- “Kiểm soát chặt tải trọng xe, ‘soi’ lại chất lượng nhựa đường nhập khẩu, công tác thiết kế và thi công…” . Đây là giải pháp được các cơ quan chức năng và chuyên gia ngành giao thông đưa ra để ngăn chặn tình trạng lún mặt đường và đường đầu cầu (15/7).

Xe quá tải và chất lượng nhựa đường bị “thả nổi”

Là cơ quan quản lý hệ thống Quốc lộ, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Đường bộ (Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT) nhìn nhận tình trạng đường lún vệt bánh xe đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2009.

Tuy nhiên, tình trạng này xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5, tháng 6 vừa qua do đợt nắng nóng kéo dài ở miền Trung.

Số liệu rà soát lún theo vệt bánh xe trên QL 1 từ đầu năm nay cho thấy, đoạn từ Thanh Hoá đến Huế có 70km trên tổng số 620km bị lún theo vệt bánh xe. Đoạn từ Đà Nẵng đến Khánh Hoà có 90km trên tổng số 953km. Trên một số tuyến đường đèo, các vết hằn lún cao 10 - 15cm…

{keywords}

Chất lượng nhựa đường kém đang được xem là một nguyên nhân dẫn đến nhiều tuyến đường bị lún.

Theo ông Dũng, hiện tượng lún đường là do ảnh hưởng của thời tiết và lưu lượng xe quá tải trọng khu vực miền Trung quá lớn.

“Những năm gần đây, xe tải trọng nặng tăng nhanh. Tỷ lệ xe vượt tải quá mức 24 tấn chiếm 49%, 30 tấn chiếm 50%, 40 tấn chiếm 42% và 16% vượt hơn 2 lần mức cho phép dẫn đến việc giữ ổn định cho kết cấu bê tông nhựa rất khó khăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra, 1 xe quá tải 2,5 lần gây áp lực xuống mặt đường tương đương 700 xe tải trọng bình thường”, ông Dũng nói.

Ông Lê Thanh Hà, Phó Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cũng cho biết, lún vệt bánh xe trên đường ngoài nguyên nhân do xe quá tải còn do chưa kiểm soát tốt chất lượng vật liệu...

Công tác giám sát chất lượng khi thi công nền, móng, mặt đường chưa thật tốt, nguồn vốn cho công tác bảo trì còn thiếu...

Trong khi đó, ông Đỗ Công Khái, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng 703 thẳng thắn cho rằng, các tuyến đường cần phải xem xét chất lượng nhựa đang sử dụng. Bởi, thực tế trong quá trình thi công, nhà thầu được giám sát tuân thủ theo quy trình quy phạm, chất lượng cũng như tiến độ hoàn toàn phù hợp nhưng thực tế lún vẫn xảy ra.

Theo ông Khái, hầu hết đường lún xảy ra do hỗn hợp bê tông nhựa không còn phù hợp với các công trình giao thông hiện hành và phải xem xét sử dụng nhựa đầu cầu bằng vật liệu polime.

Khó kiểm soát chất lượng nhựa đường

Theo ông Nguyễn Tuấn Huynh, Phó Tổng giám đốc Cienco 4, lúc nhập nhựa đường về, ngoài chứng chỉ của nhà cung cấp, qua kiểm tra thực tế đều đạt nhưng chỉ tức thời, về sau không thể thẩm định được.

“Đúng là nhựa đường bây giờ có rất nhiều nguồn gốc, ngoài tầm kiểm soát của nhà thầu”, ông Huynh thừa nhận.

Đề cập về nguồn gốc nhựa, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 rất mong muốn Bộ GTVT và các ban ngành liên quan sớm vào cuộc kiểm soát chặt chất lượng nhựa.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết: Cục sẽ tham mưu để Bộ GTVT có các văn bản gửi Bộ Công an, Công Thương, Tổng cục Hải quan yêu cầu hướng dẫn việc quản lý chất lượng vật liệu đầu vào từ mỏ vật liệu, nhập khẩu nhựa đường…

Chỉ ra việc quản lý nhập khẩu nhựa đường còn nhiều khó khăn, ông Dũng cho biết, cách đây chục năm, khi có lô nhựa nhập về, Bộ GTVT phối hợp với Hải quan xem xét lấy mẫu và kiểm soát rất kỹ. Còn hiện nay, Bộ GTVT chỉ biết tin vào chứng chỉ mà nhà cung cấp nhập nhựa mang về.

“Điều đáng lo ngại là không có cơ quan đơn vị nào được giao kiểm soát chất lượng nhựa nhập khẩu…Công tác thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cơ lý của nhựa để kiểm soát chất lượng cũng không được thực hiện đầy đủ, thường chỉ căn cứ vào chứng chỉ của nhà sản xuất”, ông Dũng chỉ ra bất cập.

Vũ Điệp