- Từ lúc vào viện đến lúc khám xong, người bệnh phải mất đến vài lần đi đóng tiền viện phí. Việc chạy lòng vòng trong bệnh viện để đóng tiền đã khiến thời gian chờ đợi càng tăng cao, nhiều người bệnh bức xúc và làm giảm hiệu quả của các biện pháp giảm tải.

Quy trình nào cũng phải quay lại để đóng tiền

Hiện nay, quy trình khám chữa bệnh BHYT quá rườm rà, người bệnh ít nhất phải đóng tiền 3-4 lần mới xong được một chu trình khám.

{keywords}
Bệnh nhân xếp hàng chờ đóng tiền trước khi đi chụp chiếu, xét nghiệm.

Đầu tiên là đóng tiền đồng chi trả (phí khám bệnh) khi nộp thẻ BHYT tại quầy đón tiếp để được khám. Sau đó, nếu được chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thì bệnh nhân lại quay ra đóng tiền một lần nữa. Trong trường hợp bác sỹ chỉ định thăm dò chức năng thì bệnh nhân lại phải đóng phí, …

Quyết tâm giảm thủ tục rườm rà

Tại buổi làm việc với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu cao quyết tâm cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà không cần thiết để bệnh nhân bớt khổ, bệnh viện đỡ quá tải.

Theo đó, Bộ Y tế đã làm việc với phía BHXH VN, làm sao các giấy tờ thủ tục yêu cầu bệnh nhân phải giảm đi. Trước đây bệnh nhân BHYT phải có 6 chữ ký mới được thanh toán, nay giảm xuống còn 4 chữ ký, các biểu mẫu phải giảm hơn nữa để bệnh nhân không phải đi photo giấy tờ nhiều.

Theo quy định mới, bệnh viện không để người bệnh tự photo giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT và giấy chuyển viện. Nếu có nhu cầu về việc này, bệnh viện phải tự thực hiện.

Trong các bệnh viện hiện nay, các khoa, phòng không được sắp xếp hợp lý. Do đó, nảy sinh tình trạng có bệnh nhân khám ở cuối viện nhưng cứ mỗi lần đóng tiền lại phải quay lại khu vực đầu bệnh viện nộp tiền.

Bộ Y tế cho biết, quy trình khám bệnh thông thường hiện nay đối với các bệnh nhân BHYT tại các bệnh viện gồm 12 bước. Việc nhiều quy trình (mà quy trình nào cũng phải đóng phí) khiến bệnh nhân phải đi lòng vòng quá nhiều và chỉ tính riêng thời gian chờ đợi có khi đã mất đến cả ngày trời.

Tại hội nghị giảm tải bệnh viện được tổ chức ngày 22/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân phải mất thời gian rất nhiều ở khâu đóng tiền, nộp phí cận lâm sàng cũng như thanh toán BHYT.

Chỉ tính riêng việc đi nộp tiền đã khiến bệnh nhân và cả bệnh viện mất rất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, các bệnh viện lý giải họ không thể làm khác do nếu không thu tiền trước thì bệnh viện sẽ rơi vào thế bị động, nhiều lần họ đã phải bỏ tiền ra bù vào do bệnh nhân “bùng” viện phí.

Không thu tiền trước, khám bệnh sau

Ngày 22/4 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn Quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện” nhằm làm giảm nỗi khổ của các bệnh nhân ở khâu đóng tiền, gộp nhiều bước với nhau để người bệnh chỉ phải đóng tiền một lần.

{keywords}
Bệnh nhân chờ nộp tiền vào khám bệnh tại BV Bạch Mai

Một trong những nguyên tắc khi ban hành hướng dẫn này là phải đơn giản hóa thủ tục liên quan đến chi trả và đồng chi trả viện phí, tránh nộp viện phí nhiều lần (như hiện nay).

Theo đó, thay vì đóng tiền tạm ứng ngay ở khu vực tiếp đón người bệnh thì người bệnh BHYT chỉ cần xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh, hồ sơ chuyển viện hoặc giấy hẹn tái khám, sau đó nhận phiếu khám bệnh và số thứ tự tại buồng khám.

Việc đóng tiền tạm ứng ở khu vực đón tiếp người bệnh chỉ áp dụng với những đối tượng vượt tuyến, trái tuyến, người bệnh có nguyện vọng khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Sau khi tiến hành đầy đủ các bước khám lâm sàng, chẩn đoán thì lúc này người bệnh BHYT mới phải thanh toán phần đồng chi trả, nhận lại thẻ BHYT rồi lĩnh thuốc.

Như vậy, quy trình khám bệnh đã được rút ngắn xuống chỉ còn 4 bước và người bệnh chỉ phải đóng tiền ở bước thứ 3, chấm dứt việc đóng tiền rải rác ở nhiều khâu như trước đây.

Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những thủ tục không cần thiết, giúp cả người bệnh lẫn cán bộ y tế tập trung khám chữa bệnh trong thời gian ngắn hơn, hiệu quả hơn.

Bệnh viện lo thất thu

Khi hướng dẫn này ra đời, nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết có lẽ sẽ không có khó khăn gì ở khâu thực hiện, chỉ cần thay đổi về mặt kỹ thuật là có thể đáp ứng được yêu cầu mới. Tuy nhiên, điều họ lo lắng nhất là tình trạng bệnh nhân khám xong xuôi xong sẽ bỏ về, không quay lại đóng viện phí.

“Trước khi được lấy lại thẻ BHYT, bệnh nhân phải đóng phần viện phí đồng chi trả. Nhưng với những thẻ BHYT sắp hết hạn, nhiều bệnh nhân sẵn sàng bỏ thẻ. Thậm chí thẻ còn hạn nhưng do số tiền phải đóng tương đối lớn nên họ cũng không lấy lại mà về luôn.

Như vậy thì bệnh viện sẽ lấy nguồn nào để bù vào? Chúng tôi cũng phải làm việc với phía bảo hiểm để dự phòng hết những trường hợp có thể xảy ra”, lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội cho biết.

Cẩm Quyên