- Sau khi đường trên cao vành đai 3 được đưa vào sử dụng thì cũng là lúc nhiều khu vực gầm được Hà Nội tận dụng làm nơi trông giữ xe ngày đêm. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT.
Tai nạn rình rập
Anh Phùng Tuấn Minh (nhà ở Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm) cho biết, mối ngày đi về trên đường Nguyễn Xiển (phía dưới đường trên cao) anh vẫn thường phải chứng kiến những pha “làm xiếc” trên đường khi ô tô, xe máy thường xuyên phải liệng lách, đánh võng tránh xe từ bãi đỗ gầm cầu cạn lao ra.
“Chỉ một đoạn đường chưa đầy 500 m (ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Cầu Dậu) có tới 3 - 4 ngã rẽ do bãi trông xe gầm cầu xẻ ngang dải phân cách. Va chạm giao thông giữa xe từ gầm cầu đi ra và xe lưu thông trên đường là điều khó tránh khỏi…”, anh Phùng Tuấn Minh bức xúc.
Xe từ bãi xe gầm cầu lao ra rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên đường Nguyễn Xiển, |
Theo ghi nhận, tại ngã ba đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Hữu Thọ, Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đã cho quây bạt tôn che kín khu gầm cầu làm khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông nên va chạm, tai nạn giao thông cũng thường xuyên xảy ra.
Anh Minh làm nghề xe ôm thường đứng bắt khách ở ngã ba này cho biết: “Ngày nào ở ngã ba này cũng có va chạm giao thông do xe đi qua đây không thể quan sát phương tiện đi ngược chiều. Có trường hợp nặng thì gãy chân tay, nhẹ thì phương tiện cũng bị hư hỏng”.
Ngã ba đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Xiển bị bãi xe che khuất tầm nhìn |
Mới đây nhất, ngày 26/5, chị Nguyễn Thuý Lê ở Gia Lâm đi thăm người quen tại Khu đô thị Linh Đàm. Khi đến ngã ba đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Hữu Thọ thì xe của chị va chạm với một xee máy đi từ đường Nguyễn Xiển rẽ vào đường Nguyễn Hữu Thọ.
Vụ va chạm khiến xe máy bị vỡ yếm, vênh càng, còn chị Lê bị xây xước chân tay. “Rất may tôi chỉ bị nhẹ, nhưng nếu cứ để bãi đỗ xe che khuất hết tầm nhìn của người đi đường như thế này thì chắc chắn còn có nhiều vụ va chạm xảy ra”, chị Lê bức xúc.
Án binh bất động!
Sau khi dư luận bức xúc, Bộ GTVT đã vào cuộc. Đối với mặt bằng gầm đường vành đai 3 trên cao từ nút giao Pháp Vân đến Bắc hồ Linh Đàm và khu vực Cầu Dậu; khu vực nút giao Pháp Vân, Bộ GTVT đã có yêu cầu Thành phố Hà Nội phải tiến hành giải tỏa trước ngày 30/5.
Tuy nhiên, cho đến sáng 31/5, ghi nhận của VietNamNet cho thấy gầm cầu cạn vành đai 3 vẫn được trông giữ xe bình thường.
Sáng 31/5, bãi đỗ xe tại khu vực này vẫn chưa được dẹp bỏ. |
Trao đổi với VietnamNet, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết, sau khi Bộ có yêu cầu cho dẹp toàn bộ bãi đỗ xe dưới gầm cầu vành đai 3 và các gầm cầu khác, Hà Nội đã có đề xuất để lại một số khoang cầu không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông làm bãi đỗ xe, do Thủ đô đang rất thiếu bãi đỗ.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT là phải dẹp hết bãi đỗ xe dưới gầm cầu, trả lại đúng hiện trạng ban đầu.
“Để gầm cầu làm bãi đỗ xe chẳng may nếu cháy xe dưới gầm cầu thì chắc chắn phải kiểm định lại toàn bộ dầm cầu và nếu chẳng may để sập cầu thì tai tiếng sẽ rất lớn, nên bất kỳ giá nào cũng phải cho dẹp bỏ...” - ông Huyện nói.
Ông Huyện cũng cho biết thêm, việc dẹp bãi đỗ xe nếu không làm nghiêm túc thì không bao giờ Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh được!
Và thực tế, ngay sau khi đường vành đai 3 trên cao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã yêu cầu trồng cây dưới gầm cầu nhưng Hà Nội lại cấp phép để làm nơi trông giữ xe.
“Mặc dù phản ứng của nhà đầu tư chưa đến mức dừng cấp vốn đầu tư, nhưng họ đang rất kêu về tình trạng để xe dưới gầm cầu vừa mất mỹ quan vừa dễ gây nguy hại đến công trình cầu”, ông Huyện nói.
Vũ Điệp
Cận cảnh gầm cầu bị “xẻ thịt” ở Hà Nội
Bãi đỗ xe gầm cầu: Bộ muốn dẹp, Sở muốn giữ