“Các điều khoản soạn thảo phải quy định rõ trong trường hợp nào mới được nổ súng, bắn như thế nào, bắn đạn gì, bắn vào đâu… và phải quy định cụ thể từng trường hợp, tránh lạm dụng quyền nổ súng làm thiệt hại tính mạng người khác”.

Đó là quan điểm của Luật sư Triệu Dũng – Trưởng Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và cộng sự xung quanh quy định về cho phép nổ súng vào đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ tại dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an vừa đưa ra.

Cho nổ súng thì dễ, chống lạm quyền thì khó

Theo Luật sư Dũng, đề xuất của Bộ Công an có ý nghĩa trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm, việc trao quyền cho chiến sĩ công an nhân dân nói chung là cần thiết, để bảo vệ pháp luật, thi hành công vụ nhà nước, mang tính trấn áp tội phạm rõ rệt nhưng “cho nổ súng thì dễ, chống lạm quyền nổ súng không đúng quy định thì khó”.

Theo đó, việc ra Nghị định hay Thông tư về việc này phải căn cứ theo quy định pháp luật.

Cụ thể khoản 1 điều 22 Pháp lệnh số: 16/2011/UBTVQH12 quy định: “việc nổ súng của Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an” thì Bộ trưởng Bộ Công an chỉ cần ra Quyết định hướng dẫn chi tiết khoản 2 điều này về 7 trường hợp Công an được nổ súng theo Pháp lệnh trên là đủ, trong đó có ghi mục đích để ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ gây nguy hiểm tính mạng cho sĩ quan, chiến sĩ Công an… sẽ tránh được dư luận trái chiều.


Theo thống kê của Bộ Công an, thời gian qua, số vụ chống người thi hành công vụ gia tăng.

Còn việc ra Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà không liên quan đến việc nổ súng và không huy động lực lượng quân đội thì không vi phạm luật hiện hành.

Phân tích về dự thảo của Bộ Công an lần này, Luật sư Dũng đưa ra 3 quan điểm.

Thứ nhất, nếu dự thảo thì Bộ công an phải xây dựng các điều khoản và ban hành văn bản này không được trái với “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, không trái Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 nêu trên, không chồng chéo với “Nghị định số 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.

Thứ hai, các điều khoản phải quy định rõ: thế nào là hành vi nguy hiểm, rất nguy hiểm…. chứ không thể quy định chung chung như có dấu hiệu tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… nhưng không có gì cụ thể, rõ ràng và dễ có hành vi lạm dụng quyền nổ súng làm thiệt hại tính mạng người khác.

Thứ ba, các điều khoản soạn thảo phải quy định rõ trong trường hợp nào mới được nổ súng, phải bắn chỉ thiên thế nào, bao nhiêu phát súng mới được bắn thẳng; Sử dụng đạn gì, đạn cao su hay đạn đầu bằng… nếu bắn thì phải bắn vào đâu? Chứ không phải cứ nhằm vào đầu, vào tim người ta mà bắn… Nếu không quy định rõ ràng, sẽ dẫn đến hậu quả không thể lường được.

Từ lý do đó, Luật sư Dũng cho rằng, trong giai đoạn này không nên quá đặt nặng vấn đề quyền nổ súng bởi việc này sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng như vụ án Tùng Dương trên cầu Chương Dương năm xưa, dễ gây mất uy tín của ngành Công an.

Mặt khác, lực lượng Công an còn rất nhiều biện pháp ngăn chặn và công cụ hỗ trợ khác như bình xịt hơi cay, dùi cui cao su, dùi cui điện…

Cục Kiểm lâm ủng hộ đề xuất cho phép nổ súng

Ngày 12/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời ông Trương Tất Bạt, Trưởng phòng Tuyên truyền Phát triển lực lượng, Cục Kiểm lâm về quan điểm của Cục này về đề xuất cho phép người thi hành công vụ được “nổ súng” bắn đối tượng chống người thi hành công vụ.


Một cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc hành hung. Ảnh: Báo Quảng Bình.

Theo ông Bạt, thực tiễn công tác bảo vệ rừng cho thấy tình trạng lâm tặc chống đối cán bộ kiểm lâm đang diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Nhiều trường hợp lâm tặc tấn công một cách quyết liệt, bất chấp mạng sống của kiểm lâm.

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay đã có 8 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Nguyên nhân của tình trạng lâm tặc manh động và “nhờn luật” có thể do nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý nghiêm khắc; hoặc do tài sản vi phạm giá trị lớn, ví dụ, chỉ một khúc gỗ sưa giá trị đã lên tới bạc tỷ, nên đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ để bảo vệ tài sản phạm pháp và bảo vệ đồng bọn

Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do cơ sở pháp lý về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chưa đầy đủ, tạo điều kiện cho cán bộ chấp pháp thực thi nhiệm vụ.

Trong quy định hiện hành, ranh giới giữa trường hợp được phép, không được phép nổ súng chưa được rõ ràng. Dẫn tới, anh em được “giao súng nhưng không dám bắn”.

Vì vậy, việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ là hết sức cần thiết.

Quy định này không chỉ giúp lực lượng chức năng phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ để ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra đối với xã hội mà còn giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của cán bộ tốt hơn. Đồng thời, quy định này còn tạo điều kiện để anh em tự tin thực thi nhiệm vụ.

Còn lo lắng về khả năng “lạm quyền” của dư luận nêu, theo ông Bạt không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã có quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng này.

Các cơ quan thực thi đã và sẽ quán triệt, tập huấn kỹ lưỡng cho anh em các kỹ năng nhận định và xử lý tình huống theo đúng quy định của pháp luật.

“Nếu người nào vi phạm, người nào lạm quyền, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Bạt nhấn mạnh.

(Theo VTCNews)