- Sau khi sát hại ông xã Đội phó vì cho rằng ông này dan díu với vợ mình, ông Trịnh bỏ trốn suốt hơn 20 năm. Lấy vợ mới, có thêm những đứa con khác, sau 20 năm trốn nã, khi mái đầu đã bạc trắng, tấm lưng đã còng, ông Trịnh phải đền tội vì những gì mình đã gây ra.
Quá khứ tội lỗi
Ngày 14/5, TAND Thành phố Hà Nội đưa bị cáo Phạm Văn Trịnh (SN 1951, trú tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xét xử tội Giết người.
Gây án cách đây hơn 20 năm, đến khi mái đầu đã bạc trắng, tấm lưng đã còng, ông Trịnh đã phải nhận án tử hình vì tội lỗi mà mình đã gây ra.
Quay ngược thời gian, vào năm 1980, ông Trần Văn Quỹ (SN 1952, trú tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Sơn Bình cũ), là xã Đội phó xã Đông Phương Yên bị đồn thổi đã dan díu với người vợ thứ hai của ông Trịnh.
Ông Qũy cùng từng giải quyết vụ Phạm Văn Trịnh gây rối trật tự công cộng. Lần đó, ông Quỹ đuổi theo bắt nhưng Trịnh bỏ chạy nên đã dùng súng bắn làm gót chân Trịnh chảy máu.
Bị cáo Trịnh tại tòa. |
Đến ngày 28/1/1981, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) ký quyết định đưa ông Trịnh đi tập trung cải tạo, thời hạn 3 năm. Vì tất cả những chuyện trên mà ông Trịnh đem lòng thù tức ông Quỹ.
Khoảngg 21 giờ ngày 17/9/1991, ông Trịnh đi xe đạp đến quán thịt chó cùng em trai là ông Phạm Văn Tứ (SN 1956). Khi cả hai đang ngồi ăn uống thì thấy ông Quỹ đi bộ một mình vào quán.
Sẵn thù tức, trong lúc uống rượu, ông Trịnh nói vọng sang bàn ông Quỹ: “Mày còn nợ tao, trước mày làm xã Đội phó, mày bắn tao, bắt tao đi tập trung cải tạo”.
Lúc đó ông Quỹ điềm đạm nói: “Đây là việc của chính quyền, không phải cá nhân tôi”. Ông Trịnh bực bội đáp: “Vì mày có ý kiến nên tao mới bị bắt đi cải tạo”.
Sau khi lời qua tiếng lại, ông Trịnh đứng dậy đi vào quầy bán hàng nhà ông Thẻ lấy 1 con dao nhọn, đâm thẳng vào ngực trái ông Qũy khiến ông này loạng choạng đi ra cổng quán. Thấy ông Quỹ bị thương phải dựa lưng vào tường, ông Trịnh đâm tiếp nhát nữa vào ngực phải khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi gây án, ông Trịnh cầm dao đến nhà ông Đỗ Mạnh Tảo (SN 1947, trú tại xã Đông Phương Yên), làm nghề xe ôm, khống chế bắt ông này đưa ra Văn Điển để bỏ trốn.
Trịnh bỏ vào tận xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam làm thuê để trốn tội. Trong thời gian sinh sống tại đây, Trịnh lấy tên là Nguyễn Văn Thành, quê Hòa Bình.
Đền tội
Ngày ông Trịnh gây án, đứa con nhỏ của ông ta với người vợ thứ hai mới được một tuổi. Sau nhiều năm trốn nã, sống chui lủi, đến năm 1993, ông Trịnh lấy tiếp người vợ thứ ba là bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1970, quê Quảng Nam), nhưng không đăng ký kết hôn.
Cảm thấy bất an về quá khứ tội lỗi, đến năm 2000, ông Trịnh chuyển cả gia đình vào xã Phước Bình, huyện Long Thành, Đồng Nai, để sinh sống. Suốt thời gian bỏ trốn, thỉnh thoảng ông Trịnh vẫn liên lạc với gia đình.
Sau hơn 20 năm lẩn trốn, sống bằng một cái tên mới, ngày 7/9/2012, ông Trịnh bị bắt theo lệnh truy nã.
Bị tóm sau 21 năm lẩn trốn, ông Trịnh ngỡ ngàng cho tay vào còng trước sự bàng hoàng của người vợ thứ ba.
Vợ thứ ba và con của ông Trịnh không thể ngờ rằng, người chồng, người cha vốn điềm đạm ít nói của họ lại là một kẻ giết người và có tên thật là Phạm Văn Trịnh, quê Chương Mỹ, Hà Nội chứ không phải là Nguyễn Văn Thành, quê Hòa Bình.
Trong suốt ngần ấy năm chung sống với người vợ thứ ba, chỉ duy nhất một lần cãi nhau với vợ ông ta buột mồm nói mình tên thật là Trịnh chứ không phải là Thành.
Khi đó, bị vợ gặng hỏi có phạm tội tày đình không mà phải thay tên đổi họ, ông Trịnh chột dạ nhưng vẫn giấu không cho vợ con biết về quá khứ đen tối của mình.
Suốt chừng hơn 20 năm, ông Trịnh tin rằng, vụ án mà mình gây ra đã “chìm xuồng”, bởi chính người vợ thứ hai của ông ta cũng nghĩ rằng chồng mình đã chết. Vợ thứ hai của ông Trịnh tưởng rằng, xác người đàn ông (bị phân hủy) trôi sông mà người ta từng tìm thấy ở Sơn La cách đây nhiều năm chính là chồng mình.
Ngày ông Trịnh phải ra tòa đền tội, người vợ thứ hai của ông ta cũng đến dự. Sau nhiều năm mất liên lạc của chồng, ngày gặp lại chồng, bà không ngờ nó lại oái oăm đến vậy.
Nhìn mái tóc bạc, tấm lưng còng của chồng run rẩy trước vành móng ngựa, bà buông tiếng thở dài, đôi vai trùng xuống.
Nhận án tử, bước ra khỏi phòng xét xử, ông Trịnh bước đi thật nhanh, không cả đưa mắt về phía người vợ cũ và hai đứa con của người vợ cả đang đưa những đôi mắt ái ngại nhìn theo chồng cũ và cha mình...
T.Nhung