8.500 vụ chống người thi hành công vụ trong 10 năm qua là con số báo động. Có thể từ đó dẫn đến dự thảo nghị định, quy định người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm.
>> Lo ngại đề xuất 'nổ súng bắn kẻ chống người thi hành công vụ'
>> Đề xuất cho phép bắn đối tượng chống người thi hành công vụ
Việc đó để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra.
Nhưng đã có sự phân tích tính chất nghiêm trọng trong 8.500 vụ được liệt kê đó chưa? Chống người thi hành công vụ cũng có năm bảy đường. Trường hợp cô gái xông vào tát anh cảnh sát giao thông, hoặc nặng hơn là vụ một cảnh sát hình sự lao vào đánh cảnh sát giao thông xảy ra ở TPHCM đều là hành vi chống người thi hành công vụ. Với các trường hợp này, có đáng để nổ súng không?
Công an TP. Biên Hòa buộc phải nổ súng khống chế hàng chục đối tượng đánh bạc do một số đối tượng chống đối và chạy trốn khỏi hiện trường (Ảnh: Dân trí) |
Bảo vệ người thi hành công vụ là cần thiết, nhưng bảo vệ mạng sống của công dân cũng không thể loại trừ. Đối với quy định nổ súng này, rủi ro về phía công dân khi đối mặt với họng súng rất cần được tính đến.
Vì sao rủi ro? Ranh giới giữa các hành vi chống đối được cho là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chính là rủi ro. Viên đạn đi ra từ nòng súng của người thi hành công vụ phải có chính nghĩa, đồng thời cần có sự chính đáng và chính xác về pháp lý.
Trong một tình huống tức thời, đánh giá về một hành vi chống đối thuộc vào loại nguy hiểm hay không rất dễ bị cảm xúc can thiệp.
Cảm xúc thường dẫn đến sai lệch về đánh giá. Viên đạn chui ra từ nòng súng do đó có thể bị cảm xúc chi phối. Và tất nhiên, rủi ro sẽ đến với người bị viên đạn găm vào.
Bộ Công an có con số thống kê về các trường hợp chống người thi hành công vụ trong 10 năm qua thì cũng nên có con số thống kê về các trường hợp người thi hành công vụ lạm dụng quyền hạn xâm phạm đến thân thể công dân. Phân tích ở khía cạnh ngược - từ phía người cầm súng - cũng là một cách để có đánh giá khách quan hơn trước khi đưa ra quy định cho nổ súng.
Tội phạm ngày càng lộng hành, nguy hiểm, cho nên phải có biện pháp trấn áp quyết liệt đi liền với phòng vệ để đảm bảo an toàn cho người thi hành công vụ. Có nhiều loại vũ khí làm công cụ hỗ trợ cho người thi hành công vụ khống chế, bắt giữ tội phạm hay người có hành vi chống đối thay cho siết cò súng.
Hãy tính tới các công cụ đó trước. Chưa kể, sự tinh nhuệ nghiệp vụ và kỹ năng tác chiến được luyện tập của người thi hành công vụ cũng là một loại công cụ. Nhân dân sẵn sàng trả lương cho lực lượng công an học và rèn luyện cho tinh thông võ nghệ. Một tên côn đồ hung hăng xông đến tấn công cảnh sát mà phải dùng đến súng ngay thì quả là không ổn.
Nổ súng là cần thiết, nhưng đó là giới hạn cuối cùng. Còn việc quy định như thế nào là giới hạn cuối cùng thuộc về phần việc của các nhà làm luật. Luật quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến lạm quyền và lạm dụng. Lạm dụng một viên đạn, hậu quả có thể là một mạng người.
(Theo Lê Thanh Phong/Lao động)