- Cứ đúng ngày 10/3 âm lịch, hàng chục năm nay năm nào cũng thế, ngôi từ đường dùng làm đến thờ Hùng Vương của gia đình họ Đoàn tại số 212/215 Nguyễn Văn Nguyễn (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) lại tấp nập con cháu. Tất cả mọi người trong họ tộc quây quần về đây để tưởng nhớ công đức vua Hùng.

Sáng 19/4 (10/3 âm lịch), chúng tôi có mặt tại ngôi nhà này. Bên trong, từng thế hệ con cháu, già trẻ gái trai ai nấy trên nét mặt đều rạng rỡ. Những cái bắt tay, những câu chào hỏi ân cần của anh em, con cháu sau nhiều ngày xa cách trở nên ấm áp thân tình.

Ngôi từ đường nhà họ Đoàn được dùng làm đền thờ quốc tổ Hùng Vương có diện tích hơn 70m2 vừa được trùng tu khang trang sau nhiều năm xuống cấp. Theo lời kể của những người trong gia tộc, năm 1945 ông Đoàn Văn Nụ vốn là một nghệ nhân ngành thêu từ quê hương Phủ Lý (Hà Nam) vào đây lập nghiệp.

{keywords}
Chánh điện đền Hùng tại gia tộc họ Đoàn

Khi ấy vùng này còn hoang hóa. Ông dựng tạm một mái nhà và phát triển nghề thêu. Nhờ sự cần cù, sự nghiệp ông ngày một phát triển. Ông xây dựng gia đình, sinh được 6 người con. Trong cách giáo dục con ông luôn nhắc nhở con cháu phải nhờ đến cội nguồn và công đức tiền nhân. Đến năm 1960, ông xây dựng tại nhà ngôi đền Hùng Vương với một mục đích duy nhất là để cháu con ghi nhớ công ơn trời biển của cha mẹ, tổ tiên.

Từ đó cứ đến ngày 10/3 âm lịch, từ bên trong nhà luôn vọng ra tiếng chiêng trống. Ông tập cho con cháu tế lễ với những y phục đặc thù. Cũng chính từ ông, những bài văn tế được soạn ra và cứ mỗi lần tế lễ lại vang lên như nhắc nhở cháu con.

{keywords}
Ông Đoàn Văn Lộc, trưởng nam kính cáo trước bàn thờ vua Hùng

Năm 1995, ông Nụ qua đời. Toàn bộ cơ ngơi thờ cúng của gia tộc giao cho anh Đoàn Văn Tài, người con út quản lý trông coi.

Đứng trước chánh điện của đền thờ, hai câu đối : “Tám mươi triệu đồng bào cùng chung gốc – Bốn ngàn năm văn hiến vững xây bền” đập vào mắt chúng tôi. Bên trong, điện thờ uy nghi trầm mặc. Trên cao bài vị vua Hùng sừng sững nhìn xuống tả hữu.

{keywords}
Đoàn lễ nhạc con cháu họ Đoàn

Trong hồi trống rộn rã, anh Đoàn Văn Lộc, trưởng nam của gia tộc thành kính dâng nén hương nghi ngút khói, tiếp đó là lời khấn mời quốc tổ, các vị anh hùng dân tộc có công khai sáng tổ quốc Việt Nam về chứng giám.

Rồi một đoàn nữ tế với quốc phục truyền thống lũ lượt nối gót ra trước chánh điện. Tiếng nói của vị chủ tế sang sảng vang lên. Nén hương, bát nước, chung rượu, chén trà…lần lượt được dâng lên quốc tổ trong tiếng nhạc bi hùng của đoàn lễ nhạc gồm những thanh niên trẻ họ Đoàn.

Buổi tế kéo dài khoàng một giờ. Những con cháu họ Đoàn ai nấy đều một lòng thành kính tưởng nhờ đến tiền nhân, đến cha ông, đến những giáo huấn của ông Nụ lúc sanh tiền.

{keywords}
Dâng hương

Anh Đoàn Văn Tài, người được ủy uyền thừa kế cho biết: “Sinh thời cha ông thường dạy con cháu: Tiền nhân xây dựng nên đã khó, con cháu gìn giữ còn khó hơn”. Theo ông, thờ cúng Vua Hùng là học chữ lễ, học làm người. Vì vậy, cứ đến ngày giỗ tổ Hùng Vương là tất cả con cháu trong dòng họ điều tập trung lại đền thờ để tưởng nhớ các vị Vua Hùng và tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương ngày nay đã trở thành biểu tượng trong đời sống tâm linh của dân tộc. Gia đình ông Đoàn Văn Tài là một trong số ít những hộ gia đình sống tại TP.HCM có truyền thống thờ cúng vua Hùng như vậy.

Trong lúc hàng ngày những biến động khôn lường trong xã hội, khi những giá trị truyền thống xưa cũ đang bị mai một…thì ở đây, trong ngôi nhà nhỏ với đền thờ vua Hùng đã soi sáng, những người con, cháu ông Nụ vẫn âm thầm thực hiện theo di huấn của cha ông phấn đầu trở thành những công dân tốt trong xã hội. Ước mong sao, phiên bản này sẽ được nhân rộng.

XEM CLIP LẠI ĐÂY:



Trương Khởi

Lam Quỳnh