- Dự án bảo tồn đàn voi nhà Đắk Lắk đã được HĐND tỉnh này thông qua, việc bảo tồn voi đã nâng lên mức khẩn cấp. Thực tế, đàn voi không vì thế mà được bảo vệ tốt hơn khi ngoài tự nhiên vẫn liên tiếp bị giết hại, trong khi đàn voi nhà phải oằn mình phục vụ du lịch đến chết vì kiệt sức.

Oằn mình phục vụ du lịch

Ngày 9/4, con voi cái tên Buôn Nhang, 63 tuổi, thuộc sở hữu của ông Y Glư B’krông, trú tại buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, thường hợp đồng với các trung tâm du lịch cõng khách đã chết do kiệt sức, già yếu.

Trước đó, ngày 11/2 con voi cái tên H’plo, 35 tuổi, thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Bản Đôn cũng được phát hiện chết khi thả ăn trong VQG Yok Đôn. Nguyên nhân voi chết do phục vụ du lịch quá sức. Điều đáng buồn, đây là con voi cái còn rất trẻ, đang ở độ tuổi sinh sản sung mãn.

{keywords} 

Sau một ngày làm việc mệt nhọc, voi được đưa vào rừng xích chân thả tự kiếm ăn.

Đắk Lắk đang vào cao điểm mùa du lịch, đây chính là thời điểm đàn voi nhà phải oằn mình cõng khách, hầu như không còn thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi.

Y Thế K’nul, nài voi ở Khu du lịch sinh thái Spa Bản Đôn kể về lịch làm việc trong ngày của một con voi: sau một ngày cõng khách (khoảng 6 giờ chiều) các chủ voi, nài voi đưa vào rừng xích 1 chân vào gốc cây bằng sợi dây xích dài khoảng 50m, thả tự kiếm ăn trong bán kính đó.

Sáng sớm ngày hôm sau, nài voi sẽ vào rừng từ sớm đưa voi về nhà tắm táp, đóng bành rồi đưa đến các trung tâm du lịch, xích chân vào bãi tập kết chờ cõng khách. Hết một ngày làm việc mệt nhọc, chiều tối, voi lại được chủ đánh vào rừng xích chân, thả tự kiếm ăn. Lịch làm việc cứ diễn ra đều đặn mỗi ngày như vậy.

{keywords}

Voi bị xích chân chờ khách, không còn thời gian vui chơi.

Một con voi có thể cõng 4-5 khách trên lưng/lần để đi tham quan lội sông Sêrêpốk, dạo VQG Yok Đôn, vượt hồ Lak…Trúng vào dịp lễ, tết voi được huy động cõng, trả khách liên tục, nếu tính ra, một ngày voi phải cõng trên lưng hàng chục lượt khách, khối lượng lên đến cả tấn. Làm việc vất vả, nặng nhọc là vậy, nhưng thỉnh thoảng voi mới được nài cho ăn một khúc chuối hoặc mía được chặt ngắn để sẵn dưới bành.

Để tiết kiệm tối đa chi phí, sau một ngày làm việc voi sẽ được chủ thả vào rừng để tự kiếm ăn, thay vì phải tốn kém tiền mua thức ăn.

Có một thực tế trái nghịch, rừng Đắk Lắk hiện nay đã bị suy kiệt, các loại cây là thức ăn ưa thích của voi đang cạn dần. Đặc biệt, mỗi khi ốm đau, bệnh tật voi thường vào rừng tìm ăn các loại cây thuốc để tự chữa bệnh, tuy nhiên các cây thuốc này gần như cạn kiệt, chân chúng lại bị xích, muốn đi xa cũng không được. Chúng bị kiệt sức và gục ngã cũng là điều dễ hiểu!

Càng bảo tồn…voi càng chết

Nếu như những năm 1980, đàn voi nhà ở Đắk Lắk có 502 con, thì đến năm 1990 đã sụt mất gần một nửa còn lại 298 con, đến năm 2000 giảm xuống còn 96 con và hiện tại chỉ còn chưa đến 50 con.

Chỉ tính từ năm 2009 đến hết năm 2012, có 15 con voi rừng bị chết (4 con voi trưởng thành chết do bị bắn giết để lấy ngà, lông đuôi; 11 con chết không rõ nguyên nhân). Trong khi đàn voi nhà cũng sụt giảm không kém, có đến 10 con bị chết. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2013, có thêm 2 thành viên voi nhà nữa…lìa đời, do bị vắt kiệt sức vì phục vụ du lịch.

{keywords} 

Voi cõng khách du lịch tại Khu du lịch Buôn Đôn.  

HĐND tỉnh Đắk Lắk từng đã thông qua nghị quyết, “treo thưởng” rất lớn đối với các chủ voi, nài voi (trên 500 triệu đồng) nếu họ có voi sinh sản. Để lấy được khoản tiền này, thật khó hơn “hái sao trên trời”, bởi theo như thống kê của các chuyên gia, 30% trong tổng số đàn voi nhà Đắk Lắk hiện nay đã lên chức “voi cụ”, không còn khả năng sinh sản.

Số còn lại do bị cấm đoán quá lâu đã trở nên lãnh cảm với chuyện yêu đương. Thực tế, trong khoảng 20 năm qua, đàn voi nhà Đắk Lắk không chào đón thêm chú voi con nào ra đời.

Điều này khiến nhiều người nghi ngại và đặt câu hỏi “công tác bảo tồn” voi tại Đắk Lắk đang làm gì, và họ đang đứng ở đâu!?

PGS.TS Bảo Huy - Chủ nhiệm dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk thẳng thắn thừa nhận: công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk đang triển khai rất chậm chạp, nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong chăm sóc, bảo vệ voi đang rất thiếu và yếu.

Để bảo vệ đàn voi nhà khỏi tuyệt chủng, ông Huy đề xuất việc phải khẩn cấp cho voi nhà sinh sản nhân tạo. Bởi đàn voi nhà đã quá già nua, khả năng sinh sản tự nhiên là rất nhỏ. Nếu tiếp tục chậm chạp, chỉ cần vài năm nữa thôi, khả năng sinh sản của đàn voi sẽ không còn.

• Trùng Dương