- Phải trả giá bằng những ngày ngồi bóc lịch trong trại giam, vị tiến sỹ cay đắng khi đã kéo cả cô con gái vào vòng lao lý.

Lòng tham

Đôi mắt tinh anh sau cặp kính trắng, phạm nhân Nguyễn Viết Tài (67 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) đau đớn khi nhắc lại tội lỗi của mình.

Điều khiến phạm nhân này day dứt hơn cả là ông đã kéo cả cô con gái với tương lai sáng dính vòng lao lý.

Vốn là tiến sỹ kinh tế, từng giảng dạy ở nhiều trường đại học có tiếng ở Hà Nội, con cái đều học hành thành đạt, những tưởng về nghỉ hưu, ông Tài sẽ có những tháng ngày thanh thản. Ai ngờ ông lại gây ra tội lỗi.

Phạm nhân Nguyễn Viết Tài.
 

Khoảng tháng 11/2008, nhận được điện thoại của người đàn ông tên Hùng nhờ xin cho 3 người cháu vào trường T36 Bộ Công an và Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, dù không có khả năng nhưng ông Tài vẫn nhận lời.

Ông Tài ra giá lần lượt mỗi suất vào học và làm việc là 60 triệu đồng và 135 triệu đồng. Anh Hùng đã gom được 180 triệu đồng của 3 gia đình, đưa cho ông Tài.

Ngày 5/2/2009, vụ việc lừa đảo của ông Nguyễn Viết Tài bị vạch trần. Một người cháu của anh Hùng mang giấy trúng tuyển vào lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội để nhận công tác mới phát hiện là giả.

Sau đó ông Tài và các đồng phạm, trong đó có cô con gái của ông công an bắt giữ để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan điều tra làm rõ, ông Tài không có chức năng tuyển dụng người vào công tác và học tập trong các đơn vị, nhà trường thuộc ngành công an. Tuy nhiên, người đàn ông này đã tung tin, hứa hẹn có khả năng lo lót, với giá mỗi trường hợp từ 45 đến 210 triệu đồng.

Các “tay chân” của ông Tài thu thập các giấy thông báo tuyển sinh, giấy nhập học, quyết định nhận công tác của trường trung học cảnh sát, an ninh, T36, V26... rồi soạn thảo giấy giả.

Hoàn tất công đoạn này, họ thuê Triệu Thị Kim Loan (44 tuổi, quê ở Lào Cai) và Phạm Thị Tâm (46 tuổi, trú ở Kim Giang, quận Thanh Xuân) in giả dấu đỏ vào giấy tờ đã soạn với giá 1,5 triệu đồng một loại dấu.

Khi có người muốn "chạy" vào các trường, cơ quan trên, ông Tài yêu cầu các bị hại phải chuyển tiền trước. Họ sẽ chỉ chuyển giấy thông báo có chữ ký, dấu đỏ khi nhận được hết tiền.

Tính đến thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, ông Tài và đồng phạm đã thực hiện trót lọt 17 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 1,96 tỷ đồng.

Ông Tài phải nhận mức án 13 năm tù giam, trong khi con gái ông phải nhận mức án 6 năm tù giam vì cùng tội "Lừa đảo".

Nỗi day dứt

Cũng vì lòng tham, vị tiến sỹ từng đứng trên bục giảng ngày nào giờ phải lầm lũi lao động trong trại giam Thanh Xuân, ôm theo nỗi day dứt khi đã kéo cả cô con gái mà ông hết lòng thương yêu vào vòng lao lý.

Ông Tài còn nhớ như in ngày ông được đoàn tụ gia đình khi còn bị giam cứu.

Hôm đó vợ và con trai ông đến thăm ông và cô con gái tại trại tạm giam. Buổi gặp mặt ngập tràn nước mắt của vợ và các con khiến ông thắt lòng.

Nhìn những giọt nước mắt chứa chan của con gái ông càng giận bản thân mình hơn. Là một người cha, nhẽ ra ông phải là người nâng đỡ khi con mình vấp ngã. Vậy mà chính ông đã đẩy con vào đường tối.

Đang từ một tiểu thư Hà thành, học giỏi, tương lai hứa hẹn, giờ phải cam chịu thân phận của một phạm nhân, con gái ông Tài bị sốc nặng. Được gặp cha mẹ, cô chỉ biết khóc, bất kể người cha cố sức nói lời động viên.

Sau 4 năm ăn tết trong trại giam, giờ cha con ông Tài đã dần lấy lại tinh thần. Hai bố con vẫn thư từ hỏi thăm sức khỏe và động viên nhau cùng gắng cải tạo tốt để sớm được tự do.

Nhìn thấy cô con gái giờ đã vững vàng hơn, ông Tài phần nào yên tâm. Nhưng điều khiến người cha tội lỗi lo lắng nhất là chuyện chồng con của con gái.

Ông sợ cái án tù sẽ cản trở đường hạnh phúc của con. “Nếu thế, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”, ông Tài buồn bã chia sẻ.

T.Nhung