- “Vi khuẩn ăn thịt” người nguy hiểm nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguồn lây truyền bệnh.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) thì vi khuẩn ăn thịt người (vi khuẩn Aeromonas hydrophyla - AH) tuy nguy hiểm nhưng đến nay, phần lớn số bệnh nhân mắc bệnh không rõ đường lây truyền.

Tính đến thời điểm này, Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 11 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người và bệnh nhân ở Thái Bình nhập viện vào tháng 4 vừa qua là bệnh nhân đầu tiên trong năm 2013.
{keywords}

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW



Tuy không rõ nguồn lây truyền nhưng điểm chung của những bệnh nhân này là bị nhiễm trùng huyết và diễn biến rất nhanh. 

Vi khuẩn sẽ khiến các phần thịt ở lưng, mũi, tay, chân,… bị hoại tử nhanh chóng, bệnh nhân dễ sốc.

Trong số 11 trường hợp này, chỉ có 3 trường hợp được xác định có nguyên nhân gây bệnh rõ hơn.

Đó là một bệnh nhân có vết thương ở chân chưa liền nhưng lội xuống cống nước bẩn; một bệnh nhân bị ngạnh cá xiên vào tay khi đang đi bắt cá; một bệnh nhân làm việc trên bè nứa và bị nhiễm khuẩn vì có vết xước trên da.

Do số lượng bệnh nhân còn ít, nguồn lây chưa rõ ràng nên ông Cấp cho biết khuyến cáo của giới chuyên môn về loại vi khuẩn này vẫn còn chưa thống nhất. 

Tuy nhiên, ông Cấp cho biết vi khuẩn Aeromonas hydrophyla (AH) thường xuất hiện ở sông, suối, ao, hồ, thậm chí trong đất. 

Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả là tránh tiếp xúc nước bẩn khi có vết thương, xây xát trên da.

Những người làm nghề thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn như công nhân vệ sinh, cống rãnh, người nuôi cá, tôm… nên có các trang bị phòng hộ phù hợp, đặc biệt nười có vết thương ở tay, chân và thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn thì cần hết sức cảnh giác. 

Hiện nay, do việc chẩn đoán gặp khó khăn, người bệnh nếu dùng kháng sinh trước thì các xét nghiệm về sau khó tìm ra sự hiện diện của “vi khuẩn ăn thịt người” trong cơ thể người bệnh.

Với trường hợp bệnh nhân mới nhất (nhập viện ngày 12/4 vừa qua), bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh và qua cơn nguy kịch. 

Sau 10 ngày, bệnh nhân được chuyển đến Viện bỏng Quốc gia để ghép da do toàn bộ da của cánh tay trái bị hoại tử do tác động của vi khuẩn.

C.Quyên