- “Việc lái xe của một số DN thời gian gần đây đã dùng nhiều “chiêu trò” để “móc túi” hành khách là hình thức “khủng bố” đối với chất lượng dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn thủ đô Hà Nội”, ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.

Theo ông Hùng, để xảy ra tình trạng trên là do các đơn vị taxi đang quản lý theo hình thức khoán cho lái xe.

Cụ thể, một số đơn vị kinh doanh chỉ đầu tư phương tiện, đăng ký kinh doanh rồi khoán trắng cho lái xe tự tung, tự tác. 

Các đơn vị này chỉ quan tâm đến doanh thu lái xe nộp về, chứ không quan tâm đến công tác quản lý và kiểm soát chất lượng.

Từ đó, dẫn tới người lái xe phải tự xoay sở bằng mọi cách để nộp đủ mức khoán và duy trì thu nhập đủ sống nên khó tránh khỏi hiện tượng một số lái xe thiếu đạo đức, gian lận tiền cước, “bắt chẹt” hành khách, chạy nhanh vượt ẩu, dừng đỗ bừa bãi…

{keywords}

Một số hãng taxi dù ở Hà Nội đang là nỗi ám ảnh đối với hành khách.

Thực tế, hơn một năm trở lại đây, Hà Nội có đưa ra biện pháp dán tem taxi để chống xe ‘dù”. Theo ông Hùng, giải pháp này tuy hiệu quả nhưng để kiểm tra tem thật hay giả lại rất tốn công sức. 

Do vậy, lực lượng Thanh tra giao thông gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và “thanh lọc” những đơn vị kinh doanh taxi chưa đúng quy định, bát chẹt khách.

Hiện nay, Nghị định 91, 93 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ GTVT ban hành đã tạo điều kiện cấp phép rất dễ trong việc đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đôi khi đây chính là kẽ hở dẫn đến việc số lượng xe taxi phát triển quá nhanh và hoạt động bát nháo. 

Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép kinh doanh taxi thì cũng hoàn toàn có thể rút phép.

“Luật pháp có đủ quy định và đủ điều kiện để quản lý, nhưng quan trọng là có làm hay không? Bảo quản lý taxi khó, đương nhiên là khó, nhưng khó không có nghĩa là bất khả. Ở đây cần phải khẳng định, cơ quan quản lý Nhà nước đã làm tốt trách nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra hay chưa bên cạnh việc cứ kêu ca doanh nghiệp và lái xe làm chưa đúng”, ông Hùng nói.

Cũng liên quan đến những “lỗ hổng” trong quản lý taxi, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó gián đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, tới đây sẽ có quy định mỗi doanh nghiệp kinh doanh taxi phải có bao nhiêu xe thì mới được kinh doanh. 

Ngoài ra, xe dùng để kinh doanh taxi sẽ phải sơn màu theo quy định cũng như bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình…

Đặc biệt, để hoạt động taxi thủ đô đi vào khuôn khổ, ông Linh cho biết, Sở đã xây dựng một quy định về quản lý taxi để trình UBND TP phê duyệt. Trong đó, quy định quan trọng nhất là các hãng taxi phải lắp đồng hồ tính tiền có hoá đơn .

“Tới đây, người dân khi đi taxi nhớ lấy hoá đơn từ đồng hồ tính cước. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp taxi làm ăn bát nháo không trốn được thuế, đồng thời nếu xảy ra việc gì thì hành khách sẽ dựa vào hoá đơn trên tay để biết được mình vừa đi hãng taxi nào, đi từ đâu đến đâu bao nhiêu km, biển số xe…”, ông Linh cho biết.

Vũ Điệp

>> Những 'quái chiêu' móc túi khách của taxi Hà Nội