- Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa chiều 5/6, phương án thiết kế cầu vượt theo hướng vành đai 1 (Xã Đàn – Hoàng Cầu) có bổ sung cầu nhánh đi từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa đang nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Phải giải quyết được nút giao “ngã 7”

{keywords}

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo phản bác xây cầu vượt 2 – 3 tầng theo hướng Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Ô Chợ Dừa là nút giao thông quan trọng và phức tạp nhất về tổ chức giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội.

Đây là vị trí giao cắt giữa nhiều trục giao thông chính, hiện tại là “ngã 6” và đến cuối năm 2013, khi đoạn tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu thông xe, nơi đây sẽ trở thành “ngã 7”.

Tuy nhiên, công tác tổ chức giao thông qua nút vẫn dùng đèn tín hiệu kết hợp với hành trình đi vòng qua đảo giao thông dẫn đến thời gian và chiều dài đường thông qua nút rất lớn…

Từ kết quả nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các nhà quản lý, khoa học và công luận trong thời gian qua, đến nay, sau khi rà soát lựa chọn, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tổng hợp, đưa ra 6 phương án.  

Trong đó, từ phương án 1 đến phương án 5 cầu vượt đều được thiết kế quy hoạch theo hướng Đông – Tây (Xã Đàn – Hoàng Cầu), riêng phương án 6 đi theo hướng xuyên tâm (Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng).

{keywords}

Phương án xây cầu vượt hình chữ y nhận được nhiều ý kiến đồng tình.

Ông Trần Hữu Sơn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn GTVT (TEDI) cho biết: Nếu triển khai theo phương án 6 thì sẽ mất thời gian và kinh phí do phải GPMB 1.700 hộ dân (4.000m2) để mở rộng làn đường, vì hiện tại theo quy hoạch quận, huyện tại tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, đường chỉ rộng 28 – 31m.

Đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phương án 6 cần tiếp tục được nghiên cứu theo hướng xây cầu vượt 2 – 3 tầng.

Bởi vì, như thế chắc chắn sẽ giải quyết dứt điểm được mâu thuẫn vừa đảm bảo giao thông thông suốt vừa bảo vệ được di tích Đàn Xã Tắc.

Tuy nhiên, xung quanh ý kiến của ông Toàn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, phương án này không đúng quy hoạch, vì đây là nút giao khác mức theo vành đai 1.

Và nếu có làm cầu vượt 2 – 3 tầng tại nút giao này thì quy hoạch cũng không xác định theo phương án này.

Trong 5 phương án được thiết kế theo hướng vành đai 1, có phương án 5 có hầm chui đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc.

Theo phương án này, do chiều sâu khảo cổ khoảng 6m và hệ thống thoát nước dọc đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng ở độ sâu lớn hơn 4m nên độ sâu của hầm đường lớn hơn 11m.

“Phương án này dù phù hợp với quy hoạch, không phá vỡ không gian cảnh quan hiện trạng, nhưng ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, không đảm bảo cao trình tuyến đường và chưa giải quyết được vấn đề giao thông tổng thể đối với nút giao là đầu mỗi của 7 tuyến đường..”, ông Sơn cho biết hạn chế của phương án 5.

Thiên về phương án xây cầu vượt hình chữ y

Trong 6 phương án được đại diện TEDI trình bày, phương án 3 và phương án 4 có điểm tương đồng.

{keywords}

Phương án 3 cũng cần tiếp tục được nghiên cứu.   

Ngoài việc đều được thiết kế theo hướng vành đai 1, thì cả hai phương án đều được thiết kế đi lệch về phía Nam.

Phương án 4 chỉ khác phương án 3 là được thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa và nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1 (theo hình chữ y).

Ông Sơn cho rằng, nếu xây dựng theo phương án 3 sẽ tránh được phần đảo Đàn Xã Tắc, đảm bảo yêu cầu giao thông.

Tuy nhiên, khoảng cách với nhà dân với cầu lại nằm trong giới hạn tối thiểu.

Trong khi đó, phương án 4 vừa phù hợp với quy hoạch, vừa hạn chế ảnh hưởng di tích; về tổ chức giao thông cũng hợp lý và ít ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, phương án 4 được xem là khả thi nhất. Bởi vì, vừa giảm thiểu được xung đột ùn tắc giao thông, vừa đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.

Đặc biệt, phương án này không ảnh hưởng đến các nút giao thông lân cận...

Đánh giá về các phương án TEDI trình bày, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN cho rằng, các phương án chưa đi vào chi tiết, do vậy nếu phương án nào được chọn cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể để có kiến trúc phù hợp…

Tuy nhiên, từ các phương án được trình bày, ông Thọ cho rằng, phương án 4 là phương án tối ưu nhất.

Phương án này không ảnh hưởng đến di tích mà vẫn đảm bảo được lưu lượng giao thông…

Sau khi nghe 18 ý kiến của các nhà quản lý, khoa học và các chuyên gia, ông Nguyễn Thế Thảo đi đến thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu để chọn phương án 3 hoặc phương án 4.

Theo ông Thảo, 2 phương án này đều đảm bảo yêu cầu bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, vừa đảm bảo phát triển giao thông đô thị.

Nhưng, chọn phương án 3 hay phương án 4 thì phải tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học… để đi đến thống nhất cuối cùng.

Vũ Điệp