- Hiểm họa đã được cảnh báo từ rất lâu; dự án cải tạo sau nhiều năm vẫn “nằm trên giấy”. Vụ nữ sinh tử vong vì nước cuốn trôi phải chăng là ‘nhân tai’, chứ không phải thiên tai?

Nét mặt bàng hoàng, thảng thốt của sinh viên Trần Thị Hoài Thu trong buổi sáng 9/7 tại nhà đại thể bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, tiễn đưa người bạn xấu số Đinh Thị Phương Thảo về quê nhà an nghỉ, có lẽ sẽ là nỗi ám ảnh đối với hàng ngàn sinh viên đang trọ học tại ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM.

Trở lại con đường… chết

Trước mắt chúng tôi, con đường nhựa rộng chừng 3m dẫn vào ký túc xá dài hun hút. Đây là con đường nội bộ trong phạm vi quản lý của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Đường vắng, lượng xe lưu thông không nhiều. Con đường trải dài trên những đốt cống băng qua Suối Nhum.

{keywords}

Taluy dọc theo đường vào ký túc xá sạt lở

Vốn là một con suối tự nhiên, nhưng trải qua bao đổi thay, giờ đây Suối Nhum mang nhiệm vụ thoát nước cho toàn khu vực.

Vậy mà lòng suối ngày càng hẹp đi. Ngày trời nắng ráo, dòng nước đục ngầu bình thản trôi. Nhưng nó sẽ trở nên hung dữ khi trời đổ những cơn mưa to. Nước trên một khu vực khá rộng dồn về đây và dĩ nhiên khi không còn khả năng thoát, chúng sẽ tràn lên bờ.

Dấu tích tàn phá của những cơn mưa lũ vẫn còn hiển hiện nơi đây. Mảng ta-luy đá bị trôi trơ đất. Trên phần đường ngang qua cống không một rào cản báo hiệu. Cây cối trên bờ dưới suối um tùm. Dưới dòng chảy, 3 đốt cống không đủ khẩu độ để nước thoát nhanh.

Người dân nơi đây thuật lại, cơn mưa chiều 8/7 quá lớn. Nước dâng cao ngập cả hai bờ, len vào những thửa đất bà con đang canh tác hoa màu tạo thành một biển nước mênh mông. Trên đường, nước đang cuồn cuộn.

Một cụ già đi xe đạp dừng lại ngại ngùng không dám tiến tới. Một vài người dân thạo đường đã đến đưa cụ qua khỏi vùng bị ngập cũng vừa lúc 3 xe gắn máy trờ tới.

Không còn kịp nữa. 4 người và 3 chiếc xe đã bị rơi thỏm xuống suối. Bà con lại thêm một lần cứu hộ. 4 người thoát chết nhưng 3 xe máy chìm xuống suối sâu.

Những tưởng chỉ có thế, nào ngờ không lâu sau đó, 2 sinh viên trên một chiếc xe máy tiến vào dòng nước xoáy.

{keywords}

Chung quanh cống um tùm cây cối

Sức nước đã nhấn chìm 2 em. Một em được lôi lên từ miệng cống và một em khác cùng chiếc xe được tìm thấy sau 2 giờ  cách đó chừng 50m.

Sinh viên Đinh Thị Phương Thảo tử nạn sau sự cố này.

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận hiện tượng nước tràn bờ đã trải qua nhiều mùa mưa. Theo phản ảnh của người dân, nơi đây không đèn chiếu sáng, không biển cảnh báo và không một ai ứng trực mỗi khi mưa. Có chăng, chỉ là những người dân vì tình người không ai bảo ai cùng đứng ra làm việc nghĩa.

Câu hỏi muôn thủa: Trách nhiệm?   

Phải đến sau cái chết tức tưởi của sinh viên Đinh Thị Phương Thảo xảy ra, sáng 9/7, Trung tâm quản lý đô thị, ban kế hoạch tài chính, ban quản lý dự án thuộc Đại học Quốc gia mới đến hiện trường khảo sát.

Tại đây, ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm quản lý đô thị thừa nhận đã nhận được nhiều thông tin về người dân và sinh viên bị nước cuốn trôi mỗi khi trời mưa.

{keywords}

Ông Huỳnh Thanh Nhân chủ tịch UBND quận Thủ Đức (thứ 2 từ phải sang) cùng BGĐ Đại học Quốc gia tại bệnh viện đa khoa Thủ Đức tối 8/7.

Ông Sang cho biết: do khẩu độ của cống thoát quá hẹp cộng với rác từ thượng nguồn thường xuyên làm bít cống.

“Đã nhiều lần chúng tôi cho nhân công khơi thông dòng chảy nhưng cũng không ngăn được những tai nạn xảy ra” – ông Sang nói.

Dự án cải tạo rạch Suối Nhum đã triển khai từ lâu. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng chưa giải tỏa được nên dự án vẫn còn dậm chân tại chỗ.

Con đường và cống chỉ là hạng mục tạm. Vì thế sau khi sự cố xảy ra, Ban giám đốc Đại học Quốc gia đã chỉ đạo các ban ngành liên quan khảo sát và thực hiên thi công cầu và đường ở khu vực ngang qua Suối Nhum để đảm bảo an toàn cho người và xe qua lại.

Trước mắt cần lắp đặt ngay đèn chiếu sáng, biển cảnh báo và bố trí người ứng trực sẵn sàng cứu hộ vào những lúc mưa to nếu có sự cố xảy ra.

Dư luận hiện đang rất quan tâm về vấn đề trách nhiệm. Khu vực xảy ra tai nạn vừa qua là nơi đã từng có nhiều sự cố.

Thế nhưng đến khi “giọt nước tràn ly” mới có biện pháp khắc phục mà không ai đề cập đến trách nhiệm.

Thậm chí, ngay trong đêm xảy ra tai nạn, ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, lãnh đạo UBND phường Linh Xuân và BGĐ Đại học Quốc gia đến bệnh viện để thăm viếng người bị nạn cũng không ai đề cập đến việc này?

Hiểm họa đã được cảnh báo từ rất lâu; dự án cải tạo sau nhiều năm vẫn “nằm trên giấy”. Phải chăng, đây là ‘nhân tai’ chứ không phải thiên tai?

Trần Chánh Nghĩa