“Xin các vị lãnh đạo cứ thử xuống đây ăn, ở một ngày với chúng tôi, nếu các vị nói sống được, không ô nhiễm…thì chúng tôi sẽ không khiếu kiện nữa.

Đó là lời bức xúc của một người dân trong buổi đối thoại chiều 19/7 giữa chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng với hơn 160 hộ dân tại 2 thôn Đắc Lộc 1 và 2 (xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) về vụ Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá Khatoco (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt) gây ô nhiễm môi trường và bệnh tật cho họ.

Người dân vẫn “quyết” không di dời

Trước đó, ngày 16/7, hàng trăm người dân ở 2 thôn đã đến trước cổng nhà máy để phản đối tình trạng ô nhiễm. Nhiều người đã hò hét, thậm chí có người quá khích còn ném đá, mắm cá vào khu vực nhà máy..

Tại buổi đối thoại chiều 19/7, thay mặt 160 hộ dân, bà Lê Thị Thiệt chất vấn: “Nhà máy thì hứa hẹn hết lần này đến lần khác sẽ khắc phục ô nhiễm, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Đến khi không giải quyết được ô nhiễm thì đưa ra giải pháp di dời dân. Chúng tôi sống ở đây gần 300 năm, trong khi đó nhà máy mới chuyển về đây được gần một năm. Sao không di chuyển nhà máy, hoặc buộc phải khắc phục ô nhiễm mà lại bảo dân phải đi”

{keywords}

Hàng trăm người tụ tập trước nhà máy để phản đối tình trạng ô nhiễm

Còn chị Trần Thị Minh Trang, cho biết nhà chị cách bức tường nhà máy có 1m, hằng ngày phải chịu những tiếng ồn và khói bụi thoát ra, nhà lúc nào cũng đóng cửa 24/24. Đến bữa ăn cũng khổ sở với khói bụi. Hai đứa con của chị, đứa lớn bị bệnh chảy máu cam, đứa nhỏ thì viêm phổi từ khi nhà máy đi vào hoạt động.

“Chịu không thấu tôi phải lên thành phố thuê nhà, ở được một tháng thì con hết bệnh, nhưng khi quay về được nửa tháng thì bệnh lại tái phát. Chúng tôi biết phía Sở TN&MT nhiều lần xuống kiểm tra, nhưng lần nào cũng nói không ô nhiễm, không có bệnh tật. Nếu như vậy thì xin các lãnh đạo cứ thử xuống đây ăn, ở một ngày với chúng tôi, nếu các vị nói sống được chúng tôi sẽ không khiếu kiện nữa” – lời chị Trang gay gắt.

Cụ Nguyễn Thẳng (78 tuổi) nói: từ khi có nhà máy cụ ho nhiều, khó thở và luôn phải uống thuốc. “Chúng tôi không đòi hỏi về kinh tế, chỉ mong lãnh đạo trả lại môi trường trong sạch cho mọi người. Để con cháu sau này không còn bệnh tật”, cụ Thẳng trình bày

Tại buổi tiếp xúc, hầu hết ý kiến của người dân đều cho rằng, không thể vì một nhà máy gây ô nhiễm mà bắt người dân phải di dời.

“Tổ tiên, dòng họ chúng tôi bao đời ở đây, bây giờ di dời mồ mả ai trông coi. Chúng tôi thà chết chứ không đi đâu cả. Hơn nữa, nếu chỉ di dời 50 hộ dân trong bán kính 50 mét, thử hỏi các hộ dân khác sẽ thế nào. Trong khi đó bụi và mùi hôi cách cả km cũng ngửi thấy. Chúng tôi chỉ yêu cầu trả lại môi trường trong sạch, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân” - ông Lê Tận phát biểu trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của hàng trăm người dân.

Lãnh đạo tỉnh nhận sai…

Trả lời các câu hỏi của người dân, ông Lê Tiến Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Khánh Việt nói: “Thay mặt công ty, tôi xin nhận lỗi trước bà con về vấn đề nhà máy đã gây ra. Trước bà con tôi xin hứa, trong vòng 6 tháng tới sẽ di dời hệ thống nồi hơi (nơi gây tiếng ồn) vào khu vực phía trong cách nhà dân 100m. Sau khi di dời sẽ chấm dứt triệt để tiếng ồn”.

Còn về phần mùi, ông Anh cho biết trong vòng 6-8 tuần tới sẽ di chuyển 50% hệ thống nồi hấp cách nhà dân 150m. Lúc này sẽ giảm 50% lượng mùi so với hiện tại. Trước mắt, công ty sẽ cho xây tường rào ngăn cách với nhà dân lên độ cao 5m.

Tuy nhiên, điều người dân bức xúc nhất là mùi thì ông Anh không dám khẳng định sẽ chấm dứt hẳn. Ông Anh cho biết, chỉ có thể giảm thời lượng hoạt động của nhà máy, chứ không thể ngừng hoạt động được.

{keywords}

Thậm chí tràn vào trong khuôn viên nhà máy, lấy mắm cá tấn công…

Sau khi ông Anh phát biểu xong, người dân đã đồng loạt đứng dậy thể hiện sự bất bình. Họ cho rằng, một là phải di dời nhà máy, hai là ngưng hoạt động cho đến khi khắc phục xong vấn đề môi trường mới được sản xuất trở lại.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận trách nhiệm chính về mình, đồng thời nhận sai về 2 vấn đề sau.

Thứ nhất, đó là việc quy hoạch Cụm công nghiệp Đắc Lộc quá sát dân, không có vành đai an toàn dẫn đến tình trạng ô nhiễm như hôm nay.

“Từ chỗ này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về sau dứt khoát không tái diễn tình trạng như Cụm công nghiệp Đắc Lộc” – ông Thắng khẳng định.

Thứ hai, khi cho xây dựng Cụm công nghiệp Đắc Lộc, tỉnh đã không đánh giá đúng về tác động môi trường. Công tác kiểm tra môi trường nhà máy thuốc lá cũng làm không đầy đủ.

“Tới đây tôi sẽ chỉ đạo quyết liệt cho Sở TN&MT kiểm tra chặt chẽ vấn đề môi trường tại đây, cái nào không đạt nhất quyết phải khắc phục chứ không bỏ giữa chừng như bấy lâu nay. Từ đó tôi thay mặt UBND tỉnh tôi xin chịu trách nhiệm và sắp tới phải khắc phục triệt để vấn đề môi trường cho bà con” - ông Thắng nói.

Ông Thắng chỉ đạo cho lãnh đạo Công ty Khánh Việt phải dừng sản xuất hẳn cho đến khi khắc phục xong các bức xúc của dân, mới được sản xuất trở lại. Cũng theo ông Thắng, đến nay chưa biết nên di dời nhà máy hay di dời dân. Việc này tỉnh sẽ tính toán kỹ trước khi thông báo cho bà con.

Thúy Nguyễn