- Cụ rùa đã có thêm “ngôi nhà” mới - đó là món quà “kĩ thuật số” mà một nhóm bạn trẻ yêu Hà Nội dành tặng.


Sáng lập viên của trang web là 2 bạn trẻ 8x, Minh Trang và Mạnh Cường, hiện đang làm việc ở một công ty truyền thông. Theo Trang chia sẻ, sự ra đời website cũng hết sức tình cờ và thú vị.

“Ý tưởng xuất phát cách đây đúng 2 tuần. Khi đó, bọn mình đang nói chuyện về website quảng bá hình ảnh Singapore, và tự hỏi tại sao với chừng ấy tiềm năng, Việt Nam lại chưa xây dựng được một trang thiết thực và hấp dẫn như vậy. Đột nhiên Cường hỏi: Có cách nào nói đến Việt Nam mà không cần nhắc 2 chữ Việt Nam không? Mình bất chợt nói luôn: Rùa Hồ Gươm..

Ảnh màn hình "ngôi nhà" cụ rùa
Những ngày đó, cũng như nhiều người dân và cộng đồng mạng, Trang và Cường bị ám ảnh bởi những bức hình cụ rùa thảm thương bấu chân lên bờ. Một ám ảnh mang tính biểu tượng! Dù nói thế nào đi nữa, việc tồn tại một sinh vật to lớn, bí ẩn như vậy ở cái hồ nhỏ xíu ngay giữa trung tâm Thủ đô hiện đại, bản thân nó đã nói lên tính huyền thoại rồi. Dù 100 hay 200 tuổi, thì trong lòng mỗi người Việt Nam, cụ rùa cũng như bước ra từ truyền thuyết, chẳng của riêng Hồ Gươm hay Hà Nội. Và bây giờ thì huyền thoại đang kêu cứu, tiếng kêu ấy làm cả cộng đồng Việt phải xót xa. Không xứng đáng để bàn về nó hay sao?

Ngay chiều hôm ấy, Cường chạy đi đăng ký tên miền, còn mình ngồi tìm tư liệu, chuẩn bị cho trang web” - Trang kể.

“Ngôi nhà” của cụ rùa được hoàn thành chỉ trong hơn 10 ngày từ khi đề xuất ý tưởng. Áp lực là đã làm thì phải nhanh, vì cụ rùa nguy cấp lắm rồi. Đây chỉ là một dự án mang tính chất tự nguyện, không đặt mục tiêu kinh doanh, nên nhóm của Cường tự nguyện đóng góp toàn bộ chi phí. “Coi như thể hiện chút tình cảm dành cho cụ rùa” – Cường cười hạnh phúc.

Cả hai bạn không phải dân chuyên IT nên cũng lúng túng trước quá nhiều thông tin, lựa chọn. “Chỉ riêng việc chọn thiết kế ở đâu, dùng nền tảng nào cho hiệu quả và tiết kiệm cũng đã đau đầu rồi. May mắn, bọn mình gặp được anh Luân, một chuyên gia công nghệ làm cùng cơ quan, nhiệt tình hỗ trợ tất cả từ hosting, chọn hệ quản trị Joomla! để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng mà vẫn tương đối chuyên nghiệp, đến chọn và cài đặt giao diện, chạy thử website.

Tiếp đó, qua sự giới thiệu của anh Luân, bọn mình lại được sự giúp đỡ của TS Lê Linh Lương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Hanoi-Arena, đồng thời là Giám đốc công ty GLTEC, nơi bọn mình đăng ký hosting.

2 anh cũng khá vất vả trong việc hướng dẫn bọn mình làm quen với cms mới, điều chỉnh các module. Cho đến giờ thì nhìn chung đã ổn, nhưng vẫn cần phải lần mò và học hỏi nhiều lắm! Dù sao sau 2 tuần cố gắng, đưa được website vào hoạt động, bọn mình thực sự rất vui! Mong “quán trà đá Hồ Gươm” ảo này sẽ là nơi những người chung tâm sự có thể ghé vào đàm đạo”.

“Nhà cụ rùa cực kỳ tiện nghi”

Trong thời gian chờ đợi xây dựng website, nhóm của Cường tạm thời lập một blog với tên ruahoguom để cập nhật thông tin và chia sẻ trên Facebook với bạn bè chứ chưa quảng bá rộng rãi. Không ngờ chỉ trong mấy ngày xuất hiện, thậm chí còn chưa xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm như google, blog đã có hàng ngàn lượt truy cập, với độc giả ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Singapore…

“Bọn mình nghĩ, cộng đồng người Việt ở khắp nơi hẳn đều đang hướng về Việt Nam, hướng về Hồ Gươm. Mà sức mạnh của cộng đồng bao giờ cũng lớn và ý nghĩa nhất.

Cụ rùa đã có thêm “ngôi nhà” mới - đó là món quà “kĩ thuật số” mà một nhóm bạn trẻ yêu Hà Nội dành tặng.
Bọn mình cũng đã tham khảo các hình thức đăng ký và giới thiệu website, nhưng cảm thấy trước mắt chưa đủ điều kiện đăng ký và cũng chưa có nhu cầu hoạt động như một trang tin điện tử. Vì vậy, hiện tại website đang hoạt động dưới hình thức blog riêng của nhóm người quan tâm rùa Hồ Gươm, nơi chia sẻ, gửi gắm những chuyện “cụ rùa và hơn thế nữa”.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, trang web sẽ xin cấp phép chính thức để phát triển thành trang tin điện tử hay diễn đàn, hoặc cả hai. Kế hoạch cụ thể hơn thì xin cho bọn mình… bí mật.”.

Minh Trang tâm sự: “Xuất phát điểm và mục đích cao nhất của webside là bảo vệ cụ rùa. Nhưng đây không phải chuyện của… rùa, mà là chuyện của chúng ta. Những chuyên mục bọn mình lập ra, thực chất đề cập đến cụ rùa như một biểu tượng, mỗi chúng ta thể hiện mình qua cách ứng xử với biểu tượng ấy, qua cách chúng ta họp hành, cứu chữa, qua những gì chúng ta hiểu biết, tranh luận về cụ, qua cách chúng ta hành xử với môi trường sống của cụ, và cả cách chúng ta phê phán lẫn nhau nữa. Ví dụ như trong khi lên án việc cứu chữa cụ rùa quá chậm thì bản thân chúng ta vẫn cứ vứt cả… xác mèo chết xuống hồ đấy thôi.

Bọn mình muốn blog sẽ là nơi chia sẻ, bình luận, hiến kế về tất cả những vấn đề như thế. Hiện tại, bọn mình cũng đã có kế hoạch liên hệ với một vài chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan như sinh vật, văn hóa, lịch sử, môi trường…, hay một vài nhân vật mà bọn mình nghĩ sẽ có góc nhìn mới mẻ, thú vị và ảnh hưởng đến cộng đồng. Mong muốn của website là qua đây, tập hợp được những người có chung ý nghĩ, mục tiêu, có được những hoạt động offline cụ thể, thiết thực. Thông tin hữu ích lắm chứ, tuy nhiên chưa đủ. Phải hành động thôi!”.

Kiên Trung

Xem clip 'vây bắt' cụ rùa thất bại
Video: Chen nhau xem "bắt" cụ rùa
Xem lại diễn biến cụ rùa 'thoát lưới"
Vì sao cụ rùa “trốn thoát”?
Mệt nhoài chọn chỗ ngóng cụ rùa
Cuộc 'vây bắt' cụ rùa bất thành