Vụ hỏa hoạn khiến 13 người thiệt mạng và 25 người khác bị thương tại xưởng may gia công mũ giày vải Thuận Phát (thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng) xảy ra đã lâu, những người có liên quan đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

{keywords}

Ông Vũ Thanh Tùng - người dân thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân - nhà ở đối diện với xưởng may bị cháy 2 năm trước.


Tuy nhiên, người dân trong vùng vẫn tin vào một lý do khác khiến cho “người âm” tức giận mà “bắt” nhiều người làm ở đó phải chịu tội, đó là lời đồn “ma báo oán” khi “dám cả gan dựng nhà vệ sinh trên mộ người chết”.

Ngọn lửa cháy trên mảnh đất… “chôn người”


Tìm về xưởng giày da tại thôn Đại Hoảng 2, xã Tân Dân - nơi xảy ra vụ cháy kinh hoàng xảy ra vào ngày 29.7.2011 khi trời đã nhá nhem tối - chúng tôi tìm tới nhà đối diện của ông Vũ Thanh Tùng.

Từ khi vụ hỏa hoạn dẫn đến chết người xảy ra, nhà xưởng đó bị bỏ hoang, thấy “phí” quá nên ông Tùng đã mượn tạm để làm chỗ chứa chậu cấy cây cảnh và mái phibrôximăng. Khu nhà xưởng bây giờ tối tăm, ẩm thấp, những đống cát và mùi ximăng trộn lẫn vào nhau.

Ông Tùng cho biết, sau khi vụ cháy thảm khốc xảy ra, những người trong làng đã xì xào bàn tán, cho rằng những người trong xưởng may gặp nạn là do sử dụng… nhà vệ sinh được đặt trên mộ người chết.

Hàng loạt những sự kiện khó lý giải đã xảy ra trong làng đã khiến không ít người dân trong làng mỗi khi đi qua khu xưởng may bị cháy là… ù té chạy.

Đặc biệt là chuyện anh Bùi Văn Luyện (46 tuổi, cha của cháu Bùi Thị Huyền - một nạn nhân trong vụ cháy) vốn ít học nhưng bỗng nói tiếng nước ngoài vanh vách, sau đó nổi cơn điên, mê sảng, nói lảm nhảm.

Rồi đột nhiên anh Luyện tự xưng là “cụ tổ” của dòng họ “nhập vong để cứu con cháu”. Thế nên anh Luyện hô hoán gì, chị vợ và mọi người trong họ đều răm rắp nghe theo.

Anh Luyện còn sai con cháu đi mua vàng mã đem đốt rồi rắc quanh nhà và liên mồm mắng: “Sao chúng mày dám tiểu tiện lên đầu người ta?” khiến mọi người thất kinh khi liên tưởng đến nguồn gốc của mảnh đất xảy ra vụ cháy.

Ông Tùng cho biết: “Toàn bộ những ngôi nhà ở hai bên đường thuộc dãy nhà ông đang ở đều được làm trên nền của khu “đám mạ” – nơi an táng người chết và xưởng giày da cũng không nằm ngoài khu đất đó.

Đến năm 1997, khi có chính sách mới, con đường nhựa của xã được mở qua khu đất này, chính vì thế các khu mộ cũng đã được di dời, diện tích đất ở hai bên mặt đường đã được xã tổ chức chia lô bán cho người dân. Từ khi đó khu này trở nên sầm uất hơn”.

Theo ông Tùng, chủ của mảnh đất là Bùi Thị Sự - một người dân trong vùng. Đến cuối tháng 5.2011, Nhiếp Thiếu Phong (SN 1970, quốc tịch Trung Quốc, tạm trú tại thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão) đã thuê mảnh đất này của Sự để mở xưởng may mũi giày gia công tư nhân với giá 4,5 triệu đồng/tháng.

Khi Phong tiến hành đào móng để xây dựng nhà may thì có đào được ở khu đất đó hơn chục bộ hài cốt còn lưu lại, nhưng không hương khói “tạ tội” mà dấm dúi mang ra nghĩa trang cách khu nhà xưởng không xa để chôn cất. Và chỉ sau khi xưởng may đi vào hoạt động được hơn 1 tháng thì xảy ra vụ cháy kinh hoàng.

{keywords}

Ông Tùng chỉ cho xem khu xưởng máy trước kia, bây giờ được ông mượn để làm chậu cây cảnh.

Chưa chứng minh được đặt nhà vệ sinh trên mộ

“Tôi không tin vào chuyện có hồn ma báo oán như người ta nói. Sau khi sự việc xảy ra tại xưởng may, nhiều người sợ không dám bén bảng đến đây nên tôi đã mạnh bạo đề nghị với chính quyền xã cho mượn lại diện tích xưởng may để làm nơi để vật liệu làm chậu cảnh và mái Phibrô ximăng” - ông Tùng kể.

“Từ khi mượn khu đất làm xưởng đến nay, trên nền nhà luôn đổ đầy ximăng, cát, nước… ẩm thấp, bụi bẩn vây quanh nhưng tôi chẳng thấy bất cứ hiện tượng tâm linh nào xuất hiện cả. Tôi cũng chưa một lần tiến hành cúng lễ trên khu đất này. Có lẽ do mọi người sợ quá mà suy đoán lung tung”.

Dẫn tôi sang bên xưởng may trước kia và bây giờ là nơi để vật liệu làm chậu cây cảnh. ông Tùng nói: “Toàn bộ nhà xưởng đều được bao bọc kín bằng tôn lạnh, có làm chống nóng bằng trần nhựa.

So với 2 năm về trước thì nhà xưởng này vẫn thế, không bất cứ một ai dám động đến vì họ sợ bị báo oán. Năm ngoái, mưa bão đã thổi bay mất mấy tấm tôn ở phía dưới của nhà xưởng khiến bây giờ nó trở nên dột nát. Hôm xảy ra vụ cháy, vì ở đối diện nên tôi đã chứng kiến sự việc từ đầu tới cuối.

Hôm ấy, vào cuối buổi chiều có 2 anh thợ hàn leo lên phía đầu mái nhà xưởng để hàn dây chống sét, những hạt lửa hàn bắn ra rơi vào bên trong tấm nhựa chống nóng gây cháy tấm xốp rồi rỏ xuống phía trong nhà xưởng gây cháy các vật dụng.

Vì cháy bắt đầu từ cửa, trong xưởng lại toàn đồ dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh, ép các công nhân vào chạy đến phía cuối. Những người chết phần lớn vì do bị ngạt khí chứ không phải bị chết cháy”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đảm - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão - xác nhận: “Khu đất xảy ra vụ cháy gần 2 năm về trước ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân trước kia chính là nơi dành để chôn cất những người đã khuất.

Chính quyền cũng đã nắm bắt được thông tin xuất hiện những lời đồn mang tính chất mê tín về nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nên sau khi vụ cháy diễn ra, địa phương đã phối hợp với cơ quan công an cùng các nhà sư tổ chức buổi lễ cầu siêu cho 13 nạn nhân thiệt mạng trong đám cháy để trấn an dư luận”.

Ngoài ra, theo ông Đạm, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm về vụ cháy này vào ngày 31.7.2012, hội đồng xét xử đã chỉ rõ nguyên nhân vụ “thảm họa” kinh hoàng là do xưởng may được xây dựng không có lối thoát hiểm, thiếu trang thiết bị phòng chữa cháy.

Đến khi đi vào hoạt động, chính quyền địa phương vẫn không nắm vững xưởng may có được cấp phép xây dựng hay không, có đảm bảo an toàn về lao động, an toàn về phòng, chống cháy nổ hay không?

Chính vì sự quản lý lỏng lẻo đó mà chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm khi để xảy ra vụ cháy này.

Ông Đảm khẳng định: “Không có chuyện hồn ma báo oán trong vụ cháy ở xưởng may, đó là tin đồn hoang tưởng mà người dân thêu dệt. Có thể do anh Luyện thương nhớ con mình quá mà bị ảnh hưởng đến tinh thần, nói năng lung tung.

Chẳng ai có thể tin vào điều nhảm nhí đó để đào nơi đặt nhà vệ sinh nhà xưởng lên mà xem ở đấy có hài cốt người đã khuất thật hay không, đó cũng không phải là trách nhiệm của cơ quan chức năng”.

(Theo Lao động)