- Để ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra lâu nay trên địa bàn, chính quyền địa phương đã dùng đến nhiều biện pháp như nổ mìn đánh sạp hầm, bắt và thu giữ các dụng cụ…. Và, biện pháp cuối cùng là dùng thuốc sâu bơm vào các hầm vàng…
Tái diễn khai thác vàng
Tình trạng khai thác vàng tại thôn Cụt Ặc và Tú Tạo, xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) đã “nóng” mấy năm nay.
“Vàng tặc” chủ yếu đến từ các tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… Họ thuê người dân địa phương khai thác tràn lan.
Các hầm vàng vẫn đang được khai thác. |
Các ‘mỏ” vàng cách trung tâm xã không xa. Nhưng để vào được điểm khai thác, chúng tôi phải nhờ tới ông Vi Văn Tường, Bí thư chi bộ thôn Cụt Ặc.
Ông Tường bảo: Hiện nay bãi vàng này có 4 hầm. Mỗi hầm có chiều sâu khoảng 70-80 mét. Cách đây 2 tháng khi chính quyền chưa mạnh tay, người dân lên đây khai thác như trảy hội.
Thực trạng khai thác vàng nơi đây “nóng” đến nỗi lãnh đạo huyện, tỉnh cũng không yên.
Ngày 24/4, Phó Cchủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền có công văn chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Thường Xuân tổ chức lực lượng tập trung giải toả, xử lý dứt điểm ngay tình trạng khai thác vàng trái phép này.
Cuối tháng 4 vừa, cơ quan chức năng đã cho nổ một quả bom nặng 230 kg và hàng chục cân mìn để lấp hang khai thác vàng trái phép, nhưng sau vài ngày, sự việc lại tái diễn.
Theo ghi nhận, sau ngày huyện báo cáo tình trạng lên tỉnh thì người dân vẫn lén lút khai thác.
Thời gian khai thác chủ yếu vào ban đêm. Các đối tượng đào đất, đựng vào bì rồi vận chuyển xuống dưới chân núi đãi.
Người dân ngang nhiên đãi vàng giữa ban ngày. |
Trong lòng hầm vẫn còn nguyên đường vào. Có thể là do các đối tượng khai thác đã đào bới lại sau khi đánh bom.
Miệng hầm được nguỵ trang bằng một hàng rào gỗ chắc chắn để che chắn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Bơm thuốc trừ sâu!
Trao đổi, ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cũng thừa nhận tình trạng.
“Mặc dù chính quyền địa phương đã cử dân quân theo dõi địa bàn. Tuy nhiên, người dân làm lén lút vào ban đêm nên chúng tôi cũng không thể quản lý nổi”, ông Nhang nói.
Dùng thuốc trừ sâu Vophatoc để “diệt” vàng tặc. |
Ông Nhang cũng cho biết thêm, để chấm dứt tình trạng khai thác vàng nói trên, chính quyền xã đã cho bơm… thuốc sâu vào hầm để họ không còn khai thác được nữa.
Tuy nhiên, không hiểu sao sau khi bơm thuốc sâu vào hầm mà đến ngày hôm sau vẫn có người lên khai thác!
Ông Nhang trăn trở: Chỉ vì mỗi năm phải tiêu tốn cả trăm triệu cho việc “đuổi” vàng tặc mà chính quyền địa phương phải làm mọi cách.
Và ông chủ tịch xã chứng minh bằng việc lôi ra 5 lọ thuốc Vophatoc mới mua, bảo: “Loại thuốc này độc lắm. Hôm nọ tôi cho người vào hầm phun thuốc mà người phun chảy cả máu mũi. Lần này mua thêm 5 lọ nữa đổ vào hầm vàng thì may ra người dân mới không dám vào”.
Việc dùng thuốc sâu “diệt” vàng tặc, người dân ở đây cho biết rất nguy hiểm. Bởi, hàng trăm hộ dân Tú Tạo, Cụt Ặc đều ăn uống bằng nước trên khe, suối.
Hơn nữa, khi mưa xuống, thuốc sâu sẽ tràn xuống ao, ruộng của người dân khiến cá chết, trâu, bò uống nước sẽ bị ngộ độc.
Nói về vụ việc này, bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân khẳng định: “Huyện không chỉ đạo xã dùng thuốc sâu để “diệt” vàng tặc. Sau khi nhận được tin báo, huyện đã yêu cầu xã không được dùng thuốc sâu bơm vào hầm nữa. Nhưng không hiểu sao xã lại tiếp tục mua về, việc này tôi sẽ yêu cầu dừng ngay”.
Về việc tái diễn khai thác vàng, bà Hường cho hay, chủ yếu là dân địa phương do hoàn cảnh đói nghèo nên vẫn lén lút làm. Bà Hường thừa nhận, chính quyền rất khó quản lý.
“Huyện đã gửi báo cáo lên UBND xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị tỉnh báo cáo lên Trung ương để cử chuyên gia về khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ vàng tại Xuân Chinh, từ đó có biện pháp quy hoạch, đưa khai thác vàng tại đây vào quy củ theo sự quản lý của Nhà nước”, bà Hường thông tin.
Lê Anh