- Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, “sinh vật lạ” trong bát mì tôm ở Hà Tĩnh được xác định là đốt sán dây.
Ngay sau khi có thông tin về sinh vật lạ trong sản phẩm mỳ tôm nhãn hiệu “3 miền”, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Chi cục quản lý thị trường tiến hành xác minh nội dung thông tin tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Đông Đoài, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh).
Sinh vật lạ trong bát mì tôm của bà Xuân ở Hà Tĩnh là đốt sán dây và màng bọc thực phẩm tại Hà Nội và TP HCM an toàn |
Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lấy gói mỳ tôm cùng loại tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân để pha vào nước sôi nhưng không thấy có hiện tượng gì bất thường.
Bên cạnh đó, Chi Cục cũng đã lấy mẫu mì tôm nguyên gói còn lại của gia đình gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả, không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định.
Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng đã được gửi tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương để định danh. Kết quả được xác định, mẫu “sinh vật lạ” là đốt sán dây.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, mỳ tôm là sản phẩm trong quá trình chế biến có xử lý ở nhiệt độ cao (trên 100 độ C) nên sán dây không thể sống khi đã được bao gói kín.
Sán dây trưởng thành sống trong ống tiêu hoá của nhiều động vật khác nhau như: trâu, cừu, bò, lợn, chó mèo…Ấu trùng sán dây sống trong cơ thể của động vật không xương sống như: giun ít tơ, đỉa, chân khớp ở dưới nước và trên cạn hoặc động vật có xương sống.
Do đó, Cục An toàn thực phẩm khẳng định sán dây trong bát mì tôm tại gia đình bà Nguyễn Thị Xuân đã được xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.
Để phòng chống ảnh hưởng của sán dây tới sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường; không ăn thịt bò, lợn…tái hoặc chưa nấu chín; thực hiện ăn chín, uống chín; nên bảo quản để bát, đũa và thực phẩm chín và ngồi ăn uống trên bàn cao cách xa nền nhà.
Trước thông tin cảnh báo về một số màng bọc bảo quản thực phẩm polyvinyl chloride (PVC) có chứa chất dẻo Di-Ethylhexyl Adipate (DEHA), Cục An toàn thực phẩm đã khẩn trương chỉ đạo Viện kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM lấy 15 mẫu màng bọc thực phẩm để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy có 2/2 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyetylen (PE) không gây thôi nhiễm DEHA. Có 13/13 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyvinyl chloride (PVC) có thôi nhiễm DEHA nhưng không vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU (3mg/1dm2 tương đương 18mg/kg thực phẩm). Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng màng bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao >70o C, hạn chế sử dụng màng bọc chứa đựng thực phẩm giàu chất béo dầu ăn, pho mát, thịt rán); không gia nhiệt bằng lò vi sóng khi thực phẩm còn bọc cả màng bọc PVC. |