Các chuyên gia về vắc xin cho biết Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vắc xin thế hệ cũ nên tỷ lệ phản ứng cao và khuyến cáo Nhà nước cần tăng cường đầu tư để trẻ được sử dụng vắc xin thế hệ mới, giảm tai biến sau tiêm chủng.
Vắc xin quá cũ!
Những lo ngại về vấn đề vắc xin tiếp tục được đưa ra tại hội thảo “Sử dụng văcxin chất lượng, an toàn và hiệu quả” do Liên hiệp Hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội, Sở Y tế, Hội Y học TP Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/7.
Thông tin tại hội thảo cho thấy các loại vắc xin đang lưu hành tại nước ta đều đạt tiêu chuẩn an toàn về chất lượng của Việt Nam và quốc tế, nhưng một số vắc xin đang sử dụng thuộc thế hệ cũ nên tỷ lệ phản ứng sau tiêm thường cao hơn so với vắc xin thế hệ mới.
Dù được xác định là công cụ hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh chủ động nhưng đầu tư cho vắc xin của Việt Nam còn quá thấp khi mà nhiều trẻ vẫn đang phải sử dụng vắc xin thế hệ cũ có tỷ lệ phản ứng sau tiêm cao (như Quinvaxem) ả |
PGS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia lấy vắc xin ho gà và bại liệt làm ví dụ.
“Vắc xin ho gà toàn tế bào chứa 3.000 kháng nguyên, khi đưa vào cơ thể trẻ thì cơ thể trẻ phải phản ứng với 3.000 kháng nguyên này, tất yếu khiến những phản ứng như sốt, đau sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, vắc xin vô bào chỉ có 3-5 kháng nguyên, an toàn hơn rất nhiều. Hay như vắc xin bại liệt, Việt Nam hiện vẫn dùng vắc xin đường uống trong khi WHO từ lâu đã khuyến cáo phải chuyển sang dùng vắc xin đường tiêm để đảm bảo an toàn”, ông Hiển cho hay.
Ông Hiển cũng đưa vắc xin Quinvaxem (hiện vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam) ra làm ví dụ minh họa.
Trong khi Hàn Quốc sản xuất ra vắc xin này thì bản thân họ cũng không dùng mà chuyển sang dùng vắc xin thế hệ mới để đảm bảo an toàn.
Còn trên thực tế, việc tiêm chủng dịch vụ với vắc xin thế hệ mới cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể so với việc sử dụng vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết 2 loại vắc-xin dịch vụ (5 trong 1 và 6 trong 1) của Pháp và Bỉ đã được sử dụng trong nhiều năm nay, song chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng bất thường nặng sau tiêm.
Trong khi đó, cũng với vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng thì chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước đã có 5 trường hợp tử vong sau tiêm.
Đầu tư cho vắc xin còn quá thấp
Bên cạnh việc thảo luận để làm thế nào sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả thì các chuyên gia cũng khuyến cáo Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho vắc xin để giảm tai biến trong tiêm chủng.
Trẻ tiêm vắc xin thế hệ mới (vắc xin dịch vụ) tại Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội từ nhiều năm nay nhưng không có trường hợp nào gặp tai biến nặng. Trong khi đó, với vắc xin thế hệ cũ (Quinvaxem) trong chương trình tiêm chủng mở rộng, 3 tháng đầu năm 2013 đã có 5 trẻ tử vong |
Hiện nay, dù được xác định là công cụ tốt nhất để chủ động phòng chống dịch bệnh và chương trình tiêm chủng mở rộng sau 25 năm đã có những thành quả lớn, thì việc đầu tư cho vắc xin của Nhà nước đang ở mức thấp đáng ngại.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo thì ngân sách nhà nước cấp cho mua vắcxin hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, số còn lại là phải trông chờ vào viện trợ của quốc tế.
Ngay cả với vắc xin viêm não Nhật Bản và vắc xin bại liệt thế hệ mới, dù Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhưng đang thiếu kinh phí để tiến hành thử nghiệm trên thực địa trước khi đưa vào tiêm cho trẻ.
Sau khi vắc xin Quinvaxem bị tạm ngừng lưu hành vào đầu tháng 5 vừa qua, phương án mua vắc xin vô bào (với giá đắt hơn nhiều lần so với vắc xin Quinvaxem) cũng đã được đưa ra với tổng kinh phí dự trù khoảng 700-800 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải “ngậm ngùi” cho biết khoản kinh phí lớn trên sẽ khiến phương án này khó được thông qua. Và đúng như đã được đoán trước, trong thời gian tới, vắc xin Quinvaxem sẽ được đưa trở lại chương trình tiêm chủng mở rộng (sau khi có kết luận “đảm bảo an toàn”).
Trước thực trạng này, các chuyên gia kêu gọi cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho vấn đề vắc xin và cần đầu tư cho cả hệ thống kiểm định chất lượng vắc xin để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cẩm Quyên