- "Rõ ràng chúng ta quá sơ suất, thậm chí quá sơ sài trong hồ sơ bệnh án, từ chế độ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân" - TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy - Phó GĐ Bệnh viện Từ Dũ, Trưởng đoàn kiểm thảo vụ 2 mẹ con sản phụ tử vong, nhận xét.

Cố bảo vệ ê-kíp khoa sản

Nhóm PV VietNamNet đã tiếp cận được thông tin từ buổi họp kiểm thảo tử vong vụ 2 mẹ con sản phụ Trần Thị Phượng (39 tuổi, ở Hậu Giang) được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP. Cần Thơ.

Hội đồng kiểm thảo tử vong đã chỉ đạo bác sĩ đại diện Khoa sản là bà Đỗ Thị Minh Nguyệt trình bày lại diễn biến vụ việc từ khâu tiếp đón, chăm sóc bệnh nhân và dẫn đến mẹ con chị Phượng tử vong.

BS Nguyệt kết luận, nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với sản phụ Phượng là do "cơn bão giáp trạng" vì bệnh nhân có tiền sử bệnh bướu cổ, bệnh nhân băng huyết sau sanh và không loại trừ được thuyên tắc ối.

{keywords}

Cuộc họp kiểm thảo vụ việc 2 mẹ con sản phụ tử vong vừa diễn ra tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tiếp đến, BS.CK2 Cao Minh Nhựt – Trưởng Khoa sản bệnh viện cho hay: "Đây chỉ là phần mà bác sĩ Nguyệt trực trình bày, còn để rõ hơn nữa thì phải hội chẩn lại để kiểm thảo tử vong.

Phần thuyên tắc ối chỉ là nghi ngờ không thể loại trừ. Tuy nhiên đây chưa phải là phần kết thúc phần kiểm thảo tử vong của khoa sản".

Ông Nhựt còn khẳng định, quy trình khám chữa bệnh của ê-kíp đã làm đúng, bệnh nhân Phượng lại được túc trực ở phòng sanh 24/24. Khi bệnh nhân diễn biến nặng vẫn hội chẩn liên khoa.

Chuyện người nhà bệnh nhân than phiền về tinh thần, thái độ chưa tốt thì cần rút kinh nghiệm.

Vị trưởng khoa sản còn biện giải, bệnh nhân này rất nặng và chuyển biến bệnh rất khó lường. Bởi đây là ca bệnh “cơn bão giáp trạng” và hơn nữa bệnh nhân trong quá trình lâm sàng có sốt cao.

Điểm thứ hai là bệnh nhân này rơi vào tình trạng băng huyết, rối loạn đông máu rất nhiều.

Chưa dừng lại, vị BS này nói tiếp, nếu giai đoạn sau bệnh nhân (sản phụ Phượng - PV) được phẫu thuật thì cũng không khả thi vì trường hợp quá nặng.

Cơ sở pháp lý là bệnh án

BS Lê Thị Thu Vân trả lời trong cuộc họp cho biết, lúc 17h ngày 2/8, bệnh nhân Phượng nhập viện trong tình trạng ra huyết, mạch đập 82 lần/phút, huyết áp 11/7, nhiệt độ 37 độ C.

Ngay thời điểm này, BS Vân đã chẩn đoán chị Phượng bị “nhau tiền đạo”.

{keywords}
Cái chết mẹ con chị Trần Thị Phượng bước đầu hé lộ từ hồ sơ bệnh án quá sơ sài.

Nghĩa là chị Phượng nhập viện sau 15 tiếng đồng hồ sau, các bác sĩ mới tiếp cận chẩn đoán cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây lại là một chẩn đoán sai mà các bác sĩ tại đây đã thừa nhận.

TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy phản bác lại những lập luận, bảo vệ thiếu căn cứ pháp lý của các bác sĩ tại khoa sản đã trình bày: "Các em (bác sĩ) tích cực đâu thì tôi không rõ. Nhưng toàn bộ trong bệnh án không thấy rõ trách nhiệm của mình khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Thứ nhất, bệnh nhân nhập viện vào lúc 17h (ngày 2/8), vào phòng sanh thì chẩn đoán là “nhau tiền đạo” theo dõi ra huyết. Hồ sơ khám của BS Lê Thị Thu Vân chẩn đoán nhau tiền đạo ra huyết. Chấn đoán như thế là sai quy trình, không nói thai bao nhiêu tuần".

BS Thủy còn chỉ ra, theo bệnh án từ 17-23h chẩn đoán bệnh nhân nhau tiền đạo ra huyết mà không có người theo dõi. Sau đó cho 1 viện thuốc và bệnh nhân ngủ luôn mà không theo dõi?

Tiếp đến sáng 3/8, bệnh nhân vẫn tiếp tục ra huyết ra nhưng không nói rõ và nói rất chung chung. Hồ sơ bệnh án là cơ sở pháp lý nhưng rất sơ sài.

"Đến 0h25' (ngày 7/8) sản phụ tự sanh được một bé gái nặng 1,7 kg, thở thoi thóp. Sản phụ sanh xong thì ối như thế nào cũng không hề ghi trong bệnh án…" - TS.BS Thủy chỉ điểm khi đọc bệnh án.

Tiếp nữa, BS Thủy còn vạch ra những bất cập, thiếu sót trong bệnh án: "Rõ ràng chúng ta qúa sơ suất, thậm chí quá sơ sài trong hồ sơ bệnh án, chế độ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Hồng cầu mất hết còn khoảng 1 triệu nữa thì hỏi làm sao máu không đông, mất máu quá nhiều".

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo.

Nhóm PV Điều tra