- “Sống ở Việt Nam đã 3 năm, nhưng tôi vẫn không quen được với hình ảnh người dân ngồi ăn ở cạnh cống thoát nước”, anh Alain - người Tây Ban Nha, hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ cho hay.

Người Việt đang ăn uống kiểu “trêu ngươi” thần chết
Đúng ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, một lãnh đạo Bộ Y tế nguyên là GĐ một bệnh viện lớn đã nói: "Với cách ăn uống như hiện nay của người Việt thì tình trạng quá tải bệnh viện còn kéo dài!".


Liều mới dám ăn!

Khi nói về chủ đề ăn uống dễ gây bệnh ở Việt Nam hiện nay, anh Adam (người Pháp, hiện đang làm quản lý cho một nhà hàng Pháp tại khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngay lập tức liền ví von: Ăn thức ăn đường phố ở Hà Nội nhiều món lạ, ngon, quả thực là một sự “liều lĩnh”.

Adam kể về lần đi ăn phở cuốn ở gần hồ Trúc Bạch cách đây hơn một năm. Đây được cho là “đặc sản” của Hà Nội. Và sau lần ăn đó, Adam “tái mặt”.

Ăn uống mất vệ sinh là điểm khiến nhiều người nước ngoại e ngại khi đến Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)

“Ban đầu tôi rất háo hức vì người bạn Việt Nam của tôi nói rằng món này đã có từ lâu đời. Lại là “món tủ” của những người sống ở khu vực “sành sỏi” nhất Hà Nội.

Tôi “thèm” lắm, trước khi đi ăn còn lên mạng gõ từ “pho cuon” để xem nó thế nào. Nhưng khi nhìn thấy cách người ta chế biến nó, tôi không dám ăn tiếp”, Adam kể.

Bỏ qua chuyện khách “vừa ăn vừa chạy” nếu có công an đuổi (điều không có ở đất nước Adam) hay chuyện nhà hàng trông “lụp xụp”, không tương xứng với tính chất một nơi bán “đặc sản”, Adam cho biết khi nhân viên phục vụ mang phở cuốn ra, anh xuýt xoa và thử ngay, thấy hương vị cũng khá đặc biệt.

Hình ảnh rợn người từ quán tiết canh đến bệnh viện
Những hình ảnh rợn người từ quán tiết canh đến bệnh viện mà PV VietNamNet ghi được ắt hẳn sẽ khiến nhiều người từ bỏ thói quen ăn món này.


Với một người nước ngoài lần đầu được thưởng thức phở cuốn, Adam cho biết thực khách sẽ cảm thấy nó “không phụ” sự thèm thuồng của mình.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu kể từ khi anh nhìn thấy cách người ta chế biến phở cuốn.

“Rau xanh để trong rổ, rổ để ngay dưới đường đi vào nhà vệ sinh. Muốn vào nhà vệ sinh tôi phải đi qua khu bếp (nhà vệ sinh không có chỗ rửa tay).

Những người đầu bếp mình trần, mồ hôi như tắm liên tục xào nấu. Dưới chân họ là những chậu thịt bò đã thái nhỏ. Nơi họ đứng nấu ăn ướt sũng nước. Tôi đoán có cả trăm người đi qua lối đó, vì ai đi ăn cũng phải đi… vệ sinh”, Adam tếu táo nói.

Sau lần “khám phá” đó, Adam khuyên cô bạn người Việt nên học cách làm phở cuốn đãi bạn để thay cho việc phải đến nhà hàng!

Video: Bẩn không tả nổi, vẫn ăn đồ hè phố
Nhìn những hình ảnh trong clip dưới đây (quay trong ngày 21/1) tại Thủ đô, khó có thể nghĩ thức ăn đường phố lại bẩn như thế này.


Biết bẩn vẫn ăn

Câu chuyện “phở cuốn” không phải là chuyện duy nhất mà người nước ngoài trải nghiệm trong quá trình sinh hoạt, ăn uống tại đất nước hình chữ S.

Anh Alain, người Tây Ban Nha, hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam cho biết, khi mới sang Việt Nam, anh rất ngạc nhiên với việc hàng ăn ở Hà Nội được bày bán ở khắp mọi nơi, kể cả nơi gần cống thoát nước, và người bán hàng vừa bốc thức ăn vừa rửa bát trong một cái chậu nhỏ.

“Một cái chậu nước nhỏ rửa rất nhiều bát”, Alain nói. Điều khiến anh ngạc nhiên nữa là dù có bán ở nơi không mấy sạch sẽ nhưng người ăn vẫn rất là đông.

Người nước ngoài thấy ngạc nhiên vì người Việt Nam “vô tư” sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh (Ảnh: N.A)

“Họ xì xụp thưởng thức chúng, có vẻ như rất hài lòng”, anh thuật lại.

“Có nhiều món trông hấp dẫn lắm, nhưng tôi chưa dám thử”, Alain cười. Anh cũng bày tỏ thắc mắc về việc quản lý an toàn thực phẩm của những gánh hàng rong đó sẽ được thực thi thế nào, khi mà người bán hàng mỗi hôm bán ở một nơi.

Còn với những cửa hàng cố định phần nhiều dán tờ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng theo quan sát của Alain thì không có sự khác biệt lớn giữa những cửa hàng có chứng nhận với cửa hàng không có chứng nhận và các quầy hàng rong. Do đó, chưa chắc cửa hàng có chứng nhận đã thực sự hút khách.

Tuy đã sinh sống ở Hà Nội 3 năm và đã quen nhiều với nếp sinh hoạt, ăn uống của người dân nơi đây, song Alain vẫn nhún vai cho biết anh chưa thể quen được với hình ảnh ngồi ăn ở cạnh cống thoát nước.

Ăn quá nhiều thịt, lười vận động

Ngoài chuyện ăn uống kém vệ sinh, Alain nhận thấy người Hà Nội ăn quá nhiều thịt và rất lười vận động.

“Bữa nào cũng có thịt”, Alain nói. Theo quan sát của anh, ở các quán ăn, thịt cũng là thực phẩm chủ yếu được bày bán, trong đó thịt đỏ chiếm phần lớn. Điều này khác hẳn với thói quen của người dân nước anh, khi mà họ ăn uống với khẩu phần đa dạng, hợp lý, trong đó rau xanh, các loại ngũ cốc, bột mì, hoa quả chín là những thứ không thể thiếu.

Quan sát này của Alain cũng trùng khớp với những nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng của các chuyên gia tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy trên toàn quốc, trung bình một người dân ăn 84g thịt/ngày. Người Hà Nội ăn thịt nhiều gần gấp đôi, với khoảng 150 g trung bình/ngày/người.


Ngọc Anh

Phải ăn uống như thế nào để tránh được thực trạng “họa vào từ miệng”? VietNamNet mời quý độc giả cùng chia sẻ những câu chuyện ăn uống hiện nay, cách phòng tránh, kinh nghiệm của bản thân,… nhằm chia sẻ thông tin và cảnh báo tới cộng đồng.

Mọi thông tin, hình ảnh, bài viết đóng góp xin gửi về địa chỉ banxahoi@vietnamnet.vn.