"Tôi nghĩ rằng sự việc chưa đến mức phải để người dân hoang mang như thế, và nếu có vấn đề gì cũng phải do cơ quan có chức năng phát ngôn. Người dân không nên tin vào những nguồn tin không chính thống".

Mấy ngày qua, trên một số phương tiện thông tin đăng tải thông tin bún, bánh canh nhiễm độc khiến người dân hoang mang. PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM để làm rõ vấn đề này.

Thưa ông, vào ngày 23/7, một số báo chí đã đăng tải kết quả khảo sát chất làm trắng tinopal trong sản xuất thực phẩm tại địa bàn TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN) công bố ngày 22/7. Theo đó, 100% mẫu bánh canh, bánh ướt và bánh hỏi có chứa độc tố. Công bố thông tin thuộc loại “nhạy cảm” như vậy, phía Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN và Sở Y tế TP.HCM đã có buổi làm việc hay liên hệ gì chưa?

Đến nay, Sở Y tế TP.HCM vẫn chưa nhận được kết quả kiểm nghiệm cũng như thông tin về các mẫu xét nghiệm từ Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN.

 

{keywords}

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: VTC.VN

Chúng tôi dự kiến sẽ có cuộc họp với đơn vị này vào thứ 2 tuần tới.

Trước việc bún, bánh canh nhiễm chất độc trên thị trường như trên, trách nhiệm của Sở Y tế nằm ở khâu nào?

Trách nhiệm của Sở Y tế, theo nghị định 38 của Chính phủ bao gồm quản lý thực phẩm chức năng, nước uống, nước khoáng, phụ gia thực phẩm và các bao bì trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm.

Sở Y tế sẽ lấy mẫu giám sát và cảnh báo, sau đó chỉ đạo các đơn vị liên quan có các biện pháp xử lý thích hợp.

Sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai các biện pháp nào đối với mặt hàng bún tươi cũng như các sản phẩm làm từ gạo tương tự để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng?

Sản phẩm này khi đã bày ra chợ thì rất khó truy tìm nguồn gốc. Do đó, quan trọng nhất phải giám sát ngay từ khâu sản xuất.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất lớn, vừa và nhỏ.

Chúng tôi sẽ tập trung vào cơ sở sản xuất lớn trước bởi những cơ sở như vậy tuy số lượng ít nhưng sản lượng lại nhiều.

Không chỉ thế, tên các cơ sở sai phạm còn phải được niêm yết, công bố trên báo đài để người dân biết mà tránh.

Nếu như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế đã phát hiện các mẫu bún không đạt tại các cơ sở. Vậy có thể công bố tên cơ sở sai phạm đó không?

Mẫu thực phẩm được lấy một cách ngẫu nhiên từ chợ. Người bán hàng cũng không hề biết trong bún chứa chất gì.

Chỉ có người sản xuất mới biết mình bỏ chất gì vào đó. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng cần phải tìm ra cơ sở sản xuất mới giải quyết được vấn đề.

Theo thông tin đăng tải vài ngày qua, bún mua ở chợ cũng có thể nhiễm độc, ngay cả ở siêu thị cũng có thể nhiễm độc. Vậy người dân nên lựa chọn sản phẩm bún thế nào?

Bún mua ở chợ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, bún mua trong siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. Ít ra ta cũng biết cơ sở làm ra bún ở đâu.

 

{keywords}

Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, điều kiện kinh doanh bảo quản thực phẩm trong siêu thị cũng tốt hơn ngoài chợ. Tốt nhất trong giai đoạn này người dân nên mua bún trong siêu thị.

Khi biết thông tin bún nhiễm độc nhiều người dân rất hoang mang, thậm chí không dám mua và ăn bún?

Tôi nghĩ rằng sự việc chưa đến mức phải để người dân hoang mang như thế, và nếu có vấn đề gì cũng phải do cơ quan có chức năng phát ngôn.

Người dân không nên tin vào những nguồn tin không chính thống.

Xin ông cho biết từ đầu năm tới nay Sở Y tế đã triển khai các biện pháp nào để giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó phát hiện những gì còn tồn tại?

6 tháng đầu năm 2013, chúng tôi đã tổ chức thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Kết quả có 973/5094 mẫu không đạt.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lấy 81 mẫu (hướng dương, chén nhựa, hộp xốp, trà sữa, bún tươi, dừa tươi, trà sữa…) và phát hiện 27 mẫu không đạt.

 

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết có kế hoạch đi lấy mẫu giám sát bún và các sản phẩm làm từ gạo từ đầu năm nhưng số lượng không nhiều.

Vừa qua, đơn vị này phát hiện 7 mẫu không chỉ có chất tinopal mà có cả natri benzoate và nhiều chất khác nữa.

Riêng chất tinopal phát hiện trong bún có hàm lượng từ 1 – 4 ppm (mg/kg). Với hàm lượng như vậy một người bình thường phải ăn 1 kg bún thường xuyên mỗi ngày mới gây bệnh.

Theo các chuyên gia về an toàn về sinh thực phẩm, chất tinopal được cho vào bún chỉ để tạo màu óng ánh cho đẹp. Thực chất hành động này có thể gọi là lạm dụng phụ gia thái quá.

Bên cạnh đó, có thông tin khuyến cáo người dân dùng đèn cực tím như đèn soi tiền chiếu vào bún, bánh canh, nếu thấy bún phát sáng thì có nhiễm chất tinopal là chưa có cơ sở. Các chuyên gia cho rằng có rất nhiều chất chứa huỳnh quang khi soi đèn phát sáng nhưng chưa chắc đó đã là tinopal.

Xét nghiệm tìm kiếm chất tinopal rất phức tạp. Hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn thường quy về xét nghiệm với chất này. Hiện tại, các đơn vị tổ chức xét nghiệm đều phải sử dụng phương pháp từ nước ngoài nên việc cảm nhận chất tinopal bằng cảm quan là thiếu cơ sở khoa học.

Thanh Huyền (thực hiện)