- Do đợt nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay dài tới 5 ngày nên rất nhiều gia đình lên kế hoạch đi chơi xa. Các khách sạn cũng vì thế chớp thời cơ, ra sức găm phòng, đẩy giá làm khó du khách.

“Cháy” vé máy bay

Gia đình anh Hải, ngụ tại quận 7 TP.HCM đang bị quay như chong chóng vì kế hoạch đi chơi lễ 30/4 chỉ trong 2 ngày đã bị thay đổi tới 3 lần.

Cơ quan anh Hải có lịch nghỉ lễ cách đây 10 ngày, cứ tưởng ngày dài tháng rộng nên vợ chồng anh ung dung lựa chọn xem sẽ đi du lịch ở đâu.

Tới ngày 23/4 hai anh chị mới quyết định sẽ chọn Đà Nẵng là điểm đến.

{keywords}
Du khách đi chơi ngày lễ phải chịu chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần bình thường - Ảnh: Thanh Huyền

Suốt cả ngày, 2 anh chị thay nhau gọi điện thoại đến các phòng vé máy bay, thậm chí nhờ cả bạn bè nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Hết vé rồi”.

Anh Hải và vợ đành chuyển hướng đi Sa Pa nhưng thở dài chán nản vì chẳng còn vé máy bay ra Hà Nội.

Bạn bè mách nước nếu muốn đi du lịch thì còn mỗi cách đi xe ô tô, bởi vé máy bay tới các điểm du lịch đã được mua hết từ tháng trước. Vậy là vợ chồng anh Hải phải đổi qua phương án lái xe đi Nha Trang.

Nhưng đâu phải cứ lái xe tới nơi mà được, còn phải có chỗ ăn, chỗ ở. Anh Hải gọi điện đặt phòng ở Nha Trang nhưng vẫn gặp điệp khúc quen thuộc: “Dạ ngày đó bên em không còn phòng”.

Cũng chỉ vì kế hoạch đi chơi lễ bị trục trặc mà không khí gia đình anh Hải trầm lắng hẳn.

“Nhìn thiên hạ ai cũng đi chơi, nghỉ lễ lâu thế mà mình lại ngồi nhà, chán thật”, anh Hải than thở.

Khách sạn bình dân, cao cấp đua nhau… "chém”

Trường hợp của anh Minh, ngụ tại quận 2 may mắn hơn anh Hải vì sau một buổi gọi hết 200 ngàn tiền điện thoại đã tìm được khách sạn còn phòng ở Đà Lạt ngày 27, 28/4.

Tuy nhiên, hai vợ chồng anh chẳng vui vẻ gì vì biết mình bị “chém đẹp”.

“Đã đề phòng, chấp nhận ở hẳn khách sạn 4 sao cho tử tế, khỏi bị “chém vặt”, vậy mà mình vẫn “dính chưởng”. Cứ tưởng dạng nhà nghỉ vớ vẩn mới làm ăn kiểu đó, ở đây là khách sạn có sao, đẳng cấp cũng chẳng khá hơn. Cô lễ tân trả lời mình do ngày lễ nên giá phòng tăng thành 2,5 triệu/ngày (ngày bình thường chỉ 1,4 triệu). Đành phải đi vì lỡ hứa với các con nhưng trong bụng mình cứ ôm cục “tức”, anh Minh hậm hực.

{keywords}
Vũng Tàu - địa điểm du lịch thường quá tải vào dịp lễ.

Anh Minh còn bật mí thêm: “Mình có bạn làm trong hệ thống khách sạn khuyên đừng gọi điện thoại tìm phòng nữa, có còn người ta cũng bảo hết. Các khách sạn rủ nhau găm phòng, chờ du khách lên tới nơi, lỡ đường mới thét giá cao kiếm lợi. Mấy nhà nghỉ ở đường Nguyễn Chí Thanh (Đà Lạt) bình thường chỉ trên dưới 200 ngàn/ngày, nay quát giá lên tới gần 1 triệu”.

Gia đình ông Trần Văn Khoa, ngụ tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng không khỏi háo hức lên kế hoạch đi chơi xa ngày lễ.

Biết chắc những ngày này kiếm vé máy bay, đặt phòng khách sạn vô cùng khó, ông Khoa đã đặt tour cho cả nhà đi nước ngoài từ trước.

“Dân mình đã nghèo, làm ăn lại đầu voi đuôi chuột, thừa nước đục thả câu. Cứ thế lại hỏi sao người dân cứ đem tiền ra nước ngoài vui chơi, giải trí, trong khi nước ta chẳng thiếu gì cảnh đẹp.

Tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ ta không biết cách làm dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. Ai đã đi Singapore đều biết bờ biển của họ thua xa ta nhiều, cảnh quan tự nhiên cũng xấu hơn.

Tuy nhiên, họ biết cách khai thác du lịch triệt để, dịch vụ tốt. Còn nước ta tạo hóa ban cho bờ biển quá đẹp, trải dài từ Bắc chí Nam nhưng ngày thường thì vắng như chùa Bà đanh, dịp lễ nâng giá lên gấp mấy lần. Làm ăn vậy sao mà bền được”, ông Khoa chia sẻ.

Nhiều người dân phản ánh, các khách sạn ở Nha Trang, Đà Lạt đều niêm yết bảng giá ở ngay quầy lễ tân.

Tuy nhiên, khi du khách tới hỏi phòng đều bị kêu giá cao hơn giá đang niêm yết. Nếu thắc mắc, du khách được nhân viên lễ tân trả lời: “Giá đó chỉ để cơ quan chức năng đi kiểm tra thôi, còn giá thực lại khác”.

Từ đó cho thấy việc kiểm soát giá khách sạn ở những thành phố du lịch gần như mang tính hình thức. Du khách đi chơi trong các ngày lễ vẫn phải chịu chi phí đắt đỏ, bất hợp lý để nhận lại một dịch vụ chất lượng không tương xứng.

Thanh Huyền