- Sau 1 năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, việc chỉ định rộng rãi xét nghiệm, chụp chiếu vẫn diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành và có xu hướng gia tăng. Theo nhận định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau tăng viện phí chất lượng khám chữa bệnh “thay đổi chưa nhiều”.

Xu hướng tăng chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu


Mới đây, bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã hoàn tất việc kiểm tra chi phí khám chữa bệnh tại 7 tỉnh, thành trong cả nước sau khi tăng viện phí được gần 1 năm.

Kết quả kiểm tra tại các bệnh viện thuộc tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kon Tum cho thấy sau khi tăng viện phí, xu hướng gia tăng chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu vẫn rất khá phổ biến ở các bệnh viện.

Tại bệnh viện đa khoa Quảng Nam, trong năm 2012, quý 1 có trung bình 9,4 chỉ định xét nghiệm/đợt điều trị nội trú, quý 2 là 7, quý 3 là 7,3. Nhưng đến quý 4 (quý đầu tiên sau khi tăng giá viện phí) thì con số này nhảy vọt lên mức 22,1.

{keywords}

Sau 1 năm tăng viện phí, việc kiểm soát gia tăng chi phí vẫn còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: C.Q)

Chỉ tính riêng tại 1 bệnh viện trong quý 1/2013, số chỉ định xét nghiệm cặn nước tiểu (một xét nghiệm được xác định là cho hiệu quả vừa phải) tăng tới 66%, khiến số tiền gia tăng riêng với xét nghiệm này là là 550 triệu đồng/quý/bệnh viện.

Xét nghiệm nhóm máu ABO có tần suất sử dụng rất lớn. Xét nghiệm hóa sinh máu với 3 chỉ số đường, ure, creatinine, tăng gần 300 triệu đồng/bệnh viện/quý. “Điều đó là bất thường vì tăng quá cao, số tiền không ít, câu hỏi là có cần thiết phải làm nhiều xét nghiệm như thế không?”, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) băn khoăn.

Có những địa phương (như Bắc Ninh), số thẻ BHYT chỉ tăng 11% nhưng chi phí khám chữa bệnh tăng tới 41%, cho thấy chi phí khám chữa bệnh sau tăng viện phí đã nhảy vọt.

Chưa hết, dịch vụ cận lâm sàng khác như siêu âm, chụp chiếu cũng có xu thế tăng mạnh. Tại Đồng Nai, so với bệnh nhân viện phí (tự trả tiền) thì số lần siêu âm của bệnh nhân BHYT cao gấp 4,31 lần, siêu âm Doppler cao gấp 9,13 lần, chụp CT cao gấp 2 lần và chụp MRI cao gấp tới 13,5 lần.

Việc tăng chỉ định xét nghiệm này nếu không thực sựu cần thiết vừa khiến quỹ BHYT thiệt hại, vừa khiến người bệnh thiệt thòi vì họ phải đồng chi trả (từ 5-20%), chưa kể phần tiền chênh lệch người bệnh phải trả thêm do bệnh viện dùng máy xã hội hóa.

Tăng ngày điều trị bình quân

Hiện ngành y tế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm tải bệnh viện tuyến trên mà một trong những cách được áp dụng là giảm số ngày điều trị của người bệnh.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra sau điều chỉnh viện phí là sau khi đã tăng chi phí về thuốc, tăng các chỉ định cận lâm sàng nhưng ngày điều trị trung bình hầu như không giảm, thậm chí có nơi còn tăng nhằm mục đích tăng nguồn thu bởi giá giường bệnh hiện cao hơn nhiều so với trước đây.

{keywords}

Có tình trạng ngày điều trị trung bình của người bệnh BHYT tăng lên sau khi tăng viện phí (Ảnh: C.Q)

Ngoài ra, BHXH VN còn phát hiện trường hợp bệnh án được lập trước, người bệnh vào sau (như đối với bệnh nhân vào hẹn mổ) hoặc cho người bệnh ra viện ngày hôm trước nhưng ngày hôm sau mới hoàn thiện thủ tục ra viện của bệnh nhân để tính thêm 1 ngày điều trị.

“Tiền giường bệnh hiện không còn là 10.000 đồng/ngày như trước đây mà đã tăng lên 50-60 ngàn đồng/ngày. Một bệnh viện một quý có 10 ngàn người bệnh, chỉ lệch 1 ngày thì số tiền mà BHYT phải trả thêm cũng không phải là nhỏ”, ông Phúc cho hay.

Hiện việc xác định có lạm dụng hay không nhiều khi còn có những ý kiến khác nhau giữa BHXH và bệnh viện do chưa có bộ quy chuẩn kỹ thuật về khám, chữa bệnh đối với các loại bệnh. Tuy nhiên ông Phúc cho biết với những trường hợp được giám định và khẳng định là lạm dụng thì phía BHXH từ chối thanh toán.

Theo thống kê, tổng chi phí khám chữa bệnh quý I/2013 (của 7 bệnh viện được kiểm tra) tăng khoảng 25-35% so với áp giá dịch vụ y tế cũ. “Kiềm chế” được ở mức tăng này, BHXH Việt Nam cho biết đã phải yêu cầu BHXH các tỉnh thành vào cuộc và kiểm soát chặt từ việc phê duyệt giá tới khâu giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo nhận định của BHXH Việt Nam, với mức độ tăng như trên, trong năm 2013, dự tính quỹ BHYT sẽ vẫn đủ khả năng cân đối (nếu sử dụng cả 10% quỹ dự phòng).

Chất lượng khám chữa bệnh thay đổi chưa nhiều


Theo nhận định của ông Phúc, gần 1 năm sau khi tăng viện phí, kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng khám chữa bệnh “thay đổi không nhiều”, có những điều căn bản như găng tay, mũ, … cũng không được cán bộ y tế sử dụng khi khám bệnh (dù trong cơ cấu giá đã có đầy đủ), thậm chí có nơi vẫn yêu cầu người bệnh tự bỏ tiền mua vật tư y tế đã có trong danh mục và được BHYT thanh toán (tại một bệnh viện huyện thuộc tỉnh Hải Dương, người bệnh vẫn phải mua kim châm cứu dù chi phí này đã được kết cấu trong giá dịch vụ “châm cứu”)

Theo quy định, sau khi tăng viện phí, các bệnh viện phải đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng thêm khu vực đón tiếp, khám bệnh, bố trí quạt, mái che, … song không phải nơi nào cũng đầu tư đúng mức, dù tất cả những yếu tố này đều được tính trong giá viện phí mới.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện huyện khá phổ biến. Nhiều bệnh viện có số lượt khám lên đến 80 – 100/bệnh nhân/bàn khám/ngày, cá biệt tại bệnh viện Trảng Bom, Đồng Nai lên đến 150 bệnh nhân/bàn khám/ngày.

Theo ý kiến của Ông Phúc, thực tế hiện nay các bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn về nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hạn chế; nhu cầu và hiểu biết của người bệnh ngày càng cao, số tiền phía BHYT trả cho bệnh viện hầu hết được tính vào chi phí trực tiếp dùng cho việc khám chữa bệnh nên bệnh viện cũng khó còn nguồn để tái đầu tư cho cơ sở vật chất.

Tuy vậy, không phải vì thế mà cơ sở KCB tăng thu bằng cách tăng chỉ định dịch vụ kỹ thuật hay bớt đi các chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Mọi chi phí cần phải được minh bạch.

Vì thế, trong tương lai, ông Phúc cho rằng cần xây dựng viện phí theo hướng tính đúng tính đủ mà trong đó có phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ (có thể trực tiếp hoặc thông qua quỹ BHYT), phần quỹ BHYT chi trả và phần người dân cùng đóng góp để đảm bảo minh bạch, công bằng cho các bên.

Cẩm Quyên