Tiến sĩ khảo cổ học Nhật Bản Nishimura, người có nhiều đóng góp lớn cho khảo cổ học Việt Nam, đã tử vong trong vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ số 5 (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Sáng ngày 9/6 khi đang đi xe máy hướng từ Hà Nội đi Hải Phòng để xuống khu vực khảo sát chuẩn bị cho một cuộc khai quật mới thì Tiến sĩ Nishimura Masanari gặp tai nạn. Mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhanh chóng nhưng nạn nhân không qua khỏi nguy kịch.

Sau tai nạn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ở Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ gia đình của nhà khoa học Nishimura để chuẩn bị công việc hậu sự cho ông.

{keywords}

Tiến sĩ Nishimura Masanari (Ảnh: Báo Thanh tra)

Được biết, do cả hai vợ chồng ông Nishimura đều gắn bó với Việt Nam nên gia đình có nguyện vọng thực hiện việc tang lễ theo nghi thức của một người Việt. Dự kiến sau lễ truy điệu, hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, tro cốt của ông mới được mang về Nhật Bản.

Tiến sĩ Nishimura Masanari (SN 1965, tại thành phố Shimonoseki, Nhật Bản), là giảng viên Đại học Osaka Nhật Bản. Năm 1990 Nishimura Masanari bắt đầu đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật một số mộ cổ ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Ông đã gắn bó với khảo cổ học Việt Nam suốt 23 năm nay, là người có nhiều đóng góp trong việc phát hiện, nghiên cứu các khuôn đúc trống đồng và mũi tên đồng ở Việt Nam.

Trong suốt hàng chục năm làm việc tại Việt Nam, Tiến sĩ Nishimura Masanari là người đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên.

Đây là mảnh khuôn đúc đồng duy nhất được tìm thấy từ trước tới nay, tư liệu này cho phép khẳng định trống đồng được đúc ra chính tại Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến.

Ông cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam cũng đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu. Từ đó, có thể khẳng định rằng các mũi tên của Việt Nam thời đại kim khí, cụ thể ở đây được định niên đại là ở thời kỳ An Dương Vương, được sản xuất tại chỗ.

Sự ra đi của vị Tiến sĩ đáng kính đã khiến nhiều người, đặc biệt là giới khảo cổ học bàng hoàng.

Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, bạn Hoangnguyen chia sẻ: “Mình có biết Tiến sĩ Nishimura đợt ông về khảo cổ xã Kim Lan, Gia Lâm. Ông nói tiếng Việt rất sõi, vợ con của ông đều sinh sống ở Việt Nam. 2 vợ chồng cùng làm khảo cổ, mình chưa thấy ai tâm huyết với khảo cổ Việt Nam như Tiến sĩ này”.

L.Lam (Tổng hợp)