- Bao đời nay, tục cưới hai lần của người Thái vùng cao Thanh Hoá vẫn còn tồn tại như một nét văn hoá. Cả hai lần cưới đều được người dân tổ chức linh đình, và cuối cùng… nghèo vẫn hoàn nghèo.

Cuới hai lần

Ngược miền tây Thanh Hoá, ở bất cứ khu vực nào có người Thái sinh sống thì đều có lưu giữ tục cưới hai lần. Nhưng nhiều nhất vẫn là huyện Quan Hoá bởi nơi đây chiếm tới 80% dân tộc Thái.

Hỏi về tục cưới hai lần này, kể cả các cụ cao niên trong làng, bản cũng không ai biết rõ có từ bao giờ.

Họ chỉ biết rằng khi họ sinh ra đã thấy. Và bản thân họ đến khi lấy vợ, lấy chồng cũng đều phải theo phong tục này.

{keywords}
Phong tục đẹp nhưng là nỗi lo của không ít người Thái

Như trường hợp ông Hơ Văn Suế (85 tuổi). ông lấy vợ từ năm 18 tuổi. Ngày đó, tuổi như ông trong bản người ta đã gọi là ế rồi, thế nhưng ông vẫn không chịu lấy vợ.

"Sao ngày đó ông lại lấy vợ muộn như vậy?", tôi hỏi.

Ông Suế trả lời: “Ta cũng có muốn lấy muộn vậy đâu. Do nhà nghèo không có tiền làm đám cưới. Còn ta với Thá (vợ ông Suế) đã thương nhau được ngót nghét gần mười mùa đào nở rồi. Lúc đó chỉ cần có tiền là cưới thôi”.

Kỳ tích lấy được vợ của mình, đến nay ông Suế vẫn còn nhớ mãi. Ngày đó gia đình ông nghèo lắm. Chỉ có cái nhà nhỏ chênh vênh trên sườn núi, không ruộng nương. Gia đình phải sống dựa vào đồi núi là chính.

Thu nhập bình quân của gia đình ông chỉ tính bằng con số 0 đồng/ngày. Đói ăn, thiếu thốn trăm bề.

Ngày đó, với tục cưới hai lần như một điều bắt buộc. Ông nghĩ rằng cả đời này mình sẽ không lấy được vợ. Nếu chăng chỉ đủ sức để cưới lần một, và lần hai chưa biết đến bao giờ.

Vậy mà cái lần một của ông cũng qua nhẹ nhàng khi bố ông nuôi được một con trâu. Đến khi con trâu đó đẻ thì bố ông đã phải bán hết cả trâu lẫn nghé được vài triệu bạc.

Lo cho con song đám cưới thì nhà cũng khoanh gia bại sản.

Theo phong tục, khi cưới lần một hai vợ chồng sẽ về nhà gái ở. Cũng chính vì điều này mà ông Suế đã “mở mày mở mặt” hơn được một chút vì gia đình vợ có ruộng nương làm, có trâu cày.

Nhưng rồi ông bà vẫn phải đau đáu lo cho cái cưới lần hai. Để có được tiền cưới vợ, ông đã phải dồn tiền đến cuối cuộc đời. Và rồi, đến tuổi gần về với ông bà tổ tiên ông bà Suế mới tổ chức cưới lại.

Nghèo vì cưới

Đến với đồng bào người Thái rất dễ dàng để được chứng kiến một cảnh vợ chồng tổ chức đám cưới lần hai.

Theo ông Hà Văn Tuyên, Trưởng phòng Văn hoá huyện Quan Hoá, đây là huyện miền núi, chiếm tới 80% dân tộc Thái. Chính vì vậy mà tục cưới 2 lần ở đây còn rất phổ biến, như một nét văn hoá riêng.

Tuy nhiên, theo ông Tuyên song song với cái nét văn hoá này là sự khó khăn về kinh tế. Có gia đình cơ cực làm ăn, vừa dành dụm được vài đồng bạc thì phải lo cho cái cưới lần hai, do vậy trong nhà lại hết phăng lúa gạo, tiền bạc.

{keywords}
Vợ chồng Só-Si mới cưới lần hai

Có nhà vừa đang ký thoát được hộ nghèo thì lại tái nghèo. Những hộ gia đình không có kinh tế, đã cưới nhau và sống gần chọn cuộc đời nhưng vẫn đau đáu lo cho việc tổ chức cưới lần hai.

Chính vì vậy người dân tộc Thái ở đây không thể thoát ra khỏi được cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó.

Gia đình Hơ Văn Só (SN 1991) và Va Thị Si (SN 1989) là một ví dụ nữa. Họ đã có với nhau 3 mặt con.

Gia đình Só thuộc diện khó khăn nhất bản. Ngày mới cưới về, hai vợ chồng phải ăn cơm độn bằng lá rau rừng. Làm không đủ ăn, trong khi 3 đứa con nhỏ cứ lần lượt ra đời làm cho Só và Si phải lo từng bữa, khiến họ già hơn rất nhiều so với bạn cùng lứa.

Gia đình chỉ đủ ăn khi ông bố Só chết để lại cho hai vợ chồng miếng đất trồng chuối. Cuộc sống vơi bớt phần nào, vừa có chút của ăn của để thì Só lại phải lo cho cái cưới lần hai.

Cả chục triệu đồng trong vài năm tích cóp chỉ ra đi trong chớp mắt. Nghèo lại hoàn nghèo.

“Vừa cưới xong phải mổ lợn, làm bánh, thịt gà… mời hàng xóm. Cưới lần hai bao giờ cũng to hơn lần một. Chỉ tính sơ sơ, đám cưới của Só đã ngốn hết cả chục triệu đồng”, Só chia sẻ.

Hôm chúng tôi đến, thằng cu Hơ Văn Co 5 tuổi (con Só) đang ốm nằm dài ở nhà mà không có tiền mua thuốc. Vợ chồng nghèo này không dám đưa con đến thầy lang "bắt ma" vì bao nhiêu tiền của đã “đầu tư” vào hết đám cưới.

Theo Só, mình cũng chưa muốn cưới. Nhưng theo phong tục của người Thái, nếu có tiền mà không cưới là 'không thể làm ăn được, ốm đau bệnh tật'.

Tại đây, điều đặc biệt là khi tiến hành lễ cưới là việc mẹ chồng rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà.

Theo quan niệm của người Thái, việc mẹ chồng rửa chân cho cô dâu là muốn cô dâu gọt sạch những bụi trần trước đây.

Cô dâu bước vào ngôi nhà mới với sự thánh thiện, từ nay trở về sau sống một cuộc sống mới bên nhà chồng, chăm lo làm ăn, hướng đến một gia đình hạnh phúc.

Lê Anh