"Hầu hết các tác dụng phụ của vắc-xin là rất nhỏ và không kéo dài, chẳng hạn như bị đau ở vết tiêm, phát ban hay sốt nhẹ. Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin có xảy ra nhưng cực kỳ hiếm...".

Trước tình trạng nhiều tai biến xảy ra sau tiêm chủng trong thời gian qua, đặc biệt là chùm ca bệnh 3 trẻ sơ sinh cùng tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại Quảng Trị, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam về vấn đề này.

Sốc phản vệ sau tiêm chủng là "cực kỳ hiếm"

Sau sự cố vắc-xin viêm gan B tại Quảng Trị, Bộ Y tế Việt Nam có liên hệ gì với WHO để đề nghị hợp tác, giúp đỡ tìm ra nguyên nhân không?

WHO đang liên lạc với Bộ Y tế của Việt Nam và đang giám sát tình hình rất sát sao. Chúng tôi được biết Bộ Y tế Việt Nam ngay lập tức đã cho điều tra theo như quy trình tiêu chuẩn.

{keywords}

WHO cho biết tỷ lệ sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin là “cực kỳ hiếm”

Cuộc điều tra này bao quát rất nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm sức khỏe của trẻ em, các điều kiện của bệnh viện, bản thân loại vắc-xin, và các hoạt động tiêm chủng.

WHO sẽ nghiên cứu bản báo cáo chi tiết của Chính phủ Việt Nam ngay khi có.

Qua theo dõi, WHO Việt Nam nhận định, đánh giá thế nào về việc xảy ra chùm tai biến 3 trường hợp cùng lúc, cùng các biểu hiện ở Quảng Trị vừa qua?

WHO đã nhận được thông tin từ cuộc họp của Ủy ban Hướng dẫn Quản lý Tiêm chủng chứ không phải là các báo cáo hoàn chỉnh từ các cuộc điều tra tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ cung cấp bình luận sau khi có thông tin đầy đủ và nghiên cứu kỹ các bản báo cáo.

Nên lưu ý là trong mọi quy trình y tế đều chứa đựng rủi ro từ những tác động bất lợi, và với vắc-xin cũng vậy.

Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ của vắc-xin là rất nhỏ và không kéo dài, chẳng hạn như là bị đau ở vết tiêm, phát ban hay sốt nhẹ.

Sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin có xảy ra, nhưng cực kỳ hiếm. Đối với vắc-xin viêm gan B, cứ một triệu lần tiêm chủng thì tỉ lệ sốc phản vệ chưa tới 1,1 lần.

Chúng tôi nghĩ rằng, việc điều tra sẽ mang lại nhiều thông tin làm sáng tỏ nguyên nhân chính gây ra các vụ tử vong.

Trẻ nên tiêm viêm gan B trong 24 giờ sau sinh

Hiện đang có ý kiến tranh luận về việc nên hay không tiêm sớm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ? Luồng thứ nhất cho là nên tiêm vì khả năng phòng bệnh tốt. Luồng thứ 2 lo ngại trẻ sơ sinh chưa thích nghi kịp với môi trường bên ngoài. Ý kiến của WHO Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Việc khuyến khích tiêm chủng vắc-xin phòng chống viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi ra đời là dựa trên các tham vấn với các chuyên gia toàn cầu và các bằng chứng rõ ràng trên quy mô thế giới.

Việt Nam là một quốc gia có tỉ lệ 10-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B HBV (báo cáo từ hội thảo khoa học về viêm gan B dành cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý chương trình tại Việt Nam năm 2010).

Do đó, việc lây bệnh từ mẹ sang con là một tác nhân quan trọng khiến cho các ca nhiễm HBV ở Việt Nam ở mức cao.

{keywords}

Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị

Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B không có triệu chứng gì nhưng lại có tới 90% khả năng gây bệnh mãn tính, khiến trẻ mang bệnh cả đời. Cung cấp vắc-xin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là một bước rất then chốt để ngăn lây nhiễm từ mẹ sang con.

Chính phủ Việt Nam đang chịu trách nhiệm lập nên chương trình tiêm chủng quốc gia. WHO sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp các lời khuyên về mặt kỹ thuật tốt nhất có thể.

Để ngừa bệnh viêm gan B mãn tính, WHO vẫn tiếp tục khuyến nghị rằng trẻ sơ sinh nên nhận được liều vắc-xin ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24h đầu sau sinh, hai liều kế tiếp sẽ được bổ sung vào một năm sau đó.

Với những trẻ sinh ra từ người mẹ âm tính với virus viêm gan B thì có nhất thiết phải tiêm ngay trong 24 giờ đầu không?

Việc xác định trước người mẹ dương tính với virus viêm gan B để sau đó tiêm chủng ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh cho trẻ rất khó để thực hiện.

Lý do là vì việc tiếp cận và cung cấp chăm sóc tiền sản rất nghèo nàn. Các cơ sở hoặc nhân viên y tế cung cấp chăm sóc tiền sản không có đủ trang thiết bị để tiến hành xét nghiệm xác định xem người mẹ có nhiễm virus viêm gan B hay không.

Ngoài ra, có thể là do thiếu tài chính cho phòng thí nghiệm tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, ngân sách cần thiết cho việc xét nghiệm virus viêm gan B đối với người mẹ có thể cũng tương đương với mức dành cho chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.

Một chính sách tiêm chủng sơ sinh phổ thông bắt đầu ngay sau khi sinh mang lại các lợi ích xét về mặt 'mạng lưới an toàn', không chỉ là việc ngăn ngừa nhiễm bệnh trước và sau sinh (giai đoạn từ 5 tháng cuối trong bụng mẹ và 1 tháng sau khi em bé chào đời) mà còn ngăn ngừa việc lây bệnh từ các tiếp xúc giữa mọi người trong gia đình hoặc với các nguồn khác.

Bên cạnh đó, việc cung cấp một liều lượng vắc-xin ngay sau sinh giúp hoàn tất các đợt tiêm chủng ngừa viêm gan B đúng lúc với tỉ lệ cao hơn, và thậm chí hoàn tất quá trình tiêm chủng này.

Vì thế, WHO tiếp tục khuyến nghị rằng trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng vắc-xin ngừa viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Tỷ lệ tai biến sau tiêm cao

Vắc-xin viêm gan B bắt đầu được sử dụng từ năm 1997 tại một số tỉnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ năm 2003, vắc-xin này được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước.

Từ năm 2007 đến nay, Công ty Vắc-xin và sinh phẩm y tế số 1 (đơn vị sản xuất vắc-xin này) đã cung cấp khoảng 4,5 - 5 triệu liều mỗi năm trước khi sử dụng văcxin Quinvaxem (tháng 6/2010) và 1,2 triệu liều mỗi năm sau khi sử dụng Quinvaxem.

Năm 2007-2008, Việt Nam từng ghi nhận gần 10 ca tai biến sau tiêm vắc-xin viêm gan B. Trong các ngày 20 và 21/7 vừa qua, đã có 4 trẻ (3 trẻ ở Quảng Trị, 1 trẻ ở Bình Thuận) tử vong sau khi tiêm vắc-xin này.

So với con số mà WHO đưa ra (1 triệu lần tiêm chủng thì tỉ lệ sốc phản vệ chưa tới 1,1 lần) thì tỷ lệ phản ứng sau tiêm như trên cao hơn hẳn.

Cẩm Quyên - T.Lượng (thực hiện)