- Phóng viên VietNamNet đã có mặt cả đêm 3 và rạng sáng 4/3 để ghi nhận những hình ảnh về việc đưa “nhà chữa bệnh” cho rùa Hồ Gươm ra chân Tháp Rùa.  

XEM CLIP TẠI ĐÂY

 

Bể chữa thương cụ rùa (hay còn gọi là bể thông minh) đã được Sở KH - CN và đơn vị thi công đưa ra chân Tháp Rùa vào lúc 2h sáng ngày 4/3.

Bể quây dưỡng thương cho cụ rùa

Bể chữa thương có đường kính 5m, chiều cao 1,2 m, nặng 2,5 tấn được vận chuyển bằng xe trọng tải lớn đến Hồ Gươm lúc 1h30 sáng ngày 4/3.

Kiểm tra việc lọc nước tại chân tháp Rùa

Theo thông tin, đây chính là nơi sẽ tiến hành “xử lý sơ bộ” cụ rùa khi lai dẫn cụ vào chân Tháp Rùa. Hai téc chứa nước sạch phục vụ quá trình chữa trị cũng đã được đưa ra chân tháp đêm 3/3.

 

Bể chữa thương này sẽ được đặt trên chân Tháp Rùa – nơi Hội đồng chữa trị sẽ tiến hành điều trị vết thương cho cụ rùa. Sau khi đã chữa trị bằng các biện pháp chuyên môn, cụ rùa sẽ được đưa xuống nghỉ dưỡng tại “nhà mới” là khu vực quây lưới sắt, bọc bạt xanh cũng ở liền kề chân tháp, hướng về phía đường Hàng Khay.

2h sáng, bể chữa thương cho cụ rùa mới đến được hồ

1h45 phút, chiếc bể chữa thương này đã được “hạ thủy” xuống mặt hồ. Hàng chục công nhân của đơn vị thi công tiến hành nhiệm vụ này.

Hạ thủy bể thông minh

Bể được đưa xuống mặt Hồ Gươm và được kéo ra chân Tháp Rùa bằng dây kéo.

 

Theo kế hoạch cứu chữa cụ rùa, tất cả các hạng mục phải được hoàn thành xong xuôi, sau thời gian kiểm tra, vận hành thử… mới tiến hành lai dẫn cụ rùa.

Bể đưa xuống mặt Hồ Gươm và được kéo ra chân Tháp Rùa bằng dây kéo.

Nguồn tin của VietNamNet cho hay: khi đã lai dẫn cụ rùa lên chân tháp, việc chữa trị vết thương của rùa sẽ được tiến hành ngay chứ không có sự chờ đợi về thời gian. Chính vì thế, tất cả các khâu chuẩn bị phải được tiến hành và hoàn tất.

 

Nhiệm vụ cứu chữa rùa Hồ Gươm là một nhiệm vụ quan trọng của UBND TP Hà Nội, nhất là khi cụ là sự quan tâm của hàng triệu người dân Việt Nam.

 

Việc phân chia công việc, nhiệm vụ được giao cho nhiều Sở, ngành chuyên môn theo chức năng và lĩnh vực. Do đó, việc ráp nối giữa các “đầu việc” đòi hỏi sự phối hợp và ăn khớp của nhiều cơ quan, ban ngành.

 

Điều đó càng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn trọng.

 



Việc đưa đường điện ra chân Tháp Rùa để phục vụ quá trình cứu chữa cụ rùa đã được Ban chỉ đạo khẩn cấp khớp với Công ty Chiếu sáng Hà Nội.

 

Như thế, những cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quá trình trị thương cụ rùa tại chân Tháp Rùa đã được hoàn tất.

Về nhiệm vụ nạo vét, cải tạo Hồ Gươm cũng được tiến hành song song suốt thời gian qua. Đơn vị đảm nhiệm đang thực hiện giai đoạn 3 của tiến độ. Đêm 3/3, việc nạo vét bùn, rác thải tại Hồ Gươm đã tiến hành sang phía chân cầu Thê Húc (hướng tượng đài cảm tử).

 

Tất cả mọi việc đều tiến hành về đêm để đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh hồ.

XEM CLIP TẠI ĐÂY

 

Kiên Trung – Thu Lý