- “Mua nước đóng bình cũng chỉ để giải quyết nước đánh răng, rửa mặt thôi. Mất nước nên việc đi vệ sinh cả nhà cũng phải dội nước tiết kiệm, nếu “đi nhẹ” thì 2, 3 người đi chung rồi dội một lần...".

Lại điệp khúc “mất nước”

Sự cố vỡ đường ống nước sạch đã khiến khoảng 70.000 hộ dân ở 4 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành lâm vào tình trạng thiếu nước.

Chị Hoàn (24 tuổi, ở trọ Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: “Ngày thứ nhất mất nước nhà trọ vẫn còn nước dự trữ trong bể nên bọn mình chỉ dùng nước để đánh răng, rửa mặt còn việc tắm, giặt quần áo thì đành “nhịn”. Đến ngày thứ 2 thì nước dự trữ cũng hết sạch phải dùng nước ở giếng khoan. Dù có mùi hôi, tanh nhưng cũng phải dùng chứ biết làm thế nào?”.

Số nước gia đình ông Ninh Đức Thu (Phương Liệt, Hoàng Mai) đi xin của nhà hàng xóm để dùng tạm trong những ngày mất nước


Trên các diễn đàn, điệp khúc “lại mất nước” cũng được các thành viên đưa ra mổ xẻ, than vãn.

Một bạn cho biết: “Tối qua nhà mình dùng nước xả láng, sáng nay tổng vệ sinh toàn bộ quần áo rét. Nhưng đến trưa hí hửng đi nấu cơm thì thấy không còn giọt nào, mình tá hoả hỏi hàng xóm thì được biết mất nước. Mình lên mạng xem thì ôi thôi, lại điệp khúc vỡ đường ống. Nhà nội, nhà ngoại mình ở gần cũng bị mất nước, cả nhà lại kéo nhau đi ăn hàng và vào nhà nghỉ tắm thôi”.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Ninh Đức Thu (SN 1952) - Tổ trưởng tổ dân phố 9, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, cũng cho biết: “Tổ chúng tôi có 105 hộ đều bị mất nước. Các gia đình không có bể dữ trự đều phải xách xô, chậu đi xin nước ở các nhà có bể chứa và ít người. Mất nước làm sinh hoạt của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Chiều qua, cả gia đình phải rồng rắn kéo nhau ra quán ăn cơm vì không có nước để nấu ăn”.

Ông Thu còn cho biết thêm, đây là lần thứ 2 bị cắt nước mà không nhận được bất cứ một thông báo nào. Sau khi bị mất nước, con ông vào mạng đọc tin mới biết do vỡ đường ống.

"Nếu nhận được tin báo thì người dân chúng tôi đã có thể chủ động đối phó và có các biện pháp khắc phục hơn” - ông Thu nói.

Cả nhà rủ nhau đi vệ sinh nhờ

Đây là lần thứ 2 đường ống dẫn nước Sông Đà bị vỡ sau 6 năm đưa vào hoạt động. Trước đó, vào tháng 2/2012, đường ống này cũng đã bị vỡ, làm ảnh hưởng tới hơn 40.000 hộ dân ở Hà Nội.

Sự cố vỡ đường ống nước sạch đã khiến khoảng 70.000 hộ dân ở 4 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành lâm vào tình trạng thiếu nước.

Trên một diễn đàn, độc giả Gunny cũng chia sẻ: “Giờ thì kinh nghiệm hơn xưa, mình mua xô tích nước đề phòng, đi siêu thị khuân cả tá khăn ướt về dùng dần trong những ngày như này”.

Nhiều người dân ở quận Thanh Xuân cũng chia sẻ, họ đã phải mua nước đóng bình với giá 15 ngàn (thùng 20L) để dùng.

“Mua nước đóng bình cũng chỉ để giải quyết nước đánh răng, rửa mặt thôi. Mất nước nên việc đi vệ sinh cả nhà cũng phải dội nước tiết kiệm, nếu “đi nhẹ” thì 2, 3 người đi chung rồi dội một lần. Thậm chí, “đi nặng” còn phải đi nhờ những nhà còn nước”.

Anh Quang Anh (quận Thanh Xuân) than thở: “Nhà tôi 2 ngày nay phải đi xin nước hoặc chở nước từ Hà Đông về sử dụng. Vợ tôi sáng còn mang bình nước lên công ty để lấy nước về nhà. Nhưng thử hỏi những nhà có ông bà già thì đi xin nước, xách nước làm sao được”.

Anh Quang Anh cũng cho biết thêm, khoảng 9h sáng 25/3 đã có nước trở lại nhưng nước chảy rất chậm. Ngoài ra, ban đầu nước cũng còn đục ngầu, bẩn và chưa thể sử dụng ngay được.

Chúng tôi xin lỗi!

Sáng 25/3, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết: “Sau khi phát hiện ra sự cố, đơn vị thi công phải đào hàng trăm m3 đất, tháo đoạn ống cũ bị vỡ và thay thế 12 mét ống mới đường kính 1,6 mét. Đêm 24/3, sau khi đường ống vỡ được khắc phục hoàn tất, nước trong đường ống được xúc xả, nước nguồn đã được đấu nối từ nhà máy tại Hòa Bình về Hà Nội vào sáng 25/3”.

Đây là lần thứ 2 đường ống dẫn nước Sông Đà bị vỡ sau 6 năm đưa vào hoạt động

Theo ông Việt, điểm vỡ ống nước là một trong nhiều khu vực địa chất không ổn định. Tuyến đường ống nằm ở dải phân cách, sát làn đường chính của đại lộ nên luôn phải chịu tác động khi nền đất của đường bị lún.

"Thay mặt công ty, chúng tôi xin lỗi khách hàng về sự cố bất khả kháng. Chúng tôi đã cố gắng sửa chữa ngay đường ống để đưa nước sạch phục vụ người dân trong 2 ngày", ông Việt cho biết thêm.

Trưa 23/3, đường ống nước sạch sông Đà từ Hòa Bình về Hà Nội đã bị vỡ tại gần nút giao Hòa Lạc trên đại lộ Thăng Long, ảnh hưởng tới 70.000 hộ dân phía tây nam Thủ đô và một số phường thuộc quận Đống Đa.

Đoạn ống vỡ dài chừng 2 mét, đường kính ống nước 1,6 mét, nằm sâu dưới lòng đất. Do đường ống nằm ở dải phân cách rộng, xung quanh là đất nên khi xảy ra sự cố đã không ảnh hưởng tới mặt đại lộ Thăng Long.

Phạm Hải - P.Lam