- Không may mắn phải mang trên mình một khối u bẩm sinh, ông Nguyễn Văn Nghệ tìm đến bác sĩ Võ Xuân Sơn với hi vọng tình hình sẽ cải thiện. Tuy nhiên, sau 2 lần phẫu thuật, đôi chân ông Nghệ đã bị liệt hoàn toàn. Ông kiện bác sĩ ra tòa đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng 2,6 tỷ đồng.

Ngày 4/9, TAND TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nghệ (53 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) và bị đơn là bác sĩ Võ Xuân Sơn (56 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM).

Mất tiền vẫn…bị liệt

Theo nội dung khởi kiện: ông Nguyễn Văn Nghệ bị một khối u nhỏ bẩm sinh, được Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Sài Gòn chẩn đoán là khối u mỡ. Qua giới thiệu, ông Nghệ tìm đến bác sĩ (Bs) Sơn để điều trị. Khi gặp Bs Sơn, ông Nghệ trong tình trạng có cảm giác tê bên chân phải nhưng vẫn đi lại được.

Bs Sơn tư vấn ông Nghệ nên mổ, nếu không mổ sẽ bị liệt. Sau khi được tư vấn, ông Nghệ đã đề nghị Bs Sơn phẫu thuật cho mình. Tháng 6/2005, ca phẫu thuật được tiến hành tại bệnh viện Sài Gòn ITO với chi phí phẫu thuật là 14 triệu đồng.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Nghệ.

Sau khi phẫu thuật, ông Nghệ có triệu chứng suy yếu, có cảm giác tê liệt. Trước tình hình trên, năm 2008, Bs Sơn tư vấn ông Nghệ phải mổ tiếp. Tháng 6/2008, ông Nghệ được Bs Sơn phẫu thuật lần 2 với chi phí 30 triệu đồng tại Bệnh viện Phương Đông (STO).

Sau lần mổ này, ông Nghệ tiếp tục điều trị theo chỉ định của vị bác sĩ trên nhưng tình hình ngày càng xấu đi. Cuối năm 2008, ông bị liệt hẳn hai chân và phải ngồi xe lăn, tiêu tiểu không chủ động. Dù vậy, ông vẫn kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của Bs Sơn đến cuối năm 2009 mới dừng lại.

Lúc này, nguyên đơn tìm hiểu mới biết là căn bệnh của mình là một khối u lành tính và cho rằng Bs Sơn đã tư vấn không đúng với đánh giá của các nhà khoa học nên đã tiến hành phẫu thuật, gây thiệt hại cho ông nên ông Nghệ đã kiện bác sĩ này ra TAND quận 10 đòi bồi thường thiệt hại.

Theo đó, ông Nghệ đề nghị tòa tuyên buộc Bs Võ Xuân Sơn và bệnh viện Phương Đông, bệnh viện chấn thương chỉnh hình Sài Gòn liên đới bồi thường cho ông các khoản bao gồm: tiền điều trị thuốc men, tiền ăn, tiền thuê người chăm sóc…cho đến khi ông Nghệ 73 tuổi (theo mức tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được công bố vào ngày 30/11/2011), tiền tổn thất tinh thần, tiền chi phí phẫu thuật…tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng.

Kì kèo “ngã giá”

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện phía bị đơn và luật sư cho rằng, căn cứ theo bệnh án và phác đồ theo dõi điều trị bệnh của Bs Sơn đối với nguyên đơn cho thấy Bs Sơn đã thực hiện ca mổ cho ông Nghệ đúng theo quy định của pháp luật.

Bs Sơn không có lỗi, nguyên đơn không chứng minh được con số thiệt hại cụ thể, việc nguyên đơn bị liệt hai chân là do bệnh lý bẩm sinh nên bị đơn không chấp nhận bồi thường, chỉ đồng ý tự nguyện hỗ trợ cho nguyên đơn 30 triệu đồng.

Sau khi xem xét, TAND quận 10 đã tuyên buộc Bs Sơn phải bồi thường cho nguyên đơn tổng cộng 57,3 triệu đồng, ngoài ra bị đơn còn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn do cần có người chăm sóc là 430.700 đồng/tháng.

Ngay sau phán quyết trên, cả nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, HĐXX dành khá nhiều thời gian hòa giải để hai bên đi đến tự nguyện thỏa thuận.

Quá mệt mỏi, với mong muốn sớm kết thúc vụ kiện, đại diện theo ủy quyền của ông Nghệ cho biết, phía nguyên đơn sẽ chấp nhận thỏa thuận nếu bị đơn đồng ý hỗ trợ cho nguyên đơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khá nhiều thời gian, mọi thỏa thuận đều không đạt được. Trái lại với thiện chí của nguyên đơn, phía bị đơn cho biết vì vụ kiện mà Bs Sơn cũng đã chịu thiệt hại không nhỏ về danh tiếng, chi phí thuê luật sư theo đuổi vụ kiện…

Do vậy, bị đơn kiên quyết khẳng định mình không có lỗi và chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng với điều kiện ông Nghệ phải xác nhận bằng văn bản rằng Bs Sơn không có lỗi và chấm dứt việc kiện cáo. Nếu ông Nghệ chấp nhận thêm một điều kiện là xin lỗi Bs Sơn thì khoản tiền hỗ trợ sẽ tăng lên thành 130 triệu đồng.

Trước yêu cầu trên, đại diện nguyên đơn không chấp nhận nên tiếp tục kháng cáo. Luật sư phía nguyên đơn trình bày: “Trước khi gặp Bs Sơn, anh Nghệ vẫn có thể điều khiển xe Honda chở gia đình, làm công việc kinh doanh, là lao động chính của gia đình nhưng sau khi phẫu thuật lại bị liệt hoàn toàn, tiêu tiểu không chủ động.

Đó là do lỗi tư vấn của bác sĩ, lẽ ra bác sĩ phải tiên lượng được mọi tình huống xấu xảy ra, ở đây bác sĩ có lỗi do quá tự tin và phải chịu trách nhiệm bồi thường”.

Đáp lại phía nguyên đơn, bị đơn tái khẳng định Bs Sơn không có lỗi nên kháng cáo toàn bộ bản án.

• Mai Phượng