HTML clipboard

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về khả năng chống động đất của nhiều công trình ở Hà Nội và TPHCM, nhất là dạng nhà dân tự xây, chung cư mini, chung cư cũ. Thêm vào đó, việc doanh nghiệp tự thẩm định kỹ thuật công trình cũng tiềm ẩn nguy cơ.


Công trình mới: Chịu được động đất đến cấp 8

TS.Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện KHCN và Kinh tế xây dựng, cho hay, tiêu chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành năm 2006 đã đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với công trình nằm trong vùng động đất phải thiết kế kháng chấn.

Cũng theo ông Minh, Hà Nội hiện đang nằm trong vùng động đất trung bình cấp 8, nhưng trong vùng có những nơi cấp 7, cấp 6, có nơi nằm giữa cấp 8 và 9 (theo thang MSK-64). Còn tại TPHCM, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, ông Lê Hoàng Châu, các chuyên gia tính toán nếu có động đất lớn thì khả năng chỉ đến 5,5 độ richter.


Người dân chung cư ở Hà Nội hoảng loạn vì dư chấn động đất đêm 24/3
TS. Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết thêm, hiện Hà Nội đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường, để các công trình xây dựng dễ dàng thiết kế theo quy chuẩn. Sở Xây dựng là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở cũng như kiểm tra việc tuân thủ các quy định của luật pháp về thiết kế công trình.

Người thiết kế có nghĩa vụ tuân thủ các quy định trên, nhất là các công trình có nguy cơ gây thảm họa lớn khi xảy ra động đất như chung cư cao tầng, trung tâm thương mại… Do vậy, với những toà nhà cao tầng mới xây sẽ không đáng ngại.

Theo đại diện sở Xây dựng Hà Nội, những công trình do sở thẩm định đã tính toán mức chống động đất đến cấp 8, thông thường là cấp 7. Với những toà tháp cao, ví như Keangnam, thì do Bộ Xây dựng thẩm định kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc sở Xây dựng TPHCM cũng khẳng định, các công trình xây dựng ở TPHCM đều được thiết kế chịu động đất cấp 7 (Thang MSK-64 gồm 12 cấp áp dụng trong xây dựng, được quy đổi từ độ richter trong chuyên ngành vật lý). Riêng tòa nhà Bitexco cao 68 tầng được chủ đầu tư thiết kế với khả năng chịu được động đất cấp 8.

Theo thang MSK, ở cấp 7 sẽ xảy ra hiện tượng hư hại nhà cửa; Đa số người dân sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, nứt lớp vữa, tường bị rạn nứt, và cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi.

Đồng quan điểm với ông Hiệp, ông Nguyễn Văn Đực -Phó Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành cho biết, các chung cư cao tầng mới xây ở TPHCM hoàn toàn có thể đứng vững trước động đất, một số hư hỏng như người dân phản ánh là do công tác hoàn thiện chứ không do kết cấu bê tông cốt thép của tòa nhà.

Lo ngại chung cư cũ, nhà dân

Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay, theo sở Xây dựng Hà Nội, gần như không có sự kiểm soát về chất lượng và kỹ thuật đối với nhà dân tự xây. Dạng công trình nhỏ như chung cư mini ở Hà Nội cũng rất đáng lo ngại, vì cơ quan cấp phép chỉ thẩm định xem công trình có phù hợp quy hoạch hay không, còn chất lượng thế nào do chủ đầu tư tự quyết định…

Các chung cư cũ, theo TS Nguyễn Trung Hòa, cũng chưa được kiểm soát gắt gao. Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội xây từ những năm 60- 70, rất cũ, lại bị cải tạo làm méo mó đi nhiều, nên nếu xảy ra động đất nguy cơ sập rất cao.

Phó Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cũng bày tỏ lo ngại đối với các tòa nhà ở TPHCM xây dựng từ thời chế độ cũ. Theo ông này, có nhiều nhà dân, khách sạn cao tầng… được cơi nới từ phần móng cũ, không được gia cố, rất nguy hiểm.

"Tôi đã từng đi kiểm định một công trình có phần móng thiếu tới 90% so với tiêu chuẩn. Chỉ cần một vài rung chuyển cũng có thể gây ra nguy hiểm, chưa cần tới động đất" - ông Đực nói.

Vẫn còn chủ quan

Mặc dù đã có quy chuẩn xây dựng, song theo ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhiều người còn chủ quan đối với hiện tượng động đất, nên khi thẩm định thiết kế cơ sở đối với công trình cao tầng về độ kháng chấn chỉ mang tính hình thức… UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, do động đất ít xảy ra ở thủ đô, nếu có thì mức độ nhỏ, chưa gây thiệt hại nên các tổ chức, cá nhân còn tư tưởng chủ quan.

Sau khi ở Nhật Bản xảy ra trận động đất kinh hoàng vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.

Theo đó, lãnh đạo TP yêu cầu, khi xây dựng các công trình công cộng, cao tầng và công trình quan trọng, chủ đầu tư phải tính đến yếu tố động đất; các đơn vị phải rà soát, thống kê khu nhà yếu, không đảm bảo để có phương án xử lý kịp thời;

Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn TP lập kế hoạch và tổ chức diễn tập phòng tránh động đất trên địa bàn; các quận, huyện, thị xã và sở ban ngành cần thành lập ban chỉ huy phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất…

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, sau trận động đất xảy ra ở Nhật Bản, Chính phủ nên dành nhiều sự quan tâm hơn nữa tới vấn đề này. Cần thiết phải xây dựng các trạm quan trắc để đưa ra những cảnh báo kịp thời về động đất. "Thiên nhiên rất khó lường, mọi sự cẩn trọng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại khi thiên tai xảy ra" - ông Châu nói.

(Theo Tiền Phong)