Tôi và chị, cả hai đều có những lý do riêng để không dành cho nhau được nhiều thời gian như mong đợi. Tôi xa xôi cách trở, chị thì bận rộn liên miên, lại buồn bã giữa bộn bề sự cố.

Các tin liên quan

Bắt kẻ mang ô tô đón Dương Chí Dũng bỏ trốn

Dũng "Bắc Kạn", nghi phạm cầm đầu đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn

Vụ ông Dương Chí Dũng: Lụy một chữ tình

Còn ai liên quan việc Dương Chí Dũng bỏ trốn?

Bi kịch gia đình mang tên Dương Chí Dũng

Những người vướng lao lý vì Dương Chí Dũng

 

{keywords}
Bài thơ cảm động của bà Băng Tâm kêu gọi anh trai ra đầu thú.

Thế nhưng sau cùng, chúng tôi cũng có một khoảng thời gian để cùng nhau lắng lòng lại. Khoảng thời gian ấy tuy không quá dài nhưng đã đủ để tôi hiểu thêm về chị, người em gái đã gây xôn xao dư luận khi làm thơ kêu gọi anh là Dương Chí Dũng đầu thú.

Nỗi đau “danh gia vọng tộc”

Sau nhiều lần hẹn gặp, tôi cuối cùng cũng có dịp được trực diện với chị Dương Thị Băng Tâm, người em gái nổi tiếng của Dương Chí Dũng – Nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, bị can trong vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại tập đoàn Vinalines.

Chị Tâm năm nay 47 tuổi, trú tại phường Đổng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng, là con thứ ba trong gia đình họ Dương nổi tiếng đất Cảng.

Chị Tâm người tầm thước, nhẹ nhàng, kín đáo, tinh tế trong từng cử chỉ lẫn lời ăn tiếng nói. Suốt buổi trò chuyện, chị gần như luôn ở thế chủ động, khá bình tĩnh, duy chỉ có đôi mắt ướt là không giấu nỗi buồn thăm thẳm.

Chị nói: xót xa, đó là nỗi buồn cho cả một gia đình nay đang trong cơn bĩ cực. Nếu chỉ mới hơn một năm về trước, nhà họ Dương vẫn còn được coi một “danh gia vọng tộc” nhất nhì đất Cảng thì nay mọi thứ đã sụp đổ một cách chóng vánh.

Bởi ai cũng biết, nhà họ Dương ngoài Dương Chí Dũng vừa được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam còn có người em là Đại tá Dương Tự Trọng đang giữ chức Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng. Ngoài ra còn phải kể đến người em rể là Nguyễn Bình Kiên (chồng của chị Băng Tâm) - Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng.

Sau khi Dương Chí Dũng bỏ trốn bị bắt về nước thì đến lượt người em Dương Tự Trọng cũng bị bắt vì tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trước đó, ông Nguyễn Bình Kiên cũng bị khai trừ khỏi Đảng vì những hành vi vi phạm trong thời gian còn giữ chức Phó cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Bộ Công an).

Gia đình họ Dương vốn gốc Thanh Miện, Hải Dương, xuất xứ nhà nho, hiếu học và giàu truyền thống yêu nước. Ông nội của chị Tâm được những ai biết đến nhớ lại là một người uyên bác, giỏi lý luận và rất có tinh thần "giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha".

Bố chị Tâm, Đại tá Dương Khắc Thụ không chỉ để người đời nhớ đến bởi những chiến công hiển hách cho nền anh ninh Hải Phòng, mà còn bởi bài thơ “Bác đã đi rồi” gây xúc động mạnh trong dư luận những năm 70 của thế kỷ trước.

Nói như nhà thơ Nguyễn Viết Lãm (Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng): “Bài thơ ấy chân thật đến hồn hậu, thấm đượm một tình yêu sâu sắc đối với lãnh tụ, mang một nỗi đau rất thật, một nỗi đau thắt ruột...”. Chính bài thơ đã khiến không ít những nhà thơ chính quy xôn xao, muốn tận mặt tác giả.

Năm người con trong gia đình (nay chỉ còn 4), có người được sinh ra ở quê cha đất tổ, có người được sinh ra tại Hải Phòng nhưng đều có một điểm chung là đều lập nghiệp và có nhiều công trạng với thành phố Cảng. Ngoại trừ Dương Chí Dũng không nối nghiệp bố, lần lượt những người con khác trong gia đình chị đều giữ những chức vụ trong công an TP. Hải Phòng.

{keywords}
Dương Chí Dũng.


Tôi đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho buổi gặp gỡ. Nói đúng hơn, tôi thực sự đã rất mong chờ giây phút được giáp mặt người phụ nữ của những câu thơ đầy xúc động  trong bài “Anh hãy về đi” mà chị công bố trên các thông tin đại chúng gửi anh trai Dương Chí Dũng trong quá trình ông này vẫn còn bỏ trốn.

Được biết, chị Tâm đã dành hai buổi trưa để viết lên bức tâm thư này. Trong tâm trạng xót xa, lo lắng cho người thân, chị rất muốn anh trai của mình sớm quay trở về, đối diện với pháp luật để chứng minh công, tội.

Trong tâm trạng đó, tôi đã rất ngạc nhiên khi người phụ nữ trước mặt tôi tỏ ra khá dễ gần. Chị Tâm có giọng nói đặc trưng của người dân Hải Phòng, nặng ở trọng âm nhưng lại tròn tiếng, dễ nghe chứ không dài và dẹt như những vùng quê miền Bắc khác.

Tôi vào đầu câu chuyện cởi mở, chị Tâm cho biết, về khía cạnh công việc ở cơ quan, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi “cơn bão” lớn vừa quét qua gia đình chị.

“Mọi người đều hiểu và thông cảm cho tôi. Mình là người Nhà nước, phận sự được giao phó phải cố gắng hoàn thành. Không thể để việc riêng của gia đình làm ảnh hưởng đến người khác. Chính vì vậy mọi người vẫn đối xử với tôi rất tốt, yêu thương như chưa có chuyện gì xảy ra”, chị Tâm nói.

Không hiểu vì sao anh trai bỏ trốn

Về khía cạnh gia đình, chị Tâm cho biết tất cả đều cảm thấy bất ngờ và rất buồn, đặc biệt là sau khi người anh thứ hai Dương Tự Trọng bị bắt giữ. “Công, tội của anh cả Dương Chí Dũng chắc đã phần nào được sáng tỏ, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người trong gia đình tôi vẫn không hiểu vì sao anh Trọng có dính líu vào vụ việc”, chị Tâm quả quyết nói.

Theo chị Tâm, sở dĩ mọi người trong gia đình quá bất ngờ vì cho đến trước thời điểm bị bắt, Dương Tự Trọng vẫn hứa với mẹ đẻ của các anh chị là: “Con không giúp anh Dũng bỏ trốn. Xin mẹ yên tâm!”.

“Bố tôi nay đã già yếu và lẫn, cụ không còn đủ minh mẫn để hiểu việc gì đang xảy đến. Còn mẹ tôi thì vẫn hiểu, cụ buồn lắm. Khi lần lượt những người dính líu đến việc anh Dũng bị bắt, mọi người rất lo cho anh Trọng và đã họp lại, yêu cầu anh phải nói rõ việc đó. Anh Trọng có nói là không và chúng tôi tin anh”, chị Tâm buồn rầu nhớ lại.

Chính vì lẽ đó, hầu hết người thân trong gia đình đều chờ đợi phiên Tòa xét xử thì mới quyết định có tin hay không việc Dương Tự Trọng giúp anh trai bỏ trốn.

{keywords}
Nguyên Đại tá Dương Tự Trọng từng là khắc tinh số một của giới tội phạm Hải Phòng.
 

Theo lời kể của chị Tâm, ký ức về các anh trai trước đây gần như hoàn hảo. Cả hai người anh của chị đều là những người chịu thương chịu khó, hết mực chăm lo cho mẹ và các em.

“Thời đó bố tôi hay đi làm xa, nhà rất nghèo, các anh phải nhịn để dành cơm cho mấy em nhỏ. Các anh cũng rất gương mẫu, bảo vệ em, sẵn sàng lăn xả vào bảo vệ em nếu bị bạn bè trêu chọc. Các anh cũng không bao giờ nề hà bất cứ việc gì, cứ giúp được mẹ, được các em là lại lao vào làm. Cảm giác lúc đó căn nhà của chúng tôi lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười. Yêu thương hạnh phúc vô bờ bến. Những ký ức đó sẽ theo tôi đến cuối cuộc đời, đẹp lắm, tôi sẽ không bao giờ quên được”, chị Tâm nghẹn ngào nhớ lại.

Vì nhà rất nghèo nên thú vui của mấy anh em nhà họ Dương là làm thơ gửi tặng nhau, coi như một món quà tinh thần và cách thể hiện tình cảm. Thói quen này được kéo dài mãi từ thủa nhỏ đến tận bây giờ. Theo chia sẻ của chị Tâm, nhà chị ai cũng có khả năng làm được thơ, và luôn chọn cách đó để gửi đến nhau những tâm tư của mình.

“Cả anh Dũng, anh Trọng đều làm thơ rất tốt. Bây giờ trưởng thành chúng tôi vẫn làm thơ tặng nhau, coi đó là món quà quý hơn tất cả những vật chất khác. Tôi viết bài thơ “Anh hãy về đi” hy vọng nếu anh tôi có đọc được sẽ hiểu được tình cảm của tôi dành cho anh mà sớm trở về”, chị Tâm nói.

Câu chuyện giữa tôi và chị Tâm bỗng lắng lại khi tôi hỏi về sức khỏe của các anh trai của chị Tâm. Chị nghẹn ngào cho biết chị đã cố gắng liên lạc nhiều lần nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa cho phép chị và gia đình vào thăm. Chị chỉ được biết rằng các anh của chị vẫn khỏe và thông báo lại sự việc cho mẹ và toàn gia đình.

Khi đề cập đến hành động bỏ trốn của Dương Chí Dũng, chị Tâm xúc động nghẹn đi: “Đây cũng là câu hỏi lớn nhất của tôi và gia đình. Anh Dũng là anh cả, luôn chấp nhận và sẵn sàng chịu thiệt cho các em. Tôi không tin là anh mình sẽ bỏ trốn khi biết điều đó sẽ kéo theo nhiều người thân liên lụy.

Bỏ trốn không những không phải là tính cách thường thấy của anh Dũng mà hoàn toàn trái ngược. Gia đình cũng không ai giận anh ấy cả vì anh ấy sống với mọi người thế nào, ai cũng hiểu hết. Bây giờ chúng tôi cũng chẳng biết phải làm gì, có trách móc cũng không giải quyết vấn đề gì, tất cả chỉ mong đợi vào phiên tòa sắp tới”.

(Theo Gia đình & xã hội)