- Trong ngày đầu thực thi quy định xử phạt không sang tên đổi chủ phương tiện của Bộ Công an (15/4), tại nhiều địa phượng lực lượng CSGT chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
>>Ùn ùn sang tên ôtô chính chủ
>>Xe không chính chủ, mua về chỉ để... ngắm
>>'Chiêu' biến xe không giấy tờ thành... chính chủ
Chưa áp dụng phạt
Ghi nhận của VietNamNet cho thấy tại các chốt giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội, lực lượng CSGT đều khẳng định, không được kiểm tra, xử phạt lỗi này ngoài đường.
Một chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tại nút Nguyễn Chí Thanh – Láng cho biết, thời điểm hiện tại, lực lượng CSGT vẫn chưa nhận được “lệnh” xử phạt lỗi không chính chủ từ cấp trên nên chưa thể áp dụng xử phạt trong ngày hôm nay.
“Tất cả các trường hợp phương tiện không chính chủ, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở….”, chiến sĩ CSGT này cho hay.
Trong ngày đầu thực hiện phạt không chính chủ, các địa phương chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chứ chưa phạt. |
Theo Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Hà Nội), hiện nay chưa triển khai việc xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ. Lực lượng làm nhiệm vụ ngoài đường không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình….
“Việc xử phạt ‘lỗi’ không chính chủ do các điểm đăng ký phương tiện giao thông và các đơn vị phụ trách điều tra các tai nạn giao thông, sẽ truy nguồn gốc phương tiện và ra quyết định xử phạt”, Trung tá Đức cho biết.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hà Nội khẳng định: “Lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông chỉ xử lý những hành vi vi phạm giao thông và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà không được phép hỏi và kiểm tra, xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đối với người tham gia giao thông".
Trong khi đó, tại Hải Dương, trao đổi với VietNamNet, Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát giao thông Hải Dương (Phòng CSGT Công an Hải Dương) cũng cho hay, ngày hôm nay (15/4) các chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường cũng chưa xử phạt trường hợp nào chưa sang tên chuyển chủ sở hữu phương tiện.
"Trong quá trình xử lý các lỗi vi phạm ngoài đường các chiến sỹ CSGT cũng không được hỏi xe mượn của ai, đã sang tên chuyển chủ chưa vì không đủ cơ sở để xác minh xe đó có chính chủ hay không. Nhất là khi trong luật không cấm việc mượn xe của người khác đi ngoài đường", Trung tá Lưu nói.
Sang tên đổi chủ tăng 3 – 4 lần
Theo thông tư số 12 của Bộ Công an, trong thời gian từ 15/4/2013 đến 31/12/2014, các trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người nay đăng ký sang tên (cùng tỉnh hay khác tỉnh) dù có chứng từ chuyển nhượng hay không đều được tạo thuận lợi về mặt thủ tục khi chủ xe có đủ chứng từ chuyển nhượng hợp lệ, thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện chỉ mất hai ngày, còn đối với trường hợp ngược lại, thủ tục này được giải quyết sau 30 ngày.
Chính bởi sự thông thoáng trong thủ tục, ngay trong ngày 15/4, tại nhiều điểm đăng ký phương tiên trên địa bàn Hà Nội người dân đã xếp hàng đông chờ đến lượt làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Chủ phương tiện đi sang tên chuyển chủ sở hữu phương tiện tại Hà Nội trong ngày 15/4 có điểm tăng từ 3 - 4 lần so với các ngày trước đây. |
Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thông tư 12, theo số liệu thống kê của Phòng CSGT, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết trên 500 hồ sơ ôtô làm thủ tục sang tiên đổi chủ.
Trung tá Bùi Sỹ Hưng, cán bộ đội quản lý phương tiện (Phòng CSGT Công an Hà Nội), người tiếp nhận hồ sơ của người dân nhìn nhận, trong ngày hôm nay, có khá đông người dân đến tìm hiểu quy định mới, số lượng tăng gấp 3-4 lần các ngày trước đây.
Tại điểm đăng ký phương tiện giao thông trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), Trung tá Vũ Thanh Ba, Đội trưởng Điểm đăng ký phương tiện giao thông số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho rằng, với những phương tiện đăng ký lần 2 quá thời hạn sang tên đổi chủ, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chỉ dừng lại ở khâu nhắc nhở, tạo điều kiện cho người dân đi làm thủ tục sang tên đổi chủ mà chưa thực hiện xử phạt.
TP.HCM: Ngày đầu phạt xe không chính chủ: CSGT vẫn còn… tập huấn Chiều 15/4, trao đổi với P.V VietNamNet, Thượng tá Trần Thanh Trà – Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) công an TP.HCM cho biết, từ đầu tháng đến nay đã mở nhiều lớp tập huấn cho CSGT trực thuộc các đội nghiệp vụ, trong đó có nội dung quan trọng là hướng dẫn xử phạt đối với xe vi phạm không chuyển quyền sở hữu (tức xe không chính chủ). Theo vị trưởng phòng này, từ 15/4 bắt đầu xử lý các vi phạm xe không chính chủ, theo đúng chủ trương đồng loạt ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn này và những ngày sau 15/4, lực lượng các đội nghiệp vụ thuộc phòng PC67 vẫn còn trong giai đoạn… tập huấn. Một lãnh đạo của đội CSGT tại trung tâm TP.HCM cho biết, chưa đến đợt tập huấn và chưa nhận được thông báo chính thức của phòng về việc này nên đơn vị chưa tiến hành xử phạt. “Có lẽ bắt đầu từ 15/4 những đội nào tập huấn xong thì bắt tay vào thực hiện xử phạt luôn” - vị đội trưởng đội CSGT cho biết. Theo đó, trong quá trình xử lý TNGT, tạm giữ phương tiện để xử lý, đăng ký, cấp biển số xe và nhiều biện pháp nghiệp vụ khác, lực lượng CSGT nếu phát hiện xe không chính chủ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt đối với xe gắn máy là 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng, với ô tô là 6 - 10 triệu đồng. Đúng theo tinh thần thông tư 11 hướng dẫn, CSGT ở TP.HCM không được dừng phương tiện đang lưu thông để kiểm tra, xử lý về xe không chính chủ. |
Vũ Điệp - Đàm Đệ