- Là một giám đốc với địa vị cao sang, sau khi phạm tội, phải trả giá bằng những tháng ngày “bóc lịch” trong trại giam, vị đại gia một thời bị sốc nặng.

Cú sốc

Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông điềm đạm trong bộ quần áo phạm nhân, mái tóc bạc trắng được húi cua, ông buồn bã kể lại những tội lỗi khiến phải lâm đường tù tội.

Sinh ra trong một gia đình cơ bản, được học cao, phạm nhân Cung Triều Tứ (SN 1958, ở Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) quen với cuộc sống xa hoa của một giám đốc "thét ra lửa".

Đùng một cái, ông Tứ bị bắt giam, khiến mọi người bất ngờ.

Phạm nhân Cung Triều Tứ.

Tụt xuống đáy xã hội, phạm nhân này đã phải mất nhiều thời gian để cân bằng trở lại.

Và điều khiến ông đau đớn hơn cả, không chỉ mình ông bị "sốc" mà cả gia đình đều phải mất thời gian để "làm quen" với vấp ngã cuối đời của người đàn ông từng được cả gia đình ngưỡng mộ.

Trở lại thời gian cách đây 2 năm, khi ông Tứ còn là giám đốc Trung tâm Dịch vụ thông tin và môi giới nhà đất thuộc một Công ty về nhà đất ở HN, khi đó cuộc sống của ông là điều đáng mơ ước của nhiều người.

Ngày đó, dù Trung tâm dịch vụ môi giới nhà đất do Cung Triều Tứ làm Giám đốc không có được uỷ quyền môi giới với các công ty, nhưng ông Tứ đã lập hợp đồng môi giới khống để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Ngoài ra, ông Tứ còn ký hợp đồng làm dịch vụ hồ sơ địa chính nhà đất (xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở) với một ngân hàng có chi nhánh ở Hà Nội nhưng không thực hiện và chiếm đoạt 140 triệu đồng.

Tổng số tiền mà ông Tứ thu của các khách hàng từ những dịch vụ trên là 860 triệu đồng. Những hợp đồng này ông không báo cáo với giám đốc công ty trước khi ký, không nộp tiền về công ty theo quy định.

Dù đã khắc phục hậu quả cho các bị hại (440 triệu đồng), ông Tứ vẫn phải nhận mức án 13 năm tù giam.

Giầu sang, vợ đẹp con ngoan, không ai ngờ có ngày ông trở thành kẻ tội phạm, hàng ngày phải làm công việc quét dọn trong trại giam.

Những ngày đầu ở trại tạm giam có lẽ là khoảng thời gian khủng khiếp nhất mà ông Tứ phải trải qua, bởi đang quen với cuộc sống nhung lụa, cao sang, bỗng rơi tuột xuống hố đen thất vọng.

Nỗi sợ

Điều khiến phạm nhân này đau đớn hơn cả là đứa con 10 tuổi của mình sau khi nghe tin cha bị bắt đã có ý định tự tử.

Giận cha, xấu hổ, con ông Tứ nói rằng: “Cha không phải là đàn ông…”. Kể từ đó, vì giận cha, vì thất vọng trước hình tượng đẹp đẽ bấy lâu về cha mình bị sụp đổ mà con ông Tứ đã không một lần vào trại giam thăm cha.

Nghĩ ngợi nhiều, mái đầu ông Tứ bạc trắng. Phạm nhân này nhắn nhủ với các con rằng: “Bố không mong như thế, ai làm người đó chịu… Xã hội sẽ không bỏ rơi các con đâu…”.

Làm gia đình và con cái phải xấu hổ với mọi người, phạm nhân Tứ càng thêm chán nản.

Phạm nhân này buồn bã chia sẻ: “Mình đã đi đến cùng rồi, làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái, chỉ mong sớm được hoàn lương, dẹp bỏ quá khứ, làm những điều tốt đẹp cho xã hội”.

Càng bị gia đình giận và xấu hổ về mình bao nhiêu, phạm nhân Tứ càng mặc cảm về thân phận của mình bấy nhiêu.

Điều làm phạm nhân này sợ hãi không phải là những ngày đang phải ngồi "bóc lịch" trước mắt, mà lại chính là ngày được tự do. Sẽ không được tôn trọng, sẽ bị mọi người coi khinh bởi ông chỉ là "một thằng tù trở về xã hội".

Đó là tâm sự rất cay đắng của phạm nhân Tứ.

Ngày trước tôi nói ai cũng nghe, còn bây giờ thì…”, nam phạm nhân bỏ lửng câu nói rồi thở dài, đứng lên xin phép được quay về làm nhiệm vụ của một người trực sinh (công việc dọn dẹp) trong trại giam Thanh Xuân.

T.Nhung