- Ngày 6/8, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tính đến thời điểm này, chưa có trẻ nào bị sự cố về sức khỏe sau khi dùng sản phẩm nghi nhiễm độc nhập khẩu từ New Zealand.

Chỉ thu hồi sản phẩm của Abbott và Dumex

Xin ông cho biết thông tin chính xác về các loại sữa nhập khẩu nghi nhiễm độc đang được thu hồi khiến dư luận hoang mang, lo lắng?

Chỉ có 2 sản phẩm: Similac GainPlus Eye-Q của Abbott và Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800g với số lô 300513R1.

{keywords}

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Với Similac GainPlus Eye-Q, có 11 lô cho trẻ từ 1-3 tuổi, loại 400g và 900g cần thu hồi, số lô cụ thể là: 2564G54114, 2564G54115, 2564G54116, 2564G54117, 2564G54118, 2565G54118, 2565G54119, 2566G54119, 2566G54120, 2567G54120, 2676G54120.

Còn sản phẩm Karicare thì sao, thưa ông?

Có 2 công ty của Việt Nam công bố sản phẩm Karicare, 1 công ty công bố từ 2011 nhưng không nhập hàng về và phân phối tại Việt Nam.

Công ty còn lại nhập Karicare về nhưng dòng khác, không phải dòng sản phẩm mà New Zealand cảnh báo (Sản phẩm cảnh báo là Karicare Formula số 1 cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17/6/2016 và 18/6/2016 và Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi với số lô D3183; hạn sử dụng 31/12/2014 - PV).

Cục cũng đã yêu cầu công ty này báo cáo chi tiết hơn 2 lô sản phẩm nhập về từ Úc.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cục đã triển khai các biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho người sử dụng?

Ngay khi có sự việc xảy ra, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu các công ty nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh sữa, các chế phẩm từ sữa phải báo cáo tình hình nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm có chứa whey protein concentrate của Công ty Fonterra, New Zealand.

Cho đến sáng nay, đã có báo cáo của các công ty lớn gửi về Cục. Cụ thể: Vinamilk cho biết không nhập bất cứ nguyên liệu, sản phẩm nào, đặc biệt là whey protein đậm đặc từ Fonterra mà nhập nguyên liệu này từ Mỹ và Châu Âu.

Nutrifood, TH True Milk và Cô gái Hà Lan cũng báo cáo không có liên quan về nguyên liệu, sản phẩm đối với tập đoàn Fonterra của New Zealand. Nutifood nhập nguyên liệu whey protein concentrate từ Mỹ. Meiji nhập nguyên liệu whey protein concentrate từ Mỹ và Úc.

Cục cũng đã yêu cầu các công ty khác báo cáo và công bố công khai trên webstie, cả diễn biến thu hồi lẫn các thông báo cập nhật từ phía New Zealand về vấn đề này.

Vinamilk cho biết không nhập khẩu nguyên liệu hay sản phẩm nào từ Fonterra, nhưng trang web của Vinamilk cho biết Fonterra là đối tác kinh doanh lớn của họ, vậy tại sao lại không nhập?

Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa bột bên New Zealand nhưng sự cố lần này chỉ liên quan đến whey protein của Fonterra thôi.

Đối tác kinh doanh thì có thể góp vốn, góp công nghệ chứ không nhất thiết phải nhập sản phẩm, nguyên liệu. Với những tập đoàn lớn như vậy thì ta phải có niềm tin ở họ.

Lỡ uống rồi cần theo dõi sức khỏe trẻ chặt chẽ

Việc thu hồi đến nay đã hoàn tất chưa, thưa ông? Nếu đã cho con uống sữa thuộc lô nghi nhiễm khuẩn cần thu hồi thì phải làm thế nào?

Trong 48 tiếng, các công ty đã thu hồi trên 80% lượng đã đưa ra thị trường trước đó. Lượng người sử dụng sản phẩm mới này chưa nhiều do các đại lý thường bán sản phẩm cũ còn tồn đọng.

{keywords}

Sữa Similac bị thu hồi tại thị trường Việt Nam

 

Tôi hi vọng số người sử dụng các sản phẩm trên cho con mình chưa nhiều.

Với Similac của Abbott thì tính tới hết 5/8 còn 1327 thùng cần tiếp tục thu hồi. Dumex có 190 hộp đã được đưa ra thị trường cũng đang tích cực thu hồi. Việc thu hồi này sẽ hoàn tất trong 6/8, chậm nhất là 7/8.

Tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào bị tiêu chảy hoặc sự cố về sức khỏe sau khi dùng sản phẩm.

Trong trường hợp đã dùng các sản phẩm thuộc diện thu hồi thì phải các bậc cha mẹ phải chú ý tình trạng con mình vì nếu nhiễm độc thì các cháu có dấu hiệu viêm đường tiêu hóa, da dày, ruột như nôn, khó nuốt, đồng tử hơi giãn, nghiêm trọng hơn là liệt. Thời gian ủ bệnh theo lý thuyết là 24-36 tiếng.

Cần rất lưu ý với trẻ dưới 1 tuổi, sức đề kháng yếu. Sau khi dùng xong sản phẩm thuộc diện bị thu hồi mà có rối loạn tiêu hóa thì cần đến cơ sở y tế kịp thời.

Nếu có hậu quả về sức khỏe người tiêu dùng thì trách nhiệm của các công ty này như thế nào, thưa ông?

Đến thời điểm này, theo cảnh báo của các quốc gia và New Zealand thì chưa có trường hợp nào bị bệnh sau khi sử dụng các sản phẩm này. Tuy nhiên nếu có xảy ra hậu quả nào đó thì phía các công ty sẽ phải có trao đổi với gia đình, đó là việc giữa công ty với bạn hàng của mình.

Xin cảm ơn ông!

Giám sát việc thu hồi sữa nghi nhiễm độc tại 63 tỉnh, thành

Ngày 5/8, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã giám sát việc thu hồi sữa của các công ty tại 3 điểm bán lẻ trên địa bàn Hà Nội. Việc thu hồi được cho biết là tiến hành khẩn trương và nhanh chóng.

Ngày 6/8, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chỉ đạo giám sát thu hồi các lô sản phẩm có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum.

 

Cẩm Quyên (ghi)