- Sau 10 năm xảy ra vụ án, “kỳ án vườn mít” lại tạm khép lại sau phiên phúc thẩm lần 3. Theo đó, bị cáo Lê Bá Mai – người từng bị tuyên án tử hình sau đó lại được tuyên trắng án, bị tuyên phạt mức án tù chung thân.

Vào 18 giờ 20 phút chiều nay (30/8), sau một ngày xét xử căng thẳng, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã tiến hành tuyên án vụ “kỳ án vườn mít” – liên quan đến số phận bị cáo Lê Bá Mai.

Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai mức án tù chung thân về hai tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Những tình tiết mâu thuẫn

Trong phần tranh luận chiều nay, các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo tiếp tục đưa ra nhiều tình tiết mâu thuẫn trong vụ án để bào chữa cho bị cáo. Các luật sư cho rằng cả bản án sơ thẩm và hồ sơ vụ án còn nhiều tình tiết mâu thuẫn cần xem xét lại khi sử dụng làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

{keywords}

Bị cáo Lê Bá Mai được dẫn giải sau phiên tòa lúc trời đã tối

Cụ thể: nhân chứng Thị Hằng là một nhân chứng quan trọng trong vụ án. Thế nhưng trong lời khai của nhân chứng này có nhiều mâu thuẫn. Lời khai ban đầu nhân chứng Hằng khai là “một thanh niên” đã chở nạn nhân đi nhưng sau đó có lời khai lại xác định là Mai, có lúc nhân chứng Hằng khai bị cáo Mai đi xe máy có mang theo chiếc bình xịt màu xanh có lúc lại khai là màu trắng, vết dép in tại hiện trường khác với vết đôi dép thu giữ của bị cáo…

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Sinh là công an viên ghi lời khai ban đầu là người có mâu thuẫn với bị cáo nên có thể những lời khai trong quá trình điều tra không đảm bảo tính khách quan, nhiều biên bản hỏi cung không đảm bảo quy định của thủ tục tố tụng…Từ đó, các luật sư đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả tự do ngay tại tòa cho bị cáo.

VKS: “Đủ cơ sở buộc tội”

Đáp lại quan điểm bào chữa của luật sư, VKS nhận định đây là vụ án vô cùng phức tạp, phức tạp từ nội dung đến chứng cứ vụ án. Do vậy, các cơ quan tố tụng đã rất thận trọng. Trước đây, qua 2 lần xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ nhất) các cấp đều tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Dù bản án đó đã có hiệu lực chỉ chờ thi hành nhưng các cơ quan tố tụng đã xem xét lại rất thận trọng, kéo dài suốt 10 năm qua.

VKS thừa nhận những tình tiết, quan điểm các luật sư đưa ra không phải là không có căn cứ, VKS cũng mong rằng các luật sư sẽ đưa ra quan điểm, tình tiết đối đáp lại VKS để có thể làm rõ sự thật khách quan trong vụ án.

Tuy nhiên, VKS nhận thấy có sự phù hợp cơ bản trong lời khai của nhân chứng Hằng và lời khai nhận tội ban đầu của bị cáo Lê Bá Mai. Về sự bất nhất trong các lời khai, VKS nhận định đó là những bất nhất không cơ bản, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, không phải là cơ sở kết tội bị cáo. Về việc bị cáo cho mình bị ép cung, VKS cũng cho rằng điều này không có cơ sở chấp nhận.

Về thời gian xảy ra vụ án, nhân chứng Nguyễn Văn Trong là người làm và ở cùng Mai tại trang trại khẳng định khoảng 9h sáng ngày xảy ra vụ án, Mai lấy xe máy đi ra khỏi chòi đến khoảng 11 giờ trưa mới về. Cũng thời điểm này, nhân chứng Hằng khai có nhìn thấy Mai tại rẫy. Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận thấy, tại phiên tòa phúc thẩm dù bị cáo giữ nguyên kháng cáo kêu oan nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, lời khai của nhân chứng có đủ cơ sở kết luận: ngày 12/11/2004, tại khu vực vườn mít, bị cáo Lê Bá Mai đã thực hiện hành vi hiếp dâm đối với bị hại N.T.U. Để che giấu hành vi phạm tội, Mai đã ra tay sát hại nạn nhân.

Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, đã gây ra đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân, cùng lúc bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội nên cần phải xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự nên cũng cần xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là hoàn toàn phù hợp.

Từ đó, HĐXX bác đơn kháng cáo, y án tù chung thân với Lê Bá Mai về hai tội “giết người” và “hiếp dâm”. Như vậy, sau gần 10 năm xảy ra vụ án, “kỳ án vườn mít” – một cột mốc trong lịch sử tố tụng đã khép lại với phán quyết lần này.

Mai Phượng