- Người dân Bến Tre đang xôn xao về vụ ngộ độc thực phẩm khiến cả trăm người bị đau bụng, tiêu chảy. Trong số này, có trên 100 người phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân được xác định là do… bánh mì.

Chịu hết nổi mới nhập viện

Sáng 26/5, chúng tôi có mặt tại bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, nơi đang có 103 bệnh nhân nhập viện điều trị do vụ “ngộ độc bánh mì” làm chấn động dư luận mấy ngày qua.

Theo số liệu của phòng y vụ, 4 ngày qua mới chỉ có 4 bệnh nhân xuất viện, số còn lại vẫn đang nằm điều trị và sức khỏe chưa có dấu hiệu tiến triển tốt.

{keywords}

Các bệnh nhân đang nằm tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Phan Ngọc Sang, ngụ xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre) cho biết, cả hai vợ chồng chị đều đang nằm viện. Hai người nhập viện vào sáng 25/5, tức ba ngày sau khi ăn bánh mì.

Chị Sang cho biết, anh chị ăn 2 ổ bánh mì vào chiều 22/5 và đến rạng sáng thì thấy đau bụng dữ dội. Sáng sớm hôm đó chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc về uống nhưng bệnh không giảm mà tình trạng tiêu chảy, ói mửa còn nặng hơn. Qua ngày hôm sau còn sốt li bì nên chẳng còn cách nào khác là phải nhập viện…

Anh Tâm, một bệnh nhân đang nằm ngoài hành lang bệnh viện cho biết, chiều 22/5 sau khi ăn bánh mì, đến đêm thì xuất hiện triệu chứng ói mửa, tiêu chảy. "Cả nhóm tụi tui ăn 5, 6 ổ và ai cũng thấy đau bụng. Nhưng may là chỉ có mình tôi bị nặng nên giờ vẫn còn nằm đây" - anh Tâm nói.

Anh Tâm cũng cho biết, vừa nhập viện vào chiều tối 25/5, sau ba ngày “gồng mình” với các triệu chứng đau bụng, nôn mửa.

"Tại trưa hôm đó tôi mới ăn cơm bình dân nên tối đau bụng cứ đinh ninh là do cơm, đến khi nhập viện bác sĩ hỏi có ăn bánh mì không thì mới nhớ ra, lúc đó cũng có mấy chục người ăn bánh mì nằm tại đây rồi" - anh Tâm cho biết.

{keywords}

Em Anh Tuấn, một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu

Em Anh Tuấn, một học sinh lớp 11, ngụ tại phường 4, ăn bánh mì hôm trước, hôm sau vào lớp bị sốt li bì và phải bỏ học giữa chừng để đi khám.

"Bác sĩ bán thuốc có khuyến cáo nếu không đỡ thì chiều hôm đó nhập viện điều trị, kết quả là em nhập viện thiệt" - Anh Tuấn kể.

Theo các bác sĩ bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, những bệnh nhân đầu tiên nhập viện điều trị vào sáng 23/5. Đến chiều tối có thêm người nhập viện, khoảng gần 20 người.

"Nhưng đến ngày 24 và 25/5 thì số bệnh nhân nhập viện tăng lên hàng giờ làm chúng tôi khá lúng túng" - một bác sĩ cho biết.

Lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa tập trung điều trị cho bệnh nhân. Riêng khoa Nhiễm, lãnh đạo khoa phải trực 24/24 giờ dù hai ngày 25, 26 là ngày nghỉ cuối tuần.

Cũng trong ngày 26/5, bốn ngày sau khi vụ ngộ độc xảy ra, vẫn còn rải rác bệnh nhân nhập viện do vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì.

Đóng cửa tiệm bánh mì bị tố gây ngộ độc

Sáng 25/5, sau khi có hơn 80 bệnh nhân nhập viện và ai được hỏi cũng trả lời là đã mua và ăn bánh mì tại tiệm Minh Tuyến (số 308B, đường Đồng Khởi, phường Phú Khương, TP Bến Tre), bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre cho biết, đã yêu cầu cơ sở này đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để chờ cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.

{keywords}

Tiệm bánh mì Minh Tuyến đã tạm thời đóng cửa

Trước đó một ngày, vào sáng 24/5, đoàn kiểm tra của ngành y tế đã kiểm tra toàn bộ cơ sở này và yêu cầu chủ cơ sở tổng vệ sinh dù không phát hiện dấu hiệu nào của tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Chúng tôi buộc phải làm như vậy để cắt nguồn lây lan ngộ độc nếu có" - một thành viên đoàn cho biết.

Theo Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Bến Tre, đến nay có thể khẳng định bánh mì tại tiệm Minh Tuyến là nguyên nhân khiến cả trăm người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó hơn 100 người phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên cụ thể thành phần gì, hay hoạt chất gì trong bánh mì gây ngộ độc thì cần phải chờ kiểm định và kết quả sớm nhất cũng phải 1 tuần mới có.

• Giao Hòa