- Trong vai người làm hồ sơ xin việc, chúng tôi có mặt tại phố Thợ Nhuộm, nơi được xem là 'thiên đường' mua bán giấy khám sức khỏe nhanh chóng, thuận tiện.
10 giây xong… 1 GKSK
Trong khoảng 500m phố Thợ Nhuộm từ điểm giao với tuyến phố Lý Thường Kiệt và phố Trần Hưng Đạo, có tới 4 – 5 điểm “cò” bán giấy khám sức khỏe.
KSK tại bệnh viện cũng được làm hình thức, lấy lệ. |
Mỗi điểm có từ 2 đến 3 người làm thành một nhóm, với tấm biển “nhận hồ sơ lái xe” để “khách hàng” dễ nhận biết.
Người phụ nữ tự xưng tên là X. hồ hởi “tiếp thị”: có hai loại “giấy khám” là khổ A3và A4. “Cò” này cũng không quên khẳng định: “Giấy khám sức khỏe khổ A4 là thông dụng nhất rồi”.
Đưa ra nguyện vọng “đặt hàng” khoảng chục “giấy khám” cho nhiều người, người phụ nữ này khẳng định: “Hơn chục người làm từ chiều đến sáng mai là lấy được”.
Giá bán của giấy khám sức khỏe tại điểm “cò” X. được “san bằng” ở mức đồng hạng 120nghìn đồng/ tờ, không phân biệt A3 hay A4. Về thủ tục, lý lịch của người mua, cò X. yêu cầu ghi rõ họ tên của từng người, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu thường trú, chiều cao, cân nặng… vào một mảnh giấy, và… không cần ảnh đóng dấu giáp lai.
Nhiều người, vì nhiều lý do đã "tiếp tay" cho việc "nhân bản" GKSK một cách "hợp pháp, hợp lệ" từ rất lâu. |
Khi thắc mắc về “chất lượng” các giấy khám sức khỏe, “cò” X. quả quyết: “Đã gọi là làm dịch vụ thì đảm bảo các thông số bình thường hết, chỉ có điều ai bị cận thì ghi rõ lại. Yên tâm, dấu của bệnh viện xịn luôn. Nói chung là có mấy cơ sở bệnh viện, dấu xịn luôn, không phải dấu củ khoai”.
Chúng tôi có ý muốn hỏi về các cơ sở bệnh viện cấp dấu, “cò” lờ đi rồi lảng sang chuyện khác.
Tại một điểm “cò” khác, người phụ nữ tên T. hét giá 200 nghìn đồng/ tờ giấy khám sức khỏe khổ A3, 150 nghìn đồng/ tờ giấy khám sức khỏe A4; bản sao in (bản thứ2) có giá 100 nghìn đồng/ tờ.
“Cò” T. quả quyết: đó là mức giá cuối cùng, nhất quyết không thể giảm thêm giá được nữa. Khi được hỏi về dấu đỏ của bệnh viện nào, độ tin cậy ra sao, “cò” T. trả lời ngắn gọn: “Thừa tin cậy”.
Để làm giấy khám sức khỏe trong hồ sơ xin việc của công ty, “cò” T. yêu cầu cung cấp ảnh và thông tin cá nhân của người khám, kèm theo lời đưa đẩy: “Lấy số máy đi, có gì “alo” hướng dẫn. Sáng đưa chiều lấy”.
Ngỏ lời mua giấy khám sức khỏe đi xin việc với “cò” N., trong nháy mắt, người phụ nữ này rút ngay một tờ giấy khám sức khỏe đã được điền đủ các thông tin cần thiết và ra giá 120 nghìn đồng/ tờ. Quá bất ngờ về điều đó, chúng tôi hỏi cần thủ tục gì nữa không, “cò” N. lắc đầu.
“Cò” N. giải thích: “Xin việc, đi làm, đi học đều là một, lái xe là khác. Lái xe cần ghi tên tuổi rồi đóng dấu giáp lai vào ảnh, còn xin việc thì không cần thiết,có dấu rồi, chỉ cần điền tên cá nhân là xong”.
Do đó, tờ giấy khám sức khỏe mà“cò” N. bán cho chúng tôi đã được điền đủ mọi thông tin cần thiết về sức khỏe, có chữ ký của hai bác sĩ Bệnh viện G., còn lại thông tin cá nhân người khám bệnh và ngày tháng khám thì để trống.
Theo “cò” N., giấy khám sức khỏe khổ A4 là thông dụng nhất, được làm sẵn, lấy ngay còn giấy khám khổ A3 thì rắc rối hơn, người mua phải mang ảnh để đóng dấu giáp lai, sau một giờ đồng hồ thì lấy được.
Người phụ nữ này cũng giải thích thêm: Giấy khám A3 chỉ dành cho các đối tượng cầu kỳ, các công ty liên doanh nước ngoài, còn xin việc, làm hồ sơ xe máy, ô tô thì chỉ cần giấy A4.
Thắc mắc về loại dấu vuông và dấu tròn trong giấy khám sức khỏe, “cò” N. rành rọt: “Dấu vuông là của phòng khám, người ta (cơ quan tuyển dụng – PV) không nhận đâu. Dấu tròn mới chuẩn”.
Để “trấn an” về giá cả cho chúng tôi, “cò” N. thuyết phục: “Khám ngoài viện mất 60nghìn/ tờ, lại còn xếp hàng, cả ngày mới lấy được. Bây giờ ai cũng phải ăn phải uống, bác sĩ người ta còn ăn cơm chứ”.
Xem tờ giấy khám sức khỏe được viết sẵn kết quả khám bệnh, chúng tôi thắc mắc là chỉ có chữ ký của hai bác sỹ chứ không phải là chữ ký bác sỹ từ nhiều phòng khám như trong bệnh viện, “cò” Nga băm bổ: “Chỉ có 2 bác sĩ thôi. Mà cần gì 2 bác sĩ, một bác sĩ đã đủ rồi. Chỉ cần có bác sĩ là nộp được”.
Trong câu chuyện, “cò” N. tiết lộ: mỗi ngày làm 5 tờ giấy khám sức khỏe A4 và nhờ “chân trong” của bệnh viện đóng dấu.
“Nếu lấy nhiều thì phải hẹn, có phải dấu của chị đâu. Mỗi ngày lấy 5 tờ, nếu muốn lấy 10 tờ thì nhờ người khác” - “cò” N. nói.
Chúng tôi yêu cầu được mua 2 tờ giấy khám bệnh nhưng trong chiếc túi của “cò” N. chỉ còn một tờ duy nhất. N. hẹn chiều quay lại lấy, rồi gọi điện thoại cho “đệ” mang giấy ra tiếp ứng.
Mẫu Giấy Chứng nhận sức khỏe mà chúng tôi có được đầy đủ dấu đỏ của bệnh viện G., chữ ký của bác sỹ làm việc trong bệnh viện kèm theo kết luận được đóng dấu chữ in hoa, màu xanh: “Đủ sức khỏe học tập và công tác”.
Tất cả các chỉ số ở phần “Khám” của mẫu giấy này, đều để trống và do một người điền, vì một kiểu chữ giống hệt nhau. Các thông số khám chỉ vỏn vẹn thông tin: “BT” (bình thường – PV).
Bệnh viện cũng… làm lấy lệ
Có mặt tại Bệnh viện B. vào sáng 12/8, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp, chen chúc “làm” giấy khám sức khỏe tại khu vực bàn số 1A và bàn số 1B, nơi khám, cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Quy trình khám sức khỏe ở đây được thực hiện khá đơn giản: xuất trình CMND, mua giấy khám rồi tự viết thông tin cá nhân. Nữ y tá bàn số 1A nhìn mặt người khám để nhận định sức khỏe “Bình thường”.
Người khám cầm theo tờ giấy ấy sang bàn số 1B để đo huyết áp. Sau đó, người khám tự đến phòng dấu để được đóng dấu. Thời gian để có được một kết quả khám sức khỏe toàn diện để đi làm, đi học chưa đầy 5 phút, nếu không phải chờ đến lượt.
Cầm trong tay 2 giấy khám sức khỏe của bệnh viện B. cấp ngày 3/6/2013 và ngày13/8/ 2013, chúng tôi giật mình về sự giống nhau trên kết quả thăm khám. Thông tin tiểu sử về người khám bệnh được người khám ghi trung thực. Còn lại, các mục “nhìn mặt đặt chữ” như Hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, cơ – xương – khớp, thần kinh, tâm thần, truyền nhiễm… đều được ghi chung kết quả “Bình thường”.
Ngay cả huyết áp – công việc thăm khám duy nhất khi xin giấy khám sức khỏe tại đây cũng được ghi chung chỉ số “đẹp”, kết luận “Hiện tại đủ sức khỏe học tập và làm việc” là những điều chung “đáng giá” nhất khi đi xin giấy khám sức khỏe chế độ “một cửa” tại bệnh viện B.
Tại một bệnh viện khác trên đường Phạm Hùng, cảnh tượng đi làm giấy khám sức khỏe cũng “tấp nập” không kém: Người KSK xếp hàng lấy số thứ tự, đưa giấy qua các phòng khám theo chỉ dẫn trong phiếu.
So sánh các kết luận tại các GKSK của bệnh viện này các ngày 2/7/2013, 19/7/2013, 13/8/2013 của 3 người, không khó khăn để nhận thấy sự giống nhau như hệt về kết luận...
T.Bình – Khổng Chiêm