Biết đông sao không đi chỗ khác?
Sáng 18/3, chúng tôi nhận được điện thoại phản ánh từ người nhà bệnh nhân về thái độ ứng xử của một vài nhân viên y tế tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Bệnh nhân Phan Huy Hoàng vẫn đang trong cơn nguy kịch (Ảnh: Bảo An). |
Phóng viên Báo VietNamNet đã tới bệnh viện gặp trực tiếp bà Phan Thị Trúc và anh Phan Huy Cường quê Bình Định, là mẹ và anh trai của bệnh nhân Phan Huy Hoàng, sinh năm 1985 đang nằm điều trị trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Theo bà Trúc kể lại, con mình nhập viện vào tối ngày 13/3. Các bác sĩ chẩn đoán anh Hoàng bị bệnh tắc tĩnh mạch và có khối huyết trên não.
Sáng 17/3, lúc 8h bệnh nhân được truyền dịch. Bà nghe bác sĩ dặn dò điều dưỡng đến 10h thì thay bình nước truyền.
Tuy nhiên, có thể do nhân viên y tế... quên nên đến giờ mà chưa thay nước truyền cho bệnh nhân. Đến 10h45 phút thì bà Trúc hoảng hốt phát hiện mặt mũi con trai tái nhợt, mắt lờ đờ và lên cơn co giật.
Bà Trúc sợ quá, quýnh quáng đi kêu bác sĩ thì bị mắng là "sao kêu hoài". Mãi cho đến 12h30 mới có 2 sinh viên thực tập được cử đến để rút kim và thay nước truyền cho anh Hoàng.
Của đáng tội là hai sinh viên thực tập cứ loay hoay, hết rút kim ra lại tra kim vào mà không cách nào đâm trúng được chiếc kim vào đúng ven làm dịch truyền chảy ra ngoài và tay bệnh nhân thì bầm tím, chảy máu.
Lo cho em trai, chị gái của bệnh nhân chạy đi tìm điều dưỡng đến thì mới biết dây truyền bị hở và phải đổi dây khác. Như vậy, đến gần 13h anh Hoàng mới được cắm kim truyền dịch xong.
“Quá bức xúc, tôi phàn nàn rằng bệnh nhân nguy cấp như thế mà bác sĩ cứ bình chân như vại, hỏi người này lại chỉ sang người kia. Một lát sau bác sĩ tên H. xuống xin lỗi. Tuy nhiên, thái độ của bác sĩ không mấy thiện cảm. Bác sĩ nói với tôi rằng "bà biết bệnh viện chật chội, đông người, không chăm sóc được chu đáo mà sao còn đưa con bà đến đây, sao không chuyển sang viện khác mà nằm…Bệnh của con bà đau đầu, co giật là bình thường, bây giờ bà hiểu rồi thì đừng gọi bác sĩ nhiều nữa nhé!” – bà Trúc ứa nước mắt kể lại trong uất ức.
Anh trai của bệnh nhân thấy thái độ của bác sĩ với mẹ mình như vậy đã vô cùng phẫn nộ. Anh lên phòng hành chính của khoa, xin gặp bác sĩ có trách nhiệm để phản ánh thì bị một bác sĩ tên là Q. đuổi ra ngoài.
“Ông bác sĩ này còn ra tận khu nuôi bệnh nhân để đuổi tôi trong giờ thăm nuôi” – anh Cường nói.
Bà Trúc và anh Cường cho biết rất phiền lòng, thực sự bị sốc về cách xưng hô của bác sĩ H. “bà, tôi” với người lớn tuổi cũng như thái độ ứng xử của các bác sĩ.
"Xử bác sĩ ai dám điều trị tiếp cho bệnh nhân?"
Tìm hiểu rõ hơn, trong vai em họ bệnh nhân, cùng với anh Phan Huy Cường chúng tôi đến gặp Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tài, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy để nghe giải thích sự việc.
Bằng thái độ bình tĩnh, bác sĩ Tài chậm rãi rút ra một cây bút và tờ giấy, yêu cầu người nhà bệnh nhân trình bày phản ánh.
Sau đó, bác sĩ Tài hỏi anh Cường: "Anh là anh trai của bệnh nhân mà sao tôi chưa gặp anh bao giờ? Tôi xuống khám ở phòng trực cấp cứu có thấy mặt anh đâu? Anh biết gì về bệnh của em mình chưa?”.
Sau hàng loạt câu hỏi, bác sĩ Tài tiếp tục: “Nhiều bác sĩ nói với tôi em trai anh chắc chắn chết. Tuy nhiên, sau khi khám tôi nói chưa chết được, nếu chết cũng không phải lúc này nếu nó được điều trị tốt”.
Giải thích về tình trạng nặng nề của bệnh nhân, bác sĩ mới bàn tiếp đến vấn đề ứng xử của nhân viên mình: “Tôi sẽ yêu cầu bác sĩ H. và Q. viết bản tường trình. Việc quan trọng bây giờ là cứu sống bệnh nhân nên tôi cũng không thể ra quyết định nặng hơn được. Nếu xử bác sĩ nặng ai dám điều trị cho em trai ông nữa, rồi ai sẽ cáng đáng 70, 80 bệnh nhân đang nằm ở đây? Ông phải bình tĩnh, ông bực dọc thì làm được gì?”.
Tiếp đến, anh Cường thắc mắc tại sao sinh viên thực tập thực hành trên bệnh nhân mà không thấy có người hướng dẫn, bác sĩ Tài đáp: “Có mặt người hướng dẫn là trên lý thuyết. Sinh viên quá đông mà bệnh viện không chỉ có trách nhiệm chữa bệnh mà còn phải đào tạo, nếu có trách thì trách… chính sách”.
Khi tiễn người nhà bệnh nhân Phan Huy Hoàng, bác sĩ Tài hứa sẽ cho đổi bác sĩ điều trị khác, vẫn không quên dặn dò anh Cường phải "suy nghĩ kỹ và bình tĩnh".
Không chỉ riêng gia đình bệnh nhân Phan Huy Hoàng, mà còn nhiều bệnh nhân khác tự hỏi chẳng lẽ vì người nhà mình còn đang nằm điều trị mà phải làm thinh trước những thái độ ứng xử thiếu lịch sự của các bác sĩ? Ngoài ra, cách giải thích, đổ lỗi cho chính sách của bác sĩ Nguyễn Anh Tài đã thực sự thỏa đáng?
Bảo An