trở thành một kỹ sư mỏ thì hắn lại bỏ học rồi chọn cho mình con đường trở thành “kỹ sư đào mỏ” người tình.
Một điều đáng nói nữa trong vụ án này đó là những nạn nhân bị Truyền lừa tình, đoạt tiền phần lớn là người ngoại tỉnh, vốn là “gái nhà lành”, thậm chí con nhà gia giáo, không ít trong số đó có học thức nhưng lại hết sức nhẹ dạ cả tin.
(Theo Tiến Phong - Lê Vũ/PLVN)