– Hàng loạt sai phạm của một số lãnh đạo Công an Tiền Giang có dấu của tội hình sự đang bị điều tra làm rõ.


Vi phạm tố tụng, dàn xếp tranh chấp dân sự ngoài địa bàn 

Liên quan đến vụ “tạm đình chỉ công tác 3 sĩ quan công an Tiền Giang” như VietNamNet đã thông tin, chiều 24/11 nguồn tin riêng VietNamNet cho biết, 3 cán bộ gồm: đại tá Ngô Thanh Phong (chánh văn phòng cơ quan CSĐT), thượng tá Nguyễn Văn Nên (nguyên phó chánh văn phòng cơ quan CSĐT, trưởng Công an huyện Châu Thành) và thiếu tá Nguyễn Văn Út (đội trưởng đội tham mưu tổng hợp văn phòng cơ quan CSĐT, công an tỉnh Tiền Giang) đang bị điều tra về hành loạt hành vi sai phạm có liên quan đến 2 vụ án xảy ra 7 – 8 năm trước.


Nguồn tin này cũng xác nhận, mới đây nhất, Viện công tố tối cao đã có báo cáo ban đầu về toàn bộ vụ việc.


Ông Bùi Mạnh Mạnh Lân từng gửi đơn kêu cứu khắp nơi



Cụ thể, cuối tháng 3/2003, một tổ điều tra công an tỉnh Tiền Giang do ông Nguyễn Văn Nên – lúc bấy giờ là Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT  - chỉ huy, đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với ông Đỗ Cao Bằng (Chủ tịch HĐQT công ty CP Gaz Bình Dương, trụ sở tại KCN Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương), ông Nguyễn Đức Bình (uỷ viên HĐQT) và 3 đối tượng khác ngoài xã hội.


Hơn 1 tháng sau, tổ điều tra nói trên tiếp tục bắt khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Hưng Thịnh, trụ sở tại KCN Đồng An) và Phạm Văn Hướng (phó Tổng Giám đốc).

Được biết, cả 7 người nói trên sau đó bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Theo thông tin hồ sơ thì vụ án có liên quan đến việc một số người nói trên thuê băng nhóm giang hồ do Phạm Văn Luông (tự Luông điếc, SN 1952, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – là đàn em dưới trướng của ông trùm "tập đoàn tội ác" Năm Cam – để khống chế, gây áp lực đối với ban Giám đốc công ty CP Gaz Bình Dương trong việc giải quyết nợ nần có liên quan giữa 2 bên.


Thời điểm xảy ra vụ việc là vào tháng 9/2000 nhưng đến 3 năm sau thì 7 bị can trên mới bị bắt giữ. Được biết việc bắt bớ trên là một trong những phần mà cơ quan CSĐT thực hiện để mở rộng điều tra vụ án liên quan đến "tập đoàn tội ác" Năm Cam hay còn gọi là chuyên án 501.


Riêng đối với hành vi của ông Bùi Mạnh Lân, đến giữa tháng 6/2003 thì VKSND tối cao mới phê chuẩn lệnh tạm giam 3 tháng. Sau nhiều quy trình tố tụng dùng dằng giữa các cơ quan tố tụng, đến cuối tháng 8/2003 VKSND tối cao đã giao cho ông Nguyễn Văn Nên các quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam của cơ quan này đối với 3 bị can, trong đó có ông Bùi Mạnh Lân.


Nhưng ông Nên không giao các quyết định trên cho Trại tạm giam công an tỉnh Tiền Giang cũng như các bị can mà báo cáo lên cấp trên tiếp tục tạm giam để mở rộng điều tra các hành vi có dấu hiệu vi phạm hình sự của ông Lân trong các vụ án khác.


Đến ngày 1/9/2003, ông Nên cùng thuộc cấp Nguyễn Tuyến Dũng mới thực hiện các quyết định nói trên. Và như thế ông Lân cùng các đồng sự đã bị tạm giam lố thêm 5 ngày. Đến tháng 8/2004, VKSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với 7 người kể trên.


Sau đó ông Lân đã có đơn kêu cứu lên các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.


Một trong các nội dung khác có liên quan là ông Bùi Mạnh lân đã tố cáo ông Nên và một số điều tra viên của công an tỉnh Tiền Giang đã can thiệp sâu vào một vụ tranh chấp dân sự của ông và vợ chồng Nguyễn Văn Cư – Huỳnh Thị Thu.


Cụ thể nguồn tin của VietNamNet cho hay, thời đểm xảy ra vụ việc giữa những người nói trên đang tranh chấp về một lô đất có diện tích hơn 23.383m2 tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương – vụ án đang được các cơ quan tố tụng dân sự Bình Dương thụ lý giải quyết.


Nhưng khi bắt giam ông Lân, thì ông Nên, ông Dũng cũng đứng ra dàn xếp luôn vụ việc dân sự này. Đặc biệt các điều tra viên đã thu giữ sổ đỏ lô đất do ông Lân giao nộp; lập biên bản trả lại lô đất cho vợ chồng ông Cư – bà Thu; thu giữ hơn 5,2 tỷ đồng do ông Cư nộp mà không trả lại cho phía ông Lân hoặc công ty CP Hưng Thịnh mà 6 năm sau mới ra quyết định xử lý vật chứng, trả số tiền lại cho ông Cư.


Lấy tiền tang chứng gửi ngân hàng lấy lãi lập... quỹ đen


Điều tra riêng của VietNamNet cho biết, số tiền hơn 5,2 tỷ đồng liên quan đến vụ “dàn xếp” tranh chấp lô đất mà ông Cư nộp cho ông Nên, ông Dũng tại công an tỉnh Tiền Giang được tiến hành nhiều lần. Nhưng sau đó các cán bộ này không trả lại cho các đương sự cũng như không ký gửi vào kho bạc Nhà nước.


Theo đó số tiền được niêm phong, không kiểm đếm và được gửi vào kho vật chứng do thủ kho Phạm Văn Út giữ. Cuối năm 2004, ông Nên và ông Dũng được điều chuyển sang Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14 mà này PC45) công an tỉnh, nên mang theo số tiền tang vật và tiếp tục gửi vào kho của phòng.


Công ty CP Hưng Thịnh là một đơn vị đầu tư và phát triện hạ tầng có hiệu quả nhất tại KCN Đồng An nói chung và tại địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung. (Ảnh: Đàm Đệ)
Cuối năm 2007, số tiền trên lại được Nên, Dũng lấy ra gửi vào tài khoản của phòng do 2 cán bộ này lập tại kho bạc tỉnh.

Bên cạnh đó, một lượng lớn tiền tang vật trong một vụ án khác cũng được một số cán bộ chiến sĩ công an Tiền Giang sử dụng sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể cuối năm 2002, cơ quan CSĐT công an tỉnh Tiền Giang phanh phui đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô cực lớn do Phạm Thế Hùng (tự Hùng “Xì tẹc”) cầm đầu, hay còn gọi là chuyên án 502X.


Lúc này ông Ngô Thanh Phong – lúc đó là Phó thủ trưởng thứ nhất cơ quan CSĐT – đã phân công điều tra viên Phạm Thế Kim cùng một số cán bộ thuộc Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, công an tỉnh, thụ lý điều tra.


Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan công an đã thu giữ hàng chục tỷ đồng tiền tang vật. Tuy nhiên, sau đó ông

Nguyễn Văn Nên có một số văn bản viết tay chỉ đạo các điều tra viên đem số tiền này gửi vào các ngân hàng tại địa phương với phương thức gửi tiết kiệm có kỳ hạn, để lấy lãi.


Được biết số tiền lãi lên đến hơn 1,3 tỷ đồng được dùng làm quỹ đen của phòng. Cụ thể một số ít trong đó được trích để mua nhiều xe mô tô, đăng ký BKS trắng chia cho lãnh đạo phòng để sử dụng; trang bị máy tính làm việc; chỉ tra khoản nợ khoản 100 triệu đồng do bộ phận đời sống của phòng kinh doanh thua lỗ trước đây…


Đến cuối năm 2004, nguồn quỹ đen được đem ra chia. Được biết tuỳ theo cấp bậc, chức vụ mà mỗi người nhận ít hay nhiều. Nguồn tin của VietNamNet cho hay, người cao nhất được khoảng 24 triệu đồng và mức thấp nhất là 5 triệu đồng/người.


Một nguồn tin riêng khác của VietNamNet, 3 cán bộ đang bị tạm đình chị công tác vì các hành vi sai phạm như nói trên có khả năng phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 281 Bộ luật hình Sự.


Hiện vụ việc đang được cơ quan tố tụng cấp cao điều tra làm rõ.


  • Đàm Tử Duy