- Cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, làm ít nhất 14 người mắc, 5 người tử vong tính tới thời điểm hiện tại và tiếp tục còn tăng thêm. Tại Việt Nam, cơ quan chức năng đã 'đối phó' ra sao?
Chưa có nhiều thông tin về virus
Ngày 5/4, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để nói về độc tính của virus cúm A/H7N9, vì bệnh mới chỉ xảy ra ở một vài cá thể.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, việc số người tử vong do virus này ngày một tăng cũng là điều đáng ngại với Việt Nam.
Số người nhiễm và tử vong vì cúm A/H7N9 tại Trung
Quốc đang tăng lên từng ngày |
Theo ông Hiển, hiện vẫn chưa có bằng chứng chứng tỏ virus cúm A/H7N9 lây từ người sang người và cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra nguồn gốc, cách thức nhiễm cúm A/H7N9 từ động vật sang người.
Trước việc chưa có nhiều thông tin về loại virus này, Cục Y tế dự phòng vẫn tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tiếp xúc với những trường hợp bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
Tuy nhiên, khuyến cáo hạn chế đi lại vẫn chưa được đưa ra.
Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết khả năng dịch cúm này vào Việt Nam rất cao và dễ bùng phát trong cộng đồng do những yếu tố như chưa xác định được nguồn lây bệnh, đặc tính virus cúm biến đổi, chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Do vậy, ngành y tế Việt Nam đã lên kế hoạch đối phó và chuẩn bị các nguồn lực (về con người, thuốc, trang thiết bị, ...) để không rơi vào thế bị động.
Trong vấn đề điều trị, tại cuộc họp chiều 4/4 trước đó tại Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết điều khó khăn hiện nay là khó phân biệt đâu là bệnh nhân nhiễm cúm thường, cúm H1N1, hay cúm H7N9, vì biểu hiện lâm sàng của các bệnh này là như nhau: Bệnh nhân khởi phát bệnh từ triệu chứng ho, sốt, viêm kết mạc, sau đó có thể có triệu chứng viêm phổi cấp.
Chính điều này dễ gây ra nhầm lẫn trong chẩn đoán. Ngoài ra, về thuốc điều trị, hiện các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được liệu Tamiflu (loại thuốc đang được dùng để điều trị các bệnh do nhiễm virus cúm như H1N1, H5N1) có tác dụng với chủng cúm mới H7N9 hay không.
Siết chặt ở biên giới
Tình trạng nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rất rẻ đang diễn ra phổ biến được cho là mối nguy cơ cao nhất khiến dịch bệnh theo con đường này để tràn vào Việt Nam.
Diễn biến phức tạp của buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc khiến cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao hơn. (Ảnh: Tintuc.vn) |
Để ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, sự xâm nhiễm virus cúm gia cầm, đặc biệt là chủng virus cúm A/H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, không để lây lan dịch bệnh cho gia cầm trong nước, ngày 4/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn về kiểm soát gia cầm nhập khẩu trái phép.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ đã được giao.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không bảo đảm an toàn thực phẩm... lưu thông trên thị trường; thực hiện nghiêm việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Hiện nay, các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Lai (Lạng Sơn) và cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh) và cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng) – tỉnh Cao Bằng đều có các chốt chặn hoạt động 24/24 để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm, mang mầm bệnh vào cộng đồng.
N.Anh
Các tin liên quan |
Việt Nam họp khẩn để ứng phó dịch cúm A(H7N9) |