- Chiều 9/4, đoàn công tác Bộ Y tế cùng các Sở, ngành liên quan tại TPHCM đã tới kiểm tra, đôn đốc công tác phòng dịch cúm A/H7N9 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

{keywords}
Bộ Trưởng Bộ Y tế làm việc với các ban, ngành về cúm A/H7N9 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại buổi làm việc, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: “Người dân không nên hoang mang vì đến nay dịch cúm H7N9 vẫn chưa vào Việt Nam. Tuy vậy chúng ta cũng không được lơ là cảnh giác.”

Theo bà Kim Tiến, may mắn đến giờ phút này, chưa tìm thấy yếu tố lây từ người qua người của virus cúm A/ H7N9. Những trường hợp mắc bệnh có thể qua một động vật trung gian là gia cầm.

Virus cúm A/H7N9 có độc lực khá mạnh. Tới nay tại Trung Quốc đã phát hiện 24 người nhiễm bệnh. Trong số này, 7 người đã tử vong.

Trong bối cảnh Việt Nam có đường biên giới khá dài với Trung Quốc; tình hình cúm A/H5N1 ở trong  nước cũng đang diễn biến phức tạp. Từ đó, bộ trưởng Tiến đặt mục tiêu cho ngành Y tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung phải cố gắng hoàn thành 2 nhiệm vụ chính: quyết tâm không để cúm A/H7N9 vào Việt Nam và nhanh chóng khống chế cúm A/H5N1.

Để chuẩn bị ứng chiến với cúm A/H7N9, bộ Y tế đang chuẩn bị ra văn bản về phác đồ điều trị bệnh. Ngoài ra, ngành y tế sẽ thành lập các trung tâm huấn luyện phòng, chống và điều trị cho người bị mắc cúm A/H7N9. Một cơ số lớn thuốc tamiflu, dịch truyền, máy thở (ưu tiên cho khoa Nhi) đã sẵn sàng chờ cung ứng.

Cũng trong buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM lưu ý cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, do vậy việc phòng chống dịch tại đây phải được coi trọng.

Trung bình mỗi ngày, Cảng hàng không này tiếp nhận khoảng 100 - 150 chuyến bay từ nước ngoài, với lượng khách nhập cảnh từ 10.000 – 15.000 người. Phần lớn các chuyến bay tới đây không neo đậu lâu quá 1 giờ.

 

{keywords}
Máy đo thân nhiệt được bố trí tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A/H7N9 tại đây.

Hiện nay, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được bố trí sẵn 2 xe cứu thương túc trực 24/24 h, một xe chở hóa chất để xử lý máy bay, ô tô khi phát hiện ca bệnh.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM còn bố trí ở sân bay 15 kiểm dịch viên (gồm 2 lãnh đạo, 4 bác sĩ, 5 y sĩ và 4 lái xe) thay phiên nhau chia làm 3 ca để giám sát.

Trong trường hợp có nhiều hành khách nghi nhiễm cúm A/H7N9, Trung tâm sẽ đề nghị Sở Y tế TP.HCM tăng cường thêm bác sĩ từ các bệnh viện trên địa bàn cùng giúp sức.

Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất còn được trang bị 3 máy giám sát thân nhiệt hồng ngoại, 50 máy đo nhiệt độ bấm tai/kẹp nách, 28.000 chiếc khẩu trang ngoại khoa, 500 chiếc khẩu trang N95, 2000 bộ quần áo bảo hộ, 2000 đôi găng tay cao su, 20 lít hóa chất rửa tay và 100 kg Chloramine B sát khuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Sáu, công tác phòng dịch gặp một số khó khăn vì máy đo thân nhiệt chỉ phát hiện được các trường hợp bị sốt, không phát hiện được người đang ủ bệnh. Hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM vẫn chưa trang bị dụng cụ test nhanh để phát hiện bệnh này.

Ngoài ra, do các chuyến bay quốc tế lưu lại sân bay không lâu, trong khi phải xử lý sát khuẩn, thời gian ngắn quá gấp gáp.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đã chuẩn bị sẵn một khu cách ly gồm 50 giường bệnh, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9.

Ngoài ra các bệnh viện được chỉ đạo tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 còn có Bệnh Nhiệt đới, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2.

Bộ Trưởng Bộ Y tế đặc biệt cảnh báo người dân: “Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 vào Việt Nam là rất cao. Người dân nên cảnh giác bằng cách không ăn gia cầm chưa rõ nguồn gốc.”

Thanh Huyền