- Bằng sức mạnh tình yêu, chị đã cảm hóa người chồng khỏi vòng vây ma túy. Vậy mà, trong phút tuyệt vọng mù quáng, chính chị lại ra tay giết chết con thơ. Có mặt ở phiên tòa hôm ấy, nhiều người đã rơi nước mắt.

Tuyệt vọng giết con

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Linh (39 tuổi, TP.HCM) phạm tội “giết người” diễn ra ở một phòng xử nhỏ. Câu chuyện về con đường dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo vừa đáng thương, vừa đáng giận. Cả phòng xử nhiều lúc lặng đi bởi sự cảm thông, chua xót.

Linh là người đàn bà có nhan sắc. Năm 2001, bất chấp mọi rào cản của gia đình Linh cùng anh Nguyễn Trọng Trí đăng ký kết hôn, làm đám cưới. Anh T. vốn nghiện ma túy nhưng Linh tin rằng tình yêu của mình sẽ cảm hóa anh vượt qua được cám dỗ. Thế rồi, anh Trí tái nghiện sau khi đứa con lớn chào đời. Với sự động viên của vợ, người chồng quyết tâm cai nghiện lần nữa. 


Bị cáo Nguyễn Thị Mỹ Linh tại tòa

Ma túy vốn là thứ ma lực nếu đã dính phải con người thường bị nó làm cho quay quắt. Biết đó là “con đường chết” phải từ bỏ nên Trí lao mình vào công việc nhưng rồi anh lại bắt đầu chuyển qua nhậu nhẹt, rượu chè và những mối quan hệ ngoài luồng khác. Cũng từ đó, cuộc sống vợ chồng Linh phát sinh mâu thuẫn.

Mỗi khi say, về đến nhà là anh mắng chửi vợ con rồi đuổi đi. Tủi thân, cay đắng, trong Linh bắt đầu nhen nhóm ý định quyên sinh. Ngày 3/6/2012, cô viết một lá thư tuyệt mệnh gửi lại gia đình rồi đi mua 2 lọ thuốc cảm về để tự tử. Nhìn đứa con trai 10 tuổi và đứa con gái mới 3 tuổi, lòng người đàn bà đau thắt, cô lại tự nhủ mình không được chết.

Thế nhưng, người chồng say đâu biết những suy nghĩ ngấm ngầm trong đầu vợ.

Ngày 5/6/2012, anh Trí lại say và mọi chuyện lặp lại. Lần này, Linh tự tử thật. Cô lấy 2 viên thuốc cảm từ trong lọ thuốc ra nghiền nhỏ cho con uống với ý nghĩ thuốc cảm gây buồn ngủ sẽ giúp con gái nhỏ ngủ say giúp Linh lặng lẽ ra đi. Con uống xong, Linh uống hết gần 300 viên thuốc còn lại cùng hai vỉ thuốc thảo dược an thần.

Thuốc chưa ngấm, trong đầu người đàn bà chưa dứt hẳn những ý nghĩ miên man. Linh nghĩ, nếu mình chết, con gái còn quá nhỏ lại hay bệnh tật sẽ không có ai chăm sóc. Linh khóc, vừa khóc vừa ngồi dậy đưa hai bàn tay vào cổ đứa con thơ tội nghiệp. Kết quả, đứa trẻ lịm đi trong bàn tay của mẹ. Linh cũng mê man vì thuốc, khi tỉnh lại ở trong bệnh viện.

Day dứt khôn cùng

“Con tôi đâu?” – người nhà Linh cho biết đó là câu nói đầu tiên bị cáo thốt lên khi vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Mọi người im bặt. Một tuần sau, gia đình mới dám cho Linh biết sự thật về đứa trẻ. Ngày 28/8/2012, Linh bị bắt về tội “giết người”.

Trước vành móng ngựa, bị cáo khóc ròng trong day dứt. “Bị cáo sợ bị cáo chết con sẽ rất bơ vơ. Thật sự bị cáo rất nhớ con. Nhiều đêm, bị cáo luôn mơ thấy con. Trước đây, bị cáo luôn nghĩ đến cái chết, không thiết sống nữa nhưng nghĩ đến đứa con lớn khóc, bảo bị cáo đừng chết bỏ lại nó, bị cáo nghĩ mình sẽ phải vượt qua…”

“Bị cáo phải tỉnh táo, nhìn vào sự thật thì mới cải sửa được. Vợ chồng có va chạm thì phải biết cách giải quyết. Hàng xóm từng nói vợ chồng bị cáo sống rất êm ấm, hòa thuận. Gia đình cấm đoán còn vượt qua được để đến với nhau cơ mà. Có chuyện gì, bị cáo không giải quyết được thì còn có gia đình, cha mẹ hai bên. Sao có thể nhẫn tâm tước đoạt sinh mạng một đứa trẻ. Việc làm của bị cáo đương nhiên sẽ bị day dứt suốt đời”, vị chủ tọa bức xúc.

Ngồi theo dõi phiên tòa, chồng Linh cúi đầu đau đớn. Không chỉ Linh phải dằn vặt về hành động của mình mà dường như với anh, nỗi dằn vặt ấy cũng chưa từng nguôi ngoai.

Được mời lên thẩm vấn, anh thừa nhận lỗi lầm. Anh thú nhận mình từng nghiện ma túy, từng cai nghiện bằng cách bù đầu trong những cơn say, mỗi khi anh say về nhìn thấy con chúng đều rất sợ phải tìm chỗ trốn, nguyên nhân xảy ra vụ án là lỗi của mình.

Thế nhưng, người đàn ông ấy cũng cho biết dù có những sai lầm, thực sự trong thâm tâm anh rất yêu thương con, yêu thương người đàn bà đã dũng cảm đến với anh dù gia đình cấm cản. Nói rồi, người đàn ông chỉ biết xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho vợ.

Sau khi xem xét, Tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Mỹ Linh mức án 8 năm tù về tội “giết người”. Bản án 8 năm tù rồi cũng sẽ qua nhưng có lẽ, với những người trong cuộc, bản án lương tâm mới là bản án đáng sợ nhất và nó sẽ còn day dứt mãi.

M.Phượng