Làm ruộng chỉ lấy công làm lãi
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 1.037 hộ dân bỏ ruộng không canh tác với diện tích 67 ha. Theo đó, thực trạng người dân bỏ ruộng tập trung vào ba huyện: Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là ở huyện Hậu Lộc với 747 hộ bỏ ruộng chiếm tới 41,1ha.
Hàng chục héc ta đất nông nghiệp bỏ hoang cho cỏ dại mọc. |
Theo số liệu trên, chúng tôi về huyện Hậu Lộc để tìm hiểu thực hư câu chuyện nông dân bỏ đất như thế nào. Đến đây, hỏi bất cứ người nông dân nào về canh tác đất nông nghiệp thì người ta cũng đều lắc đầu ngoay ngoảy, vì ở đây đa phần họ đã bỏ đất hoang cho cỏ dại mọc.
Nhiều nhất vẫn là ở xã Tiến Lộc với diện tích đất không sản xuất là gần 18ha, tập trung chủ yếu ở hai làng (làng Sơn và làng Ngọ), trong đó diện tích trả ruộng là 3,2ha, diện tích do các hộ đi làm ăn xa là 14,7ha.
Theo người dân ở đây, nguyên nhân dẫn đến nông dân không mặn mà với làm ruộng là vì Tiến Lộc có nghề rèn truyền thống. Vài năm trở lại đây nghề rèn phát triển mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, do đó lực lượng lao động có xu hướng chuyển sang làm nghề.
Bên cạnh đó, do làm ruộng không mang lại thu nhập nên đa phần người dân đã chuyển sang làm công nhân may ở các công ty, xí nghiệp. Nhiều người còn bỏ xứ đi các tỉnh khác làm nghề rèn, làm công nhân ở các công ty lớn như Sài Gòn, Hà Nội…
Anh Kiều Văn Tú (thôn Ngọ), hiện đang làm rèn ở một xưởng tại quê cho biết, gia đình anh có 4 nhân khẩu, trước đây cũng làm 4,5 sào ruộng. Do làm ruộng không mang lại thu nhập nên bố mẹ anh đã phải vào Nghệ An làm rèn thuê, từ đó ruộng bỏ không cho đến nay.
|
Làm nghề cho thu nhập cao và ổn định |
Cùng chung cảnh bỏ ruộng, chị Nguyễn Thị Thu hiện đang làm công nhân may tại nhà máy may IVORY Thanh Hóa đóng trên địa bàn huyện Hậu Lộc cho biết, gia đình chị có 5 sào ruộng, nhưng bố mẹ cũng đi vào Nam làm thuê, anh chị em cũng mỗi người một nơi. Ở nhà, một mình chị làm ruộng nhưng chỉ lấy công làm lãi, nên chị đành phải đi xin làm công nhân may.
"Trung bình một sào ruộng được mùa đạt 3 tạ lúa, trừ mọi chi phí công cày, phân bón, thuốc cỏ, thuốc sâu… may ra chỉ còn lãi được 100-200 nghìn đồng/sào/vụ. Vụ nào lúa dưới 3 tạ thì coi như lỗ. Đi làm công nhân mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, công việc cũng không đến nỗi vất vả một tháng cũng kiếm được 2,5-3 triệu đồng", chị Thu cho biết.
Xã cày đất, dân vẫn không cấy
Ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc cho biết, thực trạng bỏ đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn đang là một vấn đề nan giải. Theo ông Đồng, nguyên nhân chính vẫn là do làm ruộng không mang lại kinh tế cho người dân. Họ đi làm nghề cuộc sống ổn định hơn, nên không tránh khỏi việc người dân bỏ ruộng.
"Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có nhiều biện pháp động viên, tuyên truyền để các hộ dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất bỏ hoang. Tuy nhiên, kết quả đạt được không cao bởi đến thời điểm hiện tại người dân đã không còn mặn mà với đồng ruộng nữa", ông Đồng cho biết.
Đất nông nghiệp để hoang. |
Vụ thu mùa năm 2013, UBND xã Tiến Lộc đã đích thân “đi cày” (làm đất) cho người dân, thậm chí không thu bất cứ khoản tiền nào, hay có thể nói là cho không đất để khuyến khích người dân quay lại làm ruộng nhưng vẫn không ai chịu gieo cấy mà để đất cho cỏ dại mọc um tùm.
Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho biết, sở dĩ người dân bỏ ruộng vì “thu không đủ chi’. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và rủi ro, như thời tiết, sâu bệnh, chuột bọ và các chi phí sản xuất đầu vào khác.
Đặc biệt sức hút của nông dân với đồng ruộng ngày càng giảm do giá cả phân bón, vật tư tăng cao, trong khi đó giá bán nông sản lại thấp.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm thủ tục thu hồi đất của các hộ không còn nguyện vọng sản xuất để giao cho các hộ có nhu cầu sản xuất cánh đồng mẫu lớn hoặc chuyển đổi sang mô hình phát triển trang trại chăn nuôi, trang trại cá lúa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới", bà Liên cho biết.
Lê Anh